Bài 2: Quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Có tiền không tiêu được
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, cơ chế tài chính là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Trong đó, Quỹ phát triển cho khoa học và công nghệ đang trong tình trạng không tiêu được tiền hoặc không có kinh phí phải dừng hoạt động…
Bài 1: Ngân sách chi cho khoa học và công nghệ "nhỏ giọt"
Hàng chục nghìn tỷ đồng nằm trong Quỹ
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) nói, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cho đến nay, gần 10 năm thành lập Quỹ nhưng tình trạng thiếu tiền thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Trong khi nguồn lực dành cho KH&CN còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập và sử dụng Quỹ, cơ cấu chi của Quỹ còn bất hợp lý. Nội dung chi chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án chiếm tới 84,4%. Các khoản chi cho hỗ trợ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp đến nay chỉ chiếm 14,5%, mặc dù đây là nội dung chi thiết thực gắn với các doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do không có sự tương thích đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Quỹ hỗ trợ phát triển KH&CN là vấn đề quan trọng, hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giải ngân Quỹ còn chậm, quá trình các nhà khoa học nhận được kinh phí từ Quỹ để áp dụng nghiên cứu là rất khó khăn. Bên cạnh đó, ngoài Quỹ của nhà nước, Quỹ của doanh nghiệp lập ra cho phát triển KH&CN có số lượng thành viên tham gia cũng rất hạn chế.
![(Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_579_51490188/d56ccec2e28c0bd2529d.jpg)
(Ảnh minh họa)
Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, giai đoạn 2015 - 2021, theo thống kê của Tổng cục Thuế, số tiền và số doanh nghiệp trích lập Quỹ không nhiều; việc sử dụng số tiền từ Quỹ chi cho hoạt động KH&CN chỉ đạt 60%. Cụ thể, số tiền trích lập Quỹ cả nước đạt trên 23 nghìn tỷ đồng và sử dụng trên 14 nghìn tỷ đồng.
Theo số liệu về tình hình trích lập và sử dụng Quỹ năm 2022, có khoảng 220 doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ trong năm 2022 với tổng số tiền trích lập khoảng 6.500 tỷ đồng, số tiền Quỹ được sử dụng khoảng 3.200 tỷ đồng. Năm 2023 có 170 doanh nghiệp trích lập Quỹ với tổng số tiền là 5.879 tỷ đồng, có hơn 200 doanh nghiệp sử dụng Quỹ với số tiền sử dụng là 4.363 tỷ đồng.
Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, hiện có tình trạng chưa bình đẳng về quy định tỷ lệ trích lập Quỹ giữa các doanh nghiệp. Cùng là doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp nhà nước phải trích lập từ 3 – 10% lợi nhuận trước thuế trong khi các doanh nghiệp khác thì chỉ quy định trích lập tối đa 10%, thậm chí không trích lập quỹ. Điều này đi ngược lại chính sách khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Về trích lập Quỹ, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra, việc trích lập quỹ tập trung chủ yếu tại một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động hiệu quả. Cụ thể, tổng số trích lập của 10 doanh nghiệp trích lập Quỹ lớn nhất là 16.069 tỷ đồng trên tổng số trích lập 21.950 tỷ đồng, chiếm 73,2% tổng số trích lập Quỹ của cả nước.
Về sử dụng Quỹ, tỷ lệ sử dụng Quỹ tại các doanh nghiệp nhà nước lớn là rất thấp: Tập đoàn VNPT mới sử dụng 11%, Tập đoàn Viettel ở mức cao hơn khoảng 47%, Tập đoàn MobiFone không giải ngân được trong giai đoạn 2018 - 2021, Tổng công ty SCIC không giải ngân được trong giai đoạn 2016 - 2020.
Trong khi đó, quy định pháp luật về xử lý Quỹ được trích lập nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% chưa khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ và tích lũy Quỹ cho các dự án nghiên cứu dài hạn cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Cơ chế tài chính – điểm nghẽn của điểm nghẽn
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nói, 3 điểm nghẽn chủ yếu của KH&CN Việt Nam là cơ chế tài chính, phương thức đầu tư và chính sách sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ; trong đó, cơ chế tài chính cũng là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Chừng nào chưa đổi mới thực sự cơ chế tài chính cho KH&CN phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, chừng đó KH&CN Việt Nam còn chưa thể thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay và sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu.
Chia sẻ về Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, theo ông Quân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không bắt buộc doanh nghiệp phải trích lập Quỹ và lại quy định giới hạn trần 10% thu nhập tính thuế. Chính vì thế, trong suốt hơn 10 năm qua các doanh nghiệp hầu như không chịu trích lập Quỹ. Điều này xuất phát từ 3 nguyên nhân chính sau: do luật không bắt buộc doanh nghiệp trích lập quỹ; Nếu lập quỹ lại bị giới hạn mức 10% lợi nhuận trước thuế trong khi 97% - 98% số doanh nghiệp ở nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu chỉ được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế thì không đủ để đổi mới công nghệ; Ngành tài chính hiện nay vẫn kiểm soát chi quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp như chi ngân sách nhà nước.
![(Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_579_51490188/e405f0abdce535bb6cf4.jpg)
(Ảnh minh họa)
Trong khi đó, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 quy định, doanh nghiệp nhà nước phải trích lập Quỹ và dành một tỷ lệ tối thiểu lợi nhuận trước thuế (mức sàn tối thiểu) để lập quỹ và giao Chính phủ quy định mức sàn này. Thế nhưng cho đến nay cũng chỉ có một số ít doanh nghiệp nhà nước làm được điều đó, còn rất nhiều doanh nghiệp cũng có lập Quỹ nhưng không sử dụng được.
Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Quân, mặc dù Nghị định số 95/2014/NĐ-CP đã quy định là doanh nghiệp phải trích lập Quỹ và nếu không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết thì cuối năm tài chính phải chuyển kinh phí tồn dư vào các quỹ của nhà nước ở Trung ương hoặc quỹ của địa phương. Nhưng cho đến thời điểm này, vẫn không có một doanh nghiệp nhà nước nào thực hiện quy định đó, dẫn tới các bộ, ngành, địa phương thiếu vốn tài trợ cho nghiên cứu, nhưng lại không huy động được nguồn vốn từ doanh nghiệp, bởi không có chế tài kiểm soát, không có quy định về thủ tục chuyển kinh phí từ Quỹ của doanh nghiệp sang Quỹ của nhà nước, và các cơ quan thanh tra, kiểm toán hằng năm cũng bỏ qua không hề đề cập đến. Kết quả là, hầu hết các Quỹ của địa phương đều không có nguồn vốn bổ sung dẫn tới phải giải thể quỹ sau mấy năm hoạt động.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp cổ phần tự nhận thức được vai trò quan trọng của KH&CN đã thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo hướng dẫn của mhà nước, nhưng họ đành phải sử dụng lợi nhuận sau thuế để được chủ động chi tiêu, chấp nhận thiệt thòi vì không được hỗ trợ miễn thuế của nhà nước, và các doanh nghiệp này đều có sự tăng trưởng vượt bậc, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số vừa qua. Điển hình là: Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã trích tới gần 20% lợi nhuận sau thuế; Công ty Cổ phần Phenikaa đã trích 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và rất thành công trong làm chủ công nghệ và phát triển sản xuất với tốc độ tăng trưởng cao.
Một vấn đề điểm nghẽn được nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu ra là cơ chế quản lý và duy trì hoạt động Quỹ phát triển KH&CN của các bộ, ngành, địa phương. Theo Bộ trưởng, sau khi Quốc hội thông qua Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 và Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, đã có hơn 20 tỉnh, thành phố và 1 bộ thành lập Quỹ phát triển KH&CN. Tuy nhiên, ngoài Quỹ phát triển KH&CN quốc gia hoạt động theo quy định tại Điều 60 Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 và Nghị định số 23/2014/NĐ-CP tương đối thuận lợi, thì các Quỹ của bộ, ngành, địa phương hoạt động theo quy định tại Điều 61 Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 lại gặp nhiều khó khăn.
Bởi vì, nguồn vốn của quỹ được quy định “chỉ cấp 1 lần ban đầu từ ngân sách nhà nước, vốn bổ sung hằng năm từ phân bổ ngân sách cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh và kết quả hoạt động của quỹ, đóng góp của doanh nghiệp…”, hầu hết các địa phương chỉ cấp vốn ban đầu ở mức thấp (5 - 10 tỷ VNĐ), trong khi không bổ sung vốn hằng năm từ nguồn nhiệm vụ khoa học và công nghệ và không huy động được đóng góp của doanh nghiệp.
"Thêm nữa, các quỹ này phải tự bảo đảm chi thường xuyên, trong khi không có khả năng cho vay để có nguồn thu từ hoạt động của quỹ; vì vậy, chỉ sau vài năm tài trợ cho nghiên cứu các quỹ này đều không còn vốn để duy trì hoạt động. Đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh, thành phố đã giải thể hoặc ngưng hoạt động Quỹ phát triển KH&CN", nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng bí thư Tô Lâm nêu rõ, Đảng và nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từ Đại hội 4, khoa học và công nghệ đã được xác định là cuộc cách mạng, và đến nay, là quốc sách hàng đầu. Nhiều Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 20, Nghị quyết 52, Nghị quyết 36 đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước như ngày nay.
Tuy nhiên, theo Tổng bí thư, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ như báo cáo đã nêu từ thể chế, cơ chế, chính sách, luật, đến nguồn lực, phương tiện (các nhà khoa học mất quá nhiều thời gian, khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục; các đề tài nghiên cứu không có đột phá, không đo đếm được kết quả; nguồn lực dành cho KH&CN hạn chế, kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển của ta chưa đến 0,7% GDP, trong khi mức trung bình các nước phát triển là 2%, có nước 5%; chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, không thương mại hóa được sản phẩm, nhiều trường hợp làm để tài là hình thức “làm kinh tế biến tướng”...).
Tổng bí thư cho rằng, nguyên nhân chính của việc chưa thực sự thành công của các Nghị quyết của Trung ương chính là nằm ở khâu tổ chức thực hiện.