Mở rộng hợp tác trong phát triển mô hình canh tác bền vững, phát thải thấp
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Bayer Việt Nam tập trung hợp tác mở rộng mô hình canh tác bền vững, thúc đẩy canh tác lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả, an toàn tại Việt Nam trong năm 2025.
Việc chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) trong sáng nay 8/4 tại thành phố Cần Thơ giữa Công ty TNHH Bayer Việt Nam (Bayer) và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) nhằm mở rộng hợp tác trong việc phát triển các mô hình canh tác bền vững và thúc đẩy canh tác lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả, an toàn tại Việt Nam trong năm 2025.
Lễ ký kết đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Bayer và Trung tâm KNQG, tiếp nối những thành công đã đạt được trong giai đoạn 2023-2025.

Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Bayer Việt Nam.
Mục tiêu chính của MOU lần này là hỗ trợ xây dựng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời thúc đẩy các mô hình canh tác tiên tiến, quản lý dịch hại hiệu quả và đảm bảo an toàn cho các vùng trồng sầu riêng và cà phê trọng điểm, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên.

Mô hình canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai - ForwardFarming triển khai tại Cần Thơ.
Trong đó, hai bên sẽ phối hợp triển khai các hoạt động chính như thành lập các nông trại kiểu mẫu trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên để trình diễn và nhân rộng các đổi mới trong thực hành canh tác cho cây lúa, sầu riêng và cà phê; triển khai các chương trình quản lý tổng hợp, bao gồm ứng dụng công nghệ bảo vệ mùa màng tiên tiến, cho nông dân trồng lúa, sầu riêng và cà phê. Hai bên cũng sẽ thảo luận về khả năng cải thiện hệ thống theo dõi và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Bên cạnh đó, xây dựng và phổ biến tài liệu giáo dục thông qua các kênh truyền thông đa dạng để nông dân dễ dàng tiếp cận và áp dụng các phương pháp canh tác sáng tạo và bền vững. Về phía Bayer sẽ hợp tác chặt chẽ với nông dân để tối ưu hóa hiệu quả bảo vệ mùa màng, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông tin.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, đây là một khung hợp tác chung và hướng tới xây dựng một mô hình ForwardFarming. Chúng tôi đã kêu gọi thêm các doanh nghiệp, các đối tác khác như Công ty Bình Điền, Sài Gòn Kim Hồng, Vinarice để thích hợp các giải pháp, công nghệ đã chứng minh sản xuất giảm chi phí ở mức độ tối ưu. Cùng với đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đặc biệt đo đếm lượng phát thải khí nhà kính, góp phần trong đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL.