Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện
Dự báo năm 2025 sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt, nhu cầu phụ tải điện tăng cao, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tích cực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng điện; xây dựng kế hoạch đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ phát triển KT-XH và đời sống sinh hoạt của khách hàng.

Trạm 110kV Yên Lạc với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo nguồn điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Chu Kiều
Nguồn điện trên địa bàn tỉnh được cấp từ 2 trạm biến áp (TBA) 220kV gồm trạm Vĩnh Yên với 2 máy 250MVA và trạm Vĩnh Tường với 2 máy 250MVA. Công ty Điện lực Vĩnh Phúc hiện quản lý hệ thống lưới điện 110 kV gồm 14 TBA với 26 máy biến áp (MBA), tổng dung lượng đạt 1.569MVA. Bên cạnh đó, có 2 MBA với tổng dung lượng 103MVA nằm trong trạm 220kV Vĩnh Tường và 1 trạm 110kV thuộc tài sản của khách hàng với tổng dung lượng 2 MBA 50MVA.
Theo đánh giá của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, năm 2024, công suất mang tải lớn nhất của phụ tải điện (Pmax) đo được trên địa bàn tỉnh là 865MW, tiệm cận với công suất tối đa các MBA 220kV trên toàn tỉnh; sản lượng điện tiêu thụ trong ngày cao nhất được ghi nhận là 17 triệu kWh, tăng 10% so với năm 2023. Năm 2025, dự kiến Pmax toàn tỉnh tăng lên 950 - 1.000MW, trong đó, phụ tải điện vào cao điểm nắng nóng đạt 969MW, tăng 13% so với năm 2024.
Để đảm bảo khả năng cung cấp điện an toàn, ổn định, từ năm 2024 đến nay, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc thực hiện quản lý, triển khai 37 dự án điện với kế hoạch vốn giải ngân là 272,5 tỷ đồng. Đến hết năm 2024, công ty đã hoàn thành 20/37 dự án, trong đó, thực hiện xây dựng mới và cải tạo 108,2km đường dây trung thế, 93,6km đường dây hạ thế; xây dựng mới 80 TBA với tổng công suất 29.160kVA; cải tạo, nâng công suất 56 TBA với tổng công suất 25.700kVA.
Đặc biệt, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã hoàn thành đóng điện 2 dự án lưới điện 110kV Vĩnh Yên và Phúc Yên; đóng điện thành công 5 dự án điện trọng điểm gồm đường dây và TBA 110kV Đồng Sóc, đường dây và TBA 110kV Tam Dương, TBA 110kV Sông Lô và nhánh rẽ, đường dây và TBA 110kV Yên Lạc, MBA T1 + T2 Yên Lạc.
Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai các thiết bị số và phần mềm số hóa, công ty đã thực hiện tự động hóa mạch vòng lưới điện trung áp giúp giảm thời gian thao tác đóng, cắt và khoanh vùng điểm sự cố; tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm tra và bảo dưỡng lưới điện, sửa chữa điện nóng; hoàn thành chỉnh trang 112,2 km đường dây trung thế và 217,6 km đường dây hạ thế, vượt kế hoạch được giao.
Thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển phụ tải điện, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã làm việc trực tiếp với các khách hàng sản xuất lớn, có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên để tuyên truyền về kế hoạch cung cấp điện, khuyến khích áp dụng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Công ty vận động khách hàng ký thỏa thuận dịch chuyển thời gian sản xuất, tránh các khung giờ cao điểm trong ngày từ tháng 5 - 8, đồng thời giảm công suất sử dụng khi hệ thống điện gặp khó khăn.
Ngoài ra, Công ty đã ký cam kết tiết kiệm điện với 100% 4 nhóm khách hàng gồm: Hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ; thành lập các đoàn kiểm tra việc sử dụng điện tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị hành chính sự nghiệp và khuyến nghị người dân hạn chế sử dụng đồng thời thiết bị điện vào giờ cao điểm.
Nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đặc biệt trong thời gian nắng nóng cao điểm năm 2025, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch cung ứng điện trên địa bàn tỉnh, được UBND tỉnh phê duyệt với các tình huống vận hành thiếu nguồn từ 5 - 50% công suất lưới điện khi có công bố thiếu nguồn điện Quốc gia. Tổ chức quản lý, vận hành lưới điện theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; tăng cường rà soát, kiểm tra, kịp thời sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị trên lưới điện xong trước mùa mưa bão, nắng nóng.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý, vận hành lưới điện. Trong đó, nâng cao tỷ lệ tự động hóa lưới điện trung áp DMS/DAS nhằm tự động phát hiện, cô lập điểm sự cố lưới điện và nhanh chóng cấp điện trở lại; xây dựng các TBA 110kV theo công nghệ kỹ thuật số và ứng dụng công nghệ AI trong công tác quản lý kỹ thuật để phân tích và phát hiện sớm các sự cố.
Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện trọng điểm trên địa bàn tỉnh, trước mắt là hoàn thành đóng điện đường dây 110kV Vĩnh Yên - Hội Hợp - Vĩnh Tường, dự án TBA 500kV Vĩnh Yên và đường dây đấu nối trong tháng 5/2025.
Tiếp tục triển khai kế hoạch tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải và dịch chuyển phụ tải, giúp giảm áp lực lên hệ thống điện trong giờ cao điểm, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình của Chính phủ.