Việt Nam tận dụng cơ hội bứt phá trong chuyển đổi xanh
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) đang diễn ra tại Hà Nội với chủ đề 'Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm'. Nhân dịp này, các chuyên gia, học giả quốc tế chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề ra sáng kiến để đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ Việt Nam và các nước hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ông Ani Dasgupta, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Viện Tài nguyên thế giới: Sự đồng hành quan trọng của Chính phủ
Tôi rất vinh dự được có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh P4G do Việt Nam đăng cai tổ chức và từ tận đáy lòng, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ Việt Nam vì đã tổ chức sự kiện đầy ý nghĩa này. Hội nghị năm nay quy tụ đông đảo đại biểu là đại diện đến từ các nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới, cùng trao đổi kinh nghiệm và thảo luận để tìm ra giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình chuyển đổi xanh. Đây là vấn đề mang ý nghĩa sống còn đối với thế hệ tương lai của chúng ta.

Ông Ani Dasgupta, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Viện Tài nguyên thế giới.
Mỗi quốc gia đều đối mặt những thách thức riêng trên hành trình chuyển đổi xanh và xây dựng nền kinh tế carbon thấp. Những thách thức đó có thể liên quan vấn đề vốn, công nghệ, chính sách, cơ sở hạ tầng hoặc nguồn nhân lực. Đó là lý do vì sao Hội nghị thượng đỉnh P4G năm 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng vào thời điểm hiện nay. Đây là cơ hội để lãnh đạo các nước và doanh nghiệp ngồi lại cùng nhau, cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải.
Tiến trình chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đây là một tín hiệu tốt đối với cuộc chiến chung chống biến đổi khí hậu. Việt Nam là một minh chứng rõ ràng về việc chính phủ đã tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia quá trình chuyển đổi xanh, bằng các giải pháp như đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu tư ban đầu. Những nỗ lực này của Việt Nam nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi sang sử dụng nhiều năng lượng sạch hơn.
Bà Robyn McGukin, Giám đốc Điều hành P4G: Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp xanh
P4G là diễn đàn tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu, nhất là ở các quốc gia đang phát triển, trong vấn đề kỹ thuật, tài chính, đồng thời thúc đẩy hợp tác theo cơ chế đối tác công-tư để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn.
P4G góp phần tìm giải pháp để giảm phát thải, giảm tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ các dự án về năng lượng, nước, nông nghiệp. Việt Nam là thành viên sáng lập, đồng thời là một đối tác của P4G kể từ khi diễn đàn được thành lập.
Từ đó đến nay, chúng tôi hỗ trợ nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực như năng lượng, nước, xử lý rác thải… Chúng tôi cũng tập trung hỗ trợ các giải pháp về công nghệ sáng tạo, đặc biệt là những giải pháp thông minh về khí hậu.

Bà Robyn McGukin, Giám đốc Điều hành P4G.
Một doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang được P4G hỗ trợ là EBOOST, vốn đang tập trung xây dựng hệ thống trạm sạc xe điện thông minh tích hợp công nghệ quản lý hiện đại. Doanh nghiệp này tập trung vào những mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam. Chúng tôi cũng hợp tác với thành phố Hà Nội về đẩy mạnh chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh vào năm 2030.
Tôi cho rằng, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển khoa học-công nghệ phục vụ các mục tiêu khí hậu. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các giải pháp về chuyển đổi xanh của Việt Nam cũng như các quốc gia đối tác khác, đặc biệt là giải pháp cho sự phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng tại Việt Nam.
Ông Finn Mortensen, Giám đốc Điều hành Tổ chức State of Green của Đan Mạch: Đan Mạch sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam
Hiện nay, Đan Mạch đang nỗ lực giữ vai trò tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, tăng trưởng bền vững, với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2045.
Chúng tôi coi trọng vai trò và sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thúc đẩy tăng trưởng xanh. Vì vậy, Đan Mạch đã thành lập sáu trung tâm phát triển doanh nghiệp tại các thành phố lớn của mình. Những trung tâm này có nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, bằng việc tư vấn miễn phí về mặt chuyên môn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của công ty.

Ông Finn Mortensen, Giám đốc Điều hành Tổ chức State of Green của Đan Mạch.
Tôi có thể cảm nhận được tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo rất mạnh mẽ tại Việt Nam. Với những kinh nghiệm của mình, Đan Mạch sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam bằng việc kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp của hai nước với nhau.
Đan Mạch cũng muốn chia sẻ và cùng thảo luận với các đối tác Việt Nam về những kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững.
Tiến sĩ Malle Fofana, Giám đốc khu vực châu Á, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI): Phát triển khoa học, công nghệ là điều tất yếu
Thế giới đang đứng trước thời điểm quan trọng để đẩy mạnh hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thực tế này đòi hỏi các nước tăng tốc nghiên cứu, phát triển các giải pháp khoa học-công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, hiện 75% các giải pháp công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi xanh trên thế giới mới chỉ đang trong giai đoạn khởi đầu. Ngoài ra, các giải pháp này mới chỉ tập trung vào những lĩnh vực dễ xử lý và các ngành ít phát thải. Nhìn vào những lĩnh vực phát thải lớn như công nghiệp nặng, có một khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu giảm phát thải và thực tế đầu tư.
Thí dụ, khối lượng chất thải mà các ngành công nghiệp nặng thải ra môi trường rất lớn. Tuy nhiên, hiện công nghệ làm sạch chỉ có thể xử lý 11% lượng chất thải của các ngành công nghiệp nặng và chỉ tập trung những khu vực dễ xử lý.

Tiến sĩ Malle Fofana, Giám đốc khu vực châu Á, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI).
Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế nên coi đầu tư phát triển khoa học-công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), phục vụ quá trình chuyển đổi xanh chính là đầu tư cho thế hệ tương lai. Để làm được điều này, vai trò của các chính phủ, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế, đối tác công-tư là rất quan trọng để bảo đảm các doanh nghiệp khởi nghiệp nhận được hỗ trợ cần thiết.
GGGI và Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác cùng nhau, nhằm phát triển khoa học-công nghệ phục vụ quá trình tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Trong đó có thể kể đến việc nghiên cứu và triển khai những giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn năng lượng, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, giao thông vận tải, xây dựng; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi xanh; thu hút dòng vốn đầu tư vào chuyển đổi xanh.