Thúc đẩy công nghiệp xanh để phát triển bền vững

Long An đang xây dựng kế hoạch đưa tỉnh trở thành một trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của vùng dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2050 Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Long An đang xây dựng kế hoạch đưa tỉnh trở thành một trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của vùng dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Khu công nghiệp Long Hậu (Long An). Ảnh: Minh Hưng-TTXVN

Khu công nghiệp Long Hậu (Long An). Ảnh: Minh Hưng-TTXVN

* Ưu tiên quỹ đất phát triển công nghiệp

Theo UBND tỉnh Long An, mục tiêu của Long An là trở thành tỉnh phát triển công nghiệp của khu vực phía Nam. Đề hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh đã quy hoạch phát triển 51 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.433 ha. Hiện nay, có 37 khu công nghiệp được thành lập với diện tích quy hoạch hơn 10.015 ha; trong đó, 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất được quy hoạch gần 6.000 ha (có 20 khu công nghiệp đang hoạt động). Các khu, cụm công nghiệp của Long An tập trung chủ yếu tại các huyện tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh sẵn sàng chào đón doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Long An.

Đến năm 2030, với tổng số 51 khu công nghiệp được hình thành trên tổng diện tích 12.433 ha, Long An sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của khu vực phía Nam, là địa phương đứng thứ hai cả nước (sau Bình Dương) về diện tích các khu công nghiệp, tạo điều kiện và cơ hội lớn để thu hút đầu tư.

Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, các khu công nghiệp được phân bổ dựa theo tính chất chức năng và lợi thế quỹ đất, vị trí cửa ngõ đô thị TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể: Vùng công nghiệp trung tâm Tân An - Bến Lức, định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, khai thác lợi thế tiếp cận TP. Hồ Chí Minh, đường Vành đai 3, đường cao tốc Bến Lức – sân bay Long Thành, cảng Hiệp Phước, cảng Long An nên trong vùng này ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao hỗ trợ phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.

Vùng công nghiệp tập trung phía Bắc (huyện Đức Hòa) có định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến; với vị trí nằm giữa hai đường Vành đai 3 và Vành đai 4, cách đường Xuyên Á; ngành nghề chính vùng công nghiệp này là phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến.

Vùng công nghiệp phía Đông tại các huyện Cần Giuộc - Cần Đước định hướng phát triển hỗ trợ công nghiệp cảng và ngành hạ nguồn sử dụng dịch vụ cảng. Cảng quốc tế Long An sẽ là hạt nhân để hình thành một vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ và khu đô thị hiện đại tại huyện Cần Giuộc. Các khu công nghiệp của Long An và các tỉnh lân cận phát triển sẽ có nhu cầu rất lớn về xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Long An. Hình thành khu công nghiệp tập trung, công nghiệp cảng tại Cảng quốc tế Long An quy mô khoảng 2.000 ha.

Vùng công nghiệp phía Tây (thị xã Kiến Tường), định hướng phát triển để hình thành khu công nghiệp phi thuế quan cửa khẩu Long An nhằm thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Campuchia.

“Ngoài việc đẩy mạnh tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư, tỉnh cũng định hướng phát triển các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái nhằm đón các nhà đầu tư từ các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vốn đòi hỏi yêu cầu khắt khe các vấn đề về môi trường; đảm bảo các dự án đáp ứng các tiêu chí về môi trường, chứng chỉ xanh”, ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết thêm.

* Giải pháp phát triển bền vững

Khu công nghiệp Long Hậu (Long An). Ảnh: Minh Hưng-TTXVN

Khu công nghiệp Long Hậu (Long An). Ảnh: Minh Hưng-TTXVN

Sự ra đời của các khu công nghiệp sinh thái – khu công nghiệp xanh trong những năm gần đây được xem là giải pháp bền vững để ngành công nghiệp Long An nói riêng và kinh tế Long An nói chung tiếp tục sôi động và phát triển bền vững. Theo các chuyên gia, khu công nghiệp xanh đóng vai trò thiết yếu trong việc định hình tương lai phát triển bền vững của Việt Nam. Khu công nghiệp xanh là khu công nghiệp thân thiện với môi trường, sản xuất ra các sản phẩm xanh.

“Các khu công nghiệp xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo ra hệ sinh thái sản xuất bền vững, nơi các doanh nghiệp cùng chia sẻ tài nguyên, giảm thiểu rác thải và tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Ở Việt Nam có nhiều khu công nghiệp hoạt động hơn 20 - 30 năm nay đã có sự chuyển đổi từng bước để thực hiện câu chuyện về chuyển đổi xanh, về năng lượng tái tạo”, ông Trần Thiên Long – Phó Chủ tịch Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, cho biết.

Điển hình khu công nghiệp xanh là Khu công nghiệp Đức Hòa III – Slico với diện tích 157 ha được phát triển là khu công nghiệp đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh - sạch – thân thiện môi trường. Mới nhất là Khu công nghiệp sinh thái Prodezi có quy mô lên tới 400 ha, vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng, vừa được khởi công vào tháng 3/2025. Với các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt, Prodezi chủ trương thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu chất thải, như điện tử, sản xuất và lắp ráp ôtô, công nghiệp phụ trợ, logistics, trung tâm dữ liệu, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,...

Phát triển công nghiệp xanh của Long An được hỗ trợ bởi logistics xanh; trong đó, có cảng xanh. Từ năm 2023, Việt Nam phát triển mô hình cảng xanh, Cảng quốc tế Long An là một trong những đơn vị thí điểm đầu tiên. Theo bà Ngô Thị Thanh Vy - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Khai thác Cảng quốc tế Long An, việc xây dựng cảng xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp bách để bảo vệ môi trường biển và đáp ứng các cam kết quốc tế.

“Cảng quốc tế Long An chú trọng việc tái cấu trúc toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ (từ sản xuất - khai thác - vận hành), thúc đẩy chuỗi cung ứng xanh, hướng đến giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Song song đó, chúng tôi ưu tiên đầu tư công nghệ xanh, chuyển đổi sang sử dụng công nghệ và phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, năng lượng mặt trời, hoặc công nghệ tiết kiệm năng lượng”, nhà quản lý cụm cảng, khu công nghiệp tại Cảng quốc tế Long An nhấn mạnh.

Theo UBND tỉnh Long An, là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp hàng đầu khu vực phía Nam, Long An luôn chú trọng thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Các khu công nghiệp xanh - khu công nghiệp sinh thái ra đời không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn cao về hạ tầng kỹ thuật, mà còn tiên phong trong mô hình khu công nghiệp sinh thái theo Nghị định số 35 của Chính phủ, phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững trên thế giới. Khu công nghiệp sinh thái – khu công nghiệp xanh là nền tảng vững chắc để Long An phát triển công nghiệp xanh, tiến đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hàng đầu và là một trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong thời gian tới.

Hoàng Liên Sơn – Thanh Bình - Hồng Đạt/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuc-day-cong-nghiep-xanh-de-phat-trien-ben-vung/372275.html
Zalo