Nông dân xã An Quảng Hữu chia sẻ, nhân rộng mô hình nuôi lươn
Từ năm 2021, có khoảng 04 - 05 hộ hội viên nông dân ở ấp An Tân, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú tham gia mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi-măng. Từ hiệu quả của mô hình, thông qua công tác dân vận khéo của Hội Nông dân xã và sự vào cuộc hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật... đã vận động tuyên truyền các gia đình hội viên ở các ấp khác trong xã có điều kiện nhân rộng mô hình và tiến tới xây dựng tổ hợp tác nuôi lươn, Chi hội nghề nghiệp cùng ngành nghề (nuôi lươn)...

Hội Nông dân xã tham quan mô hình nuôi lươn bể xi-măng tại hộ anh Trần Phong Vũ.
Từ đầu năm 2025 đến nay, giá lươn thương phẩm ở mức khá cao và ổn định từ 95.000 - 120.000 đồng/kg. Với giá lươn hiện nay, người nuôi khá phấn khởi và tạo điều kiện trong việc mở rộng, nhân rộng mô hình.
Hội viên nông dân Nguyễn Văn Quân, ngụ ấp An Tân là người tiên phong trong phong trào nuôi lươn thương phẩm và sản xuất lươn giống của xã An Quảng Hữu chia sẻ: nuôi lươn lúc đầu cũng gặp khó khăn, sau những lần nuôi đã dần nắm bắt được kỹ thuật từ khâu con giống, chăm sóc và làm bể nuôi… Qua đó, hàng năm gia đình cung cấp cho người dân và hội viên trên 500.000 con lươn giống và xuất bán mỗi năm gần 20 tấn lươn thương phẩm. Gia đình còn hỗ trợ trong việc bán lươn giống cho hội viên đến khi thu hoạch mới lấy tiền. Hàng tuần, các anh em trong tổ nuôi lươn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và bổ sung kỹ thuật nuôi cho nhau, nên tỷ lệ nuôi lươn thành công đạt trên 90%.
Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Ngã Ba, anh Ngô Văn Tùng cho biết: từ phong trào nuôi lươn ở ấp An Tân, Chi hội đã phát triển nhân rộng thêm 10 hộ nuôi lươn, đồng thời Hội cũng triển khai hỗ trợ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được 500 triệu đồng cho các hộ nuôi lươn. Mô hình nuôi lươn đã thật sự đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên trong ấp; qua đó, có nhiều hội viên thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm từ nuôi lươn.
Anh Trần Phong Vũ, thành viên Tổ hợp tác nuôi lươn ấp Ngã Ba chia sẻ: năm 2023, gia đình bắt đầu làm quen với nghề nuôi lươn; lúc đầu chỉ nuôi 03 bể (khoảng 6.000 con lươn giống), dần dần thấy con lươn cho hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện vùng nuôi như gần kênh, diện tích xây dựng bể nuôi không lớn. Đến đầu năm 2025, gia đình mở rộng lên 14 bể; sản lượng bình quân khoảng 01 tấn lươn thương phẩm/bể. Với giá lươn hiện nay, người nuôi lươn đạt lợi nhuận từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Thông qua công tác vận động, tuyên truyền của Hội Nông dân xã đã đưa mô hình nuôi lươn từ nhỏ lẻ nhân rộng theo hình thức liên kết và khép kín: cung ứng lươn giống - nuôi trùng quế - lươn thương phẩm. Xã đã thành lập được 01 Chi hội nghề nghiệp nuôi lươn (ấp An Tân); 02 Tổ hợp tác nuôi lươn ấp Ngã Ba và Dầu Đôi; với tổng số 35 hộ nuôi lươn/hơn 300 bể nuôi (diện tích từ 08 - 10m2/bể).
Xã An Quảng Hữu hiện có 1.228 hội viên Hội Nông dân; trong đó, hội viên dân tộc Khmer chiếm trên 45%; thông qua vai trò Hội đã triển khai nhiều nguồn vốn cho hội viên vay sản xuất như trồng màu, nuôi bò, nuôi lươn… qua nguồn vốn vay ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội; vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân…
Đồng chí Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Quảng Hữu cho biết: từ hiệu quả của các hộ nuôi lươn được vay vốn (khoảng 4,5 tỷ đồng), Hội nhận thấy đây là mô hình kinh tế phù hợp với đặc điểm sản xuất của địa phương; kinh phí đầu tư thấp, không đòi hỏi nhiều diện tích, phù hợp với lao động của gia đình… thời gian tới, Hội tiếp tục vận động hội viên và nông dân mở rộng các hình thức sản xuất, chăn nuôi và liên kết, giúp nhau trong xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.