'Mở lối' giúp thanh thiếu niên hư hỏng thành người có ích - Bài 2: Thiếu giáo dục, nghiện mạng xã hội

Hầu hết thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đã nghỉ học, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường. Khi gia đình không còn là nơi để về, các em dễ bị trượt dốc do những tác động tiêu cực của mạng xã hội, địa bàn tiềm ẩn phức tạp.

Việc bùng nổ các phương tiện nghe nhìn, internet nhưng kiểm soát chưa chặt chẽ như hiện nay cũng là nguyên nhân dẫn đến thanh thiếu niên phạm tội

Việc bùng nổ các phương tiện nghe nhìn, internet nhưng kiểm soát chưa chặt chẽ như hiện nay cũng là nguyên nhân dẫn đến thanh thiếu niên phạm tội

Tuổi nổi loạn

Theo các nghiên cứu, những vụ việc phạm tội thường rơi vào đối tượng là thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi. Đây là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng tâm sinh lý có những bất ổn, dễ nổi loạn, thiếu các kỹ năng sống nên những hành vi thường có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí.

Như em Trần Lê Nhật Vinh (sinh năm 2004, trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) từng nghiện game online. Theo tìm hiểu, từ nhỏ Vinh sống thiếu sự quan tâm của cha mẹ.

Thầy Cáp Phi Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Tuấn (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng là do thiếu sự giám sát, quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình.

Đơn cử, những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ phải kiếm sống không quan tâm, giáo dục con cái; cha mẹ ly hôn; không loại trừ những gia đình khá giả, cha mẹ lo làm ăn, nuông chiều, không dành thời gian chăm sóc con em mình; một số em bỏ học...

 Em Trần Lê Nhật Vinh (sinh năm 2004, trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu) phụ bán quán giúp gia đình

Em Trần Lê Nhật Vinh (sinh năm 2004, trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu) phụ bán quán giúp gia đình

Nói về nạn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ngày càng tăng, ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, nhận định, tỷ lệ vi phạm pháp luật của lứa tuổi thanh, thiếu niên có xu hướng gia tăng, xuất phát từ việc các em không được học hành, học nghề một cách bài bản.

Một trong những nguyên nhân vẫn là cơ hội vào trường cấp 3 công lập rất hạn chế. Bình quân một năm, huyện Hòa Vang có khoảng 700 em không được tiếp tục theo học trường THPT công lập. Các em chỉ có thể lựa chọn vào trường tư thục hay là trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc đi học nghề.

Tuy nhiên, với điều kiện ở huyện Hòa Vang vừa xa vừa thiếu trường tư thục, trường nghề và kinh tế còn khó khăn nên việc các em tiếp tục đi học trường tư hoặc học nghề là rất khó.

Không chỉ vậy, Hòa Vang là địa bàn giáp ranh của quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) và tỉnh Quảng Nam nên tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn ẩn chứa nhiều phức tạp; luôn tiềm ẩn các loại tội phạm, vi phạm pháp luật như trộm cắp, lừa đảo, gây rối trật tự; tội phạm, tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc diễn biến phức tạp… Một phần nữa, đa số gia đình thuộc diện lao động chân tay nên việc giáo dục, quan tâm con cái còn rất hạn chế.

Tác động tiêu cực từ thế giới ảo

Nhận định về nguyên nhân của nạn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ngày càng tăng, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho rằng, bên cạnh những ảnh hưởng tâm lý lứa tuổi, việc bùng nổ các phương tiện nghe nhìn, internet, nhưng kiểm soát chưa chặt chẽ cũng dẫn đến thanh thiếu niên phạm tội.

Các trang mạng xã hội phát triển mạnh, tạo điều kiện cho các em dễ dàng tiếp cận những trò chơi, phim ảnh có nội dung bạo lực. Những trang mạng có nội dung xấu, cổ xúy cho hành vi tiêu cực trong xã hội nên dần hình thành cách suy nghĩ lệch lạc so với chuẩn mực đạo đức xã hội, kéo theo việc các em thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội.

 Hòa Vang được xem là địa bàn giáp ranh, tiềm ẩn những nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội

Hòa Vang được xem là địa bàn giáp ranh, tiềm ẩn những nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội

Bên cạnh đó, do các em chưa được trang bị kiến thức cơ bản để tự phòng ngừa các thông tin, hình ảnh xấu, độc hại trên mạng nên có nguy cơ tiếp cận các hình ảnh bạo lực, phản cảm, qua đó lập các nhóm kín để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí đăng tải, khoe khoang, coi đây là thành công của bản thân…

Vì các em chưa nhận thức được việc làm của mình nên hành động phạm tội thường dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Trong khi đó, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng, một bộ phận thanh niên không cống hiến gì cho gia đình, xã hội, mà còn trở thành gánh nặng khi không học tập, làm việc lại kết bè bạn qua mạng xã hội, lôi kéo nhau tham gia các hoạt động phạm pháp.

Ông Chinh viện dẫn câu chuyện vừa xảy ra ở Đà Nẵng cách đây không lâu về việc 2 thanh niên trẻ là bạn thân, ngồi uống bia với nhau nhưng trong lúc không kiềm chế được cảm xúc đã khiến một người bị đâm tử vong, một người bị bắt đi tù.

“Đó là những cái chết oan uổng khiến gia đình, xã hội rất xót xa. Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều thanh niên ngồi cà phê từ sáng đến trưa, về nhà ăn trưa xong ngủ đến chiều, không có việc làm. Trong khi đó, những đối tượng xấu lôi kéo hàng ngày, nếu các bạn trẻ không có bản lĩnh, không có sự quan tâm của các cấp, hội thì rất dễ đẩy họ vào con đường xấu”, ông Lê Trung Chinh nêu thực tế.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mo-loi-giup-thanh-thieu-nien-hu-hong-thanh-nguoi-co-ich-bai-2-thieu-giao-duc-nghien-mang-xa-hoi-post774032.html
Zalo