'Mỗi lần nghĩ đến bố, tôi không còn cảm giác đau buồn mà là niềm tự hào hãnh diện'

'Sau này, mỗi lần nghĩ đến bố, tôi không còn cảm giác đau buồn nữa, thay vào đó là niềm tự hào hãnh diện. Tôi tự hào vì bố dù không còn trên đời, nhưng ông vẫn 'sống' trong sự nghiệp giáo dục, trong mỗi người thầy thuốc tương lai', đây là tâm sự của chị Nguyễn Thị Mai Hương, cha chị đã hiến xác mình cho Học viện Quân y vào cuối năm 2019.

Tri ân “Người thầy không tên"

Sáng 21/12, Học viện Quân y tổ chức Lễ Tri ân những người đã hiến xác cho Y học. Theo Trung tướng, GS.TS. Trần Viết Tiến - Giám đốc Học viện Quân y, thời gian qua, học viện đã nhận được nhiều thi thể của người đã dâng hiến phục vụ làm thành các tiêu bản cho nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Đến nay, học viện đã tiếp nhận đơn và cấp hàng trăm thẻ đăng ký hiến thi thể sau khi qua đời để phục vụ cho mục đích cao cả đó... Sự hy sinh âm thầm này đã góp phần giúp Học viện đào tạo được hàng ngàn thầy thuốc và nhân viên y tế cho ngành Y tế Việt Nam nói chung và ngành Y tế của Quân đội nói riêng, góp phần cứu chữa và mang lại cuộc sống cho vô vàn người bệnh.

Trung tướng, GS.TS. Trần Viết Tiến - Giám đốc Học viện Quân y trao lời tri ân cho các cá nhân đăng ký hiến xác.

Trung tướng, GS.TS. Trần Viết Tiến - Giám đốc Học viện Quân y trao lời tri ân cho các cá nhân đăng ký hiến xác.

Theo GS Tiến, những thầy thuốc, giảng viên, nhân viên y tế và các học viên, đặc biệt là những nhà giải phẫu học, đã nhận ra rõ ràng nhất sự cống hiến vô giá của những thi hài người hiến cho sự trưởng thành về nghề nghiệp của mình.

"Khi đến với nhà trường, họ là những người rất đỗi bình thường, nhưng luôn có những suy nghĩ, trăn trở, ước muốn gửi gắm, trao tặng tất cả những gì mình có để phụng sự cho việc đào tạo y khoa, coi di hài của mình như một món quà dành tặng cho cuộc sống”, Giám đốc Học viện Quân y bày tỏ.

Đại diện lãnh đạo, học viên Học viện Quân Y đặt hoa tri ân những người đã hiến xác cho Y học.

Đại diện lãnh đạo, học viên Học viện Quân Y đặt hoa tri ân những người đã hiến xác cho Y học.

"Chúng tôi xin hứa sẽ phấn đấu trở thành một người thầy thuốc luôn hết lòng tận tụy vì người bệnh, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, để không phụ lại sự kỳ vọng, sự mong mỏi, sự hiến dâng quên mình của “những người thầy không tên” đáng kính”, Trung sĩ Huyền nói.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, Trung sĩ Đỗ Thị Huyền, học viên lớp DH56D bày tỏ, những thân xác ấy, mô hình ấy thực sự là những tài liệu sống quý giá, giúp học viên y khoa khi bước chân vào ngưỡng cửa của nền y học hiện đại có cơ hội được tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn.

Theo chị Huyền, có những lúc, trên con đường y thuật gian nan của mình, giữa cuộc sống bộn bề bao lo toan, lại nhớ đến những “Người thầy không tên”, nhớ về ngọn lửa của giá trị và đạo lý làm người mà họ đã thắp lên trong mỗi học viên.

Đó như một lời nhắc nhở, rằng bản thân phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, lĩnh hội nhiều kiến thức hơn nữa để mai này đem những kiến thức ấy mang lại niềm vui, sự sống mới cho người bệnh.

Niềm tự hào hãnh diện

Là một trong những người đăng ký hiến xác, chị Ngô Thị Sửu (sống và làm việc tại Hà Đông, Hà Nội) nói rằng, chị được truyền cảm hứng từ chính chị gái của mình, người đã 36 lần hiến máu.

"Tôi tự nhủ, việc hiến xác của bản thân có lẽ quá nhỏ bé so với những gì mà các y, bác sỹ đã cống hiến cho sự nghiệp và cho y khoa nước nhà. Trong gia đình tôi, có 3 người đã đăng ký hiến xác thành công và 5 người hiến tạng”, chị Sửu chia sẻ.

Người đăng ký hiến xác, thân nhân người đã hiến xác đặt hoa tưởng niệm, tri ân những người đã hiến xác cho Y học.

Người đăng ký hiến xác, thân nhân người đã hiến xác đặt hoa tưởng niệm, tri ân những người đã hiến xác cho Y học.

Còn chị Nguyễn Thị Mai Hương có bố là người đã hiến xác cho Học viện Quân y vào cuối năm 2019.

"Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc bố tôi thông báo quyết định này với gia đình. Lúc đầu, tôi không khỏi bất ngờ, thậm chí có phần bối rối, sau đó tôi đã khóc rất nhiều vì thương bố. Nhưng rồi, khi lắng nghe lý do của bố tôi, tôi nhận ra rằng đó không chỉ là một ước nguyện cá nhân mà còn là một món quà cao quý dành cho xã hội", chị Hương nói.

Chị Mai Hương cũng chia sẻ rằng: "Mỗi lần nghĩ đến bố, tôi không còn cảm giác đau buồn nữa, thay vào đó là niềm tự hào hãnh diện. Tôi tự hào vì bố dù không còn trên đời, nhưng ông vẫn "sống" trong sự nghiệp giáo dục, trong mỗi người thầy thuốc tương lai".

Châu Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/moi-lan-nghi-den-bo-toi-khong-con-cam-giac-dau-buon-ma-la-niem-tu-hao-hanh-dien-post1702846.tpo
Zalo