Đổi mới giáo dục mầm non

Chương trình giáo dục mầm non mới dự kiến sẽ được triển khai thí điểm tại 120 cơ sở giáo dục mầm non ở 40 huyện (thuộc 20 tỉnh đại diện các vùng miền) trong 3 năm học có nhiều điểm mới.

Giờ học thể dục của học sinh Trường Mầm non Yên Bài A (huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Giờ học thể dục của học sinh Trường Mầm non Yên Bài A (huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Theo ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GDĐT), chương trình giáo dục mầm non hiện hành đã được ban hành và triển khai 15 năm (từ năm 2009 đến nay) dù có nhiều ưu điểm nhưng cũng bộc lộ những bất cập trước sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn trong nước, khu vực và quốc tế. Theo đó, chưa bắt kịp yêu cầu về phát triển phẩm chất, năng lực của người học trong bối cảnh đổi mới; chế độ sinh hoạt của trẻ tại nhà trường gây áp lực cho giáo viên; giáo viên chưa phát huy được tính linh hoạt, sáng tạo trong quá trình nuôi dưỡng, giáo dục trẻ… Vì vậy, Bộ GDĐT đã thực hiện xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.

Một số điểm mới của chương trình giáo dục mầm non mới đó là tiếp cận năng lực dựa trên tình cảm, xã hội, hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam; tiếp cận dựa trên quyền, các công ước, điều ước quốc tế về Quyền trẻ em, bảo đảm chất lượng, công bằng, hòa nhập, bình đẳng và tôn trọng sự khác biệt của trẻ; trao quyền cho cơ sở giáo dục và giáo viên trong phát triển chương trình giáo dục.

Dự kiến, Bộ sẽ triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới trong ba năm học liên tiếp: 2025 - 2026, 2026 - 2027, 2027 - 2028 tại 120 cơ sở giáo dục mầm non ở 20 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền trên cả nước. Sau thời gian thí điểm, Bộ sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện nội dung Chương trình giáo dục mầm non mới và dự kiến triển khai đại trà tại các cơ sở giáo dục mầm non trên cả nước vào năm học 2029 - 2030.

Là chương trình liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục mầm non mới đang được kỳ vọng sẽ phát huy ưu điểm, tối ưu hóa cơ hội, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển cá nhân mỗi trẻ; khắc phục những bất cập, hạn chế và từng bước giúp đỡ đội ngũ giáo viên giảm áp lực, nâng chất lượng trong chăm sóc giáo dục trẻ em mầm non. Để làm tốt điều đó, từ phía các địa phương cũng cần có sự chủ động về nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất.

Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình Nguyễn Quang Minh cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyển dụng giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non. Về chuyên môn, Sở GDĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên mầm non cập nhật kiến thức, chú trọng năng lực tự chủ, phân cấp trong thực hiện chương trình, đổi mới phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ…

Kinh nghiệm từ quá trình đổi mới của ngành giáo dục, vấn đề quan trọng đặt ra đó là chuẩn bị đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, bài toán thiếu giáo viên vẫn là điệp khúc đến hẹn lại lên mỗi năm học, đặc biệt là các huyện miền núi. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống trường lớn nằm phân tán ở các thôn, giao thông cách trở, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế nên việc tuyển dụng giáo viên mới gặp khó khăn. Đối với các vùng miền khác, giáo viên mầm non cũng khó tuyển do mức lương thấp, thời gian làm việc kéo dài, công việc vất vả, nhiều áp lực nên một số giáo viên đã không còn bám trụ với nghề, nhiều cử nhân sau khi tốt nghiệp đã không đi làm mà quyết định làm trái ngành, trái nghề… Mặc dù thời gian qua đã có những chính sách tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non nói chung và giáo viên mầm non ở vùng khó khăn nói riêng song để thu hút người giỏi, giữ nhân nhà giáo tâm huyết và yên tâm cống hiến, vẫn cần thêm các chính sách khác đi vào đời sống. Trong đó, nhiều nhà giáo mong muốn khi Luật Nhà giáo ra đời sẽ giải quyết triệt để về chính sách cho giáo viên để họ có thêm động lực gắn bó với nghề.

Lâm An

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doi-moi-giao-duc-mam-non-10296934.html
Zalo