Mô hình, vận hành của 11 đặc khu sau sắp xếp ra sao?

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ quy định cụ thể mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã (trong đó có đặc khu tại hải đảo).

Sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ quy định cụ thể

Bộ Nội vụ đã thông tin về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Về việc hình thành các đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp bao gồm xã, phường và đặc khu. Vậy đối với 11 đặc khu, bao gồm các huyện đảo: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, mô hình khi đi vào vận hành sẽ như thế nào?

Mô hình khi đi vào vận hành của 11 đặc khu, bao gồm các huyện đảo sau sắp xếp nhận được sự quan tâm.

Mô hình khi đi vào vận hành của 11 đặc khu, bao gồm các huyện đảo sau sắp xếp nhận được sự quan tâm.

Bộ Nội vụ thông tin Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) sẽ quy định cụ thể mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã (trong đó có đặc khu tại hải đảo).

Dự thảo Luật đang trình Quốc hội đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc khu như sau: Đặc khu là chính quyền địa phương cấp xã có cơ cấu tổ chức gồm HĐND và UBND.

Trong đó, HĐND cấp xã thành lập 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.

Đối với UBND cấp xã (trong đó có đặc khu tại hải đảo), Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định cụ thể tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp xã.

Theo đó, dự kiến tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp xã (gồm cả đặc khu) phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng Văn hóa - Xã hội; Trung tâm phục vụ hành chính công.

Riêng đối với đơn vị hành chính cấp xã giữ nguyên trạng (không sắp xếp): Có thể không tổ chức phòng chuyên môn; Chính phủ dự kiến bố trí tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND và một số công chức cho UBND cấp xã nơi không tổ chức phòng chuyên môn và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể đối với từng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

Địa phương chủ động việc đặt tên, đổi tên

Trả lời về dự kiến từ 1/8/2025 sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Vậy, Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn chế độ, chính sách đối với nhóm người này ra sao?

Về nội dung này, Bộ Nội vụ cho biết hiện nay Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương liên quan và các địa phương để báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi kết thúc hoạt động đối với với đối tượng này.

Sắp xếp, tổ chức lại các tỉnh, thành phố và cấp xã để mở rộng không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn.

Sắp xếp, tổ chức lại các tỉnh, thành phố và cấp xã để mở rộng không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn.

Liên quan đến vấn đề lấy ý kiến người dân khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện; tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Việc thống nhất lựa chọn tên đặc thù địa phương (địa danh lịch sử, danh nhân) và việc thống nhất tên gọi.

Bộ Nội vụ cho biết, trên cơ sở đề xuất của Đảng ủy Chính phủ tại Đề án về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương tại Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII.

Theo đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 76 ngày 14/4/2025 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.

Tại điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết này đã quy định: "Khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin".

Căn cứ quy định tại Nghị quyết số 76, địa phương chủ động việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của địa phương, đảm bảo tên gọi dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được Nhân dân địa phường đồng tình ủng hộ.

Bộ Nội vụ cho biết, Trung ương đã đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).

Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Đồng thời, Trung ương cũng thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ.

Sáp nhập cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay (hiện nay có 10.035 đơn vị hành chính cấp xã).

Theo Bộ Nội vụ, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là cuộc cải cách về đơn vị hành chính các cấp trong cả nước có quy mô lớn nhất, toàn diện và triệt để nhất từ trước đến nay, có tác động sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương và trực tiếp đến từng người dân.

Đồng thời, cũng là bước đi quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới tư duy quản trị quốc gia, quản trị địa phương, sắp xếp, tổ chức lại các tỉnh, thành phố và cấp xã để mở rộng không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn.

Tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp như hiện nay sang mô hình 2 cấp hiện đại, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới phục vụ tốt nhất người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Việc thực hiện thành công của chủ trương lớn lần này của Đảng không chỉ đo lường bằng số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp xã giảm, mà quan trọng hơn là đo bằng hiệu quả quản lý Nhà nước, tiết giảm chi phí vận hành bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đáp ứng được sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước nói chung, từng vùng, miền, địa phương nói riêng trong giai đoạn mới.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mo-hinh-van-hanh-cua-11-dac-khu-sau-sap-xep-ra-sao-20425050308554405.htm
Zalo