Quản lý tài nguyên khoáng sản có phải điều chỉnh khi áp dụng chính quyền 2 cấp?
Sẽ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong lĩnh vực địa chất khoáng sản phù hợp với chính quyền địa phương hai cấp.
Ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - cho biết, cơ quan này đang xây dựng dự thảo Nghị định phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực địa chất khoáng sản phù hợp với chính quyền địa phương hai cấp. Cụ thể, tại Chương XI, điều 107 của Luật Địa chất và khoáng sản quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản đã bổ sung việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện 3 nội dung kiểm soát, cấp phép. Theo đó, UBND các tỉnh được phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất theo quy hoạch; điều tra địa chất về khoáng sản đối với khoáng sản nhóm III, nhóm IV và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương. Quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh và UBND tỉnh được cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên.

Ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam
"Đối với việc điều chỉnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản cho phù hợp sau khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, hiện nay Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đang dự thảo nội dung phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản. Nội dung dự thảo hướng đến việc phân cấp rõ ràng trách nhiệm và thẩm quyền cho chính quyền địa phương giúp cho quá trình ra quyết định và giải quyết các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực khoáng sản trở nên nhanh chóng và linh hoạt hơn. Đặc biệt, việc phân cấp còn giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản; phát huy tính chủ động của địa phương. Các địa phương có thể xây dựng các chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản", ông Trần Bình Trọng cho hay.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng: "Đối với lĩnh vực địa chất và khoáng sản, một trong những điểm nổi bật của Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 là đã trao quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản nhằm thúc đẩy ngành khai thác khoáng sản phát triển bền vững. Để địa phương chủ động, sáng tạo trong quản lý tài nguyên khoáng sản, đề nghị Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cần rà soát, sửa đổi, phân cấp mạnh, giao quyền nhiều hơn. Đặc biệt, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương nhằm đảm bảo việc khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả, bền vững và tuân thủ pháp luật".
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang rà soát toàn diện các nội dung thuộc thẩm quyền để xem xét phân cấp, phân định thẩm quyền cho UBND các cấp khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp nhằm phân cấp mạnh mẽ, triệt để hơn. Đặc biệt, Bộ đang tập trung cao độ để đẩy nhanh việc hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên
Một trong những nội dung trọng tâm của Nghị định lần này là rà soát, xử lý lại vấn đề phân cấp, phân định thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước và yêu cầu của thực tiễn đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Trong đó, nhiều nội dung trước đây thuộc thẩm quyền cấp huyện sẽ được điều chỉnh, hoặc chuyển xuống cấp xã, hoặc chuyển lên cấp tỉnh hoặc sở, tùy vào năng lực thực hiện của cấp dưới.
Chuẩn hóa thủ tục hành chính địa chất khoáng sản cấp tỉnh sau bỏ cấp huyện
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới ban hành Quyết định số 821/QĐ lĩnh vực địa chất và khoáng sản thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ; trong đó thủ tục hành chính cấp Trung ương liên quan đến lĩnh vực này có 15 thủ tục, cấp tỉnh 23 thủ tục.
Các thủ tục hành chính cấp tỉnh bao gồm: Trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò khoáng sản; Gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản; chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản; Cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản; Cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản, ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Đóng cửa mỏ khoáng sản; Gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản; Cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

Sẽ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong lĩnh vực địa chất khoáng sản phù hợp với chính quyền địa phương hai cấp.
Cùng với đó, một số thủ tục hành chính cấp tỉnh được chuẩn hóa như: Gia hạn, trả lại giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; Trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản; Đăng ký khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình; Chấp thuận tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò khoáng sản; Cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; gia hạn, điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; Chấp thuận khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV tại khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xác nhận kết quả khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV;…
Việc chuẩn hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản không chỉ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà mà còn tối ưu hóa quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Điều này sẽ tạo ra môi trường pháp lý minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành địa chất và khoáng sản. Quan trọng hơn, việc chuẩn hóa giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đồng thời giảm thiểu tình trạng thủ tục kéo dài, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho tổ chức và cá nhân thực hiện.