Mô hình thôn, tổ dân phố tiếp tục là tổ chức tự quản: Người dân vui mừng

Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp được Thủ tướng phê duyệt ngày 14/4/2025, trong đó nêu mô hình thôn, tổ dân phố tiếp tục được xác định là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải cấp hành chính… tạo nên không khí phấn khởi và hy vọng tràn ngập khắp các thôn, tổ dân phố.

Từ khi thành lập đội tự quản về vệ sinh môi trường, người dân thôn Bảo Lâm, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên mang rác tới điểm tập kết đảm bảo vệ sinh môi trường khu dân cư.

Từ khi thành lập đội tự quản về vệ sinh môi trường, người dân thôn Bảo Lâm, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên mang rác tới điểm tập kết đảm bảo vệ sinh môi trường khu dân cư.

Là người tích cực tham gia công tác xã hội và các hoạt động ở khu dân cư, chị Nguyễn Quỳnh Lan, ở phường Đồng Tâm, chia sẻ: "Khi đề án này được phê duyệt, tôi cảm thấy rất vui. Chúng tôi sẽ có cơ hội tham gia vào công việc quản lý và phát triển cộng đồng. Điều này giúp chúng tôi gắn bó hơn và có trách nhiệm hơn với quê hương của mình”.

Thực tế, mô hình tự quản lâu nay đã được thành phố Yên Bái phát huy hiệu quả và có nhiều tổ quản tiêu biểu được tỉnh đánh giá cao. Hiện tỉnh đang duy trì hiệu quả 266 mô hình tổ tự quản với 7. 716 thành viên tham gia, trong đó có 111 tổ tự quản về an ninh trật tự, 32 tổ tự quản về văn hóa, 97 tổ tự quản về vệ sinh môi trường, 26 tổ tự quản về ATGT. Các tổ tự quản đã hoạt động hiệu quả, thực sự là những "cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trong khu dân cư, thôn, tổ dân phố thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương; tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế và tham gia giữ gìn an ninh trật tự.

Tuy nhiên, các tổ tự quản này đều đang được nằm trong sự quản lý của Ủy ban MTTQ các cấp, quá trình thực hiện đều theo sự chỉ đạo, hướng dẫn từ cấp trên. Do đó vẫn còn nhiều phát sinh trong quá trình thực hiện ở cơ sở như ở mỗi điều kiện hoàn cảnh cá nhân đặc biệt, vị trí địa hình đặc thù ở mỗi địa phương…

Ông Đỗ Quốc Minh, xã Hán Đà, huyện Yên Bình cho biết: "Trước đây, mọi việc đều phụ thuộc vào chính quyền. Giờ đây, chúng tôi có thể tự quản lý và đưa ra quyết định cho cuộc sống của mình. Điều này không chỉ tạo ra sự tự tin mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng.”

Khi hỏi về việc Đề án được phê duyệt, ông Đỗ Công Tưởng - Tổ trưởng Tổ tự quản bảo về vệ môi trường, thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái cho biết: "Chúng tôi rất vui và nhận thấy những việc trước đây từng làm như phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở bà con thực hiện tốt các quy định của địa phương, tự giác thực hiện tốt các phong trào thi đua của thôn, của xã và các đoàn thể phát động là việc làm trúng, đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Thời gian tới, khi Đề án đi vào thực hiện, chúng tôi sẽ phát huy mạnh mẽ phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, ... dọn dẹp đường làng, trồng cây xanh. Điều này không chỉ làm đẹp thôn xóm mà còn gắn kết mọi người lại với nhau, cùng xây dựng làng xóm xanh, sạch, đẹp và cùng chung tay bảo vệ môi trường nơi minh sống”.

Nhìn chung, đề án tổ chức mô hình thôn, tổ dân phố tiếp tục được xác định là tổ chức tự quản đã khơi dậy nhiều cảm xúc tích cực trong lòng người dân. Họ không chỉ cảm thấy tự hào vì được tham gia vào quản lý cộng đồng mà còn hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình và thế hệ sau. Sự gắn kết, trách nhiệm và tinh thần tự chủ đang dần hình thành, hứa hẹn mang lại những đổi mới tích cực cho cuộc sống của mọi người.

Thủy Thanh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/349090/mo-hinh-thon-to-dan-pho-tiep-tuc-la-to-chuc-tu-quan-nguoi-dan-vui-mung.aspx
Zalo