Dự án nạo vét luồng hàng hải Định An – Sông Hậu: Không khả thi về tài chính
Dự án nạo vét luồng hàng hải Định An Sông Hậu cho tàu 10.000 tấn trở lên được đánh giá không khả thi về tài chính, chi phí lớn nhưng giá trị tận thu thấp, đặt ra nhiều thách thức trong việc triển khai.
Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam vừa lấy ý kiến các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang về kết quả báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Sông Hậu, nhằm đáp ứng cho tàu trọng tải từ 10.000 tấn trở lên.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi do Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng – Kỹ thuật Biển và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng công trình hàng hải thực hiện, và được thẩm tra bởi Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Cảng – Đường thủy, dự án không đạt tính khả thi về hiệu quả tài chính.
Cụ thể, cao trình đáy luồng duy trì ở mức từ -6,5m đến -6,0m (hải đồ) chỉ trong khoảng 4 tháng đối với phương án tuyến được lựa chọn. Khối lượng sa bồi hàng năm lên đến khoảng 6,92 triệu m³. Trong đó, khối lượng cát thu được chỉ khoảng 1,25 triệu m³, trong khi bùn chiếm gần 10 triệu m³. Điều này dẫn đến chi phí thực hiện dự án cao hơn rất nhiều so với giá trị sản phẩm tận thu.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 2.182 tỉ đồng (bao gồm 10% chi phí dự phòng), trong khi giá trị sản phẩm tận thu chỉ đạt gần 150 tỉ đồng. Phân tích tài chính cho thấy chỉ số NPV nhỏ hơn 0, chứng minh dự án không đạt hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, cát biển tại khu vực nghiên cứu có tính nhiễm mặn, cần nghiên cứu kỹ quy trình xử lý nếu sử dụng làm vật liệu san lấp, đồng thời phải đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định.

Luồng hàng hải Định An
Hiện nay, luồng Định An – Sông Hậu đang phục vụ cho tàu thuyền ra vào các bến cảng trên sông Hậu. Tại khu vực này, đã có tuyến luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn đang được Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức nạo vét duy tu hàng năm, đảm bảo chuẩn tắc đến độ sâu -6,5m (hải đồ). Tuy nhiên, tuyến luồng này hiện chỉ hoạt động đạt khoảng 45% công suất thiết kế, với lượng hàng thông qua năm 2023 đạt khoảng 12,4 triệu tấn, trong khi công suất thiết kế là 27,5 triệu tấn/năm.
Cửa Định An thuộc sông Hậu giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong ngành vận tải biển, là cửa ngõ chính ra biển của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Tuy nhiên, nơi đây có địa hình, địa chất và thủy hải văn phức tạp, các vùng cạn mở rộng và dịch chuyển liên tục. Tuyến luồng cũng bị bồi lấp nhanh sau khi nạo vét, gây khó khăn cho việc duy trì ổn định.
Từ năm 1983 đến 2016, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam đã thường xuyên tiến hành nạo vét duy tu tuyến luồng qua cửa Định An. Tuy nhiên, công tác nạo vét phải thực hiện theo phương án luồng động, quy mô chỉ đáp ứng cho tàu tối đa 5.000 DWT, thời gian duy trì ngắn và thường xuyên bị bồi lắng nhanh. Các tàu nạo vét cỡ lớn không thể vào thi công do luồng cạn và thời gian thi công hạn chế, mỗi đợt chỉ thực hiện được từ 2–3 tháng. Bên cạnh đó, tuyến luồng luôn thay đổi, đòi hỏi phải theo dõi thường xuyên và dịch chuyển phao tiêu báo hiệu để đảm bảo an toàn giao thông.
Từ năm 1997, Ủy hội sông Mekong và Bộ GTVT Việt Nam đã khảo sát vùng cửa Định An – Sông Hậu đến biên giới Campuchia, liên thông hóa dữ liệu cơ sở và giao Tư vấn quốc tế nghiên cứu cải tạo luồng lạch nhằm phát huy tiềm năng vận tải của khu vực. Theo kết quả khảo sát từ năm 1991 đến nay, độ sâu tự nhiên tại cửa sông nhiều nơi chỉ đạt -2,6m (CDL), thậm chí có năm như 2000, sau lũ lớn, độ sâu chỉ còn -1,6m (CDL).
Trước những khó khăn thực tế, việc nghiên cứu xây dựng tuyến luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là hết sức cần thiết và cấp bách để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, với những hạn chế về tài chính, kỹ thuật và môi trường, dự án cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng hơn trước khi triển khai thực hiện.