Thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên
Sáng 23-4, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV tổ chức Kỳ họp thứ 28 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền.

Các đại biểu dự Kỳ họp.
Dự Kỳ họp có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các ban xây dựng Đảng thuộc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Chủ tọa Kỳ họp.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa Kỳ họp.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn phát biểu khai mạc Kỳ họp.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn nhấn mạnh: Kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh diễn ra trong thời điểm cả nước đang tiến hành cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, tại kỳ họp chuyên đề này, HĐND tỉnh xem xét, thảo luận, quyết định, cho ý kiến vào nhiều nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính lịch sử với sự phát triển của tỉnh, đặc biệt là chủ trương sắp xếp tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Đây là vấn đề rất lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, giúp các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Việc xây dựng, triển khai các đề án này đã được chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai sâu sát, chặt chẽ, kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, bảo đảm đúng định hướng chỉ đạo của Trung ương, đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt là phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng địa phương để bảo đảm sau sắp xếp các xã, phường mới mở rộng được không gian phát triển, phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, truyền thống lịch sử..., thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.

Quang cảnh Kỳ họp.
2 dự thảo đề án trên đã nhận được đồng thuận, nhất trí rất cao của tuyệt đại đa số cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ý kiến tán thành chủ trương của 99,92% đại biểu HĐND cấp xã và 100% đại biểu HĐND cấp huyện. Trong bối cảnh tình hình mới rất khẩn trương, cần sự đột phá, quyết đoán, quyết liệt, sự đoàn kết, thống nhất từ nhận thức đến hành động, từ khâu đề xuất tới việc triển khai thực hiện, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nghiên cứu kỹ lưỡng và tham gia đóng góp ý kiến vào từng nội dung để Kỳ họp đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trình bày tờ trình tại Kỳ họp.
Tại Kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trình bày 3 tờ trình, gồm: Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025; thông qua chủ trương sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên; quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Các đại biểu dự Kỳ họp.
Việc sắp xếp, hợp nhất 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên giúp kiến tạo, hình thành không gian phát triển mới. Dự kiến sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên có diện tích trên 8.300km2 (gấp 2,4 lần tỉnh Thái Nguyên hiện tại), với dân số trên 1,68 triệu người (tăng thêm trên 365 nghìn người), kết hợp được thế mạnh công nghiệp - đô thị - giáo dục, đào tạo - tiềm lực kinh tế sẵn có của tỉnh Thái Nguyên và tiềm năng tài nguyên sinh thái, lâm nghiệp, du lịch, khoáng sản của tỉnh Bắc Kạn.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn và các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Kỳ họp.
Với diện tích và dân số lớn hơn, không gian phát triển mở rộng hơn, lực lượng lao động nhiều hơn, hạ tầng kết nối đồng bộ hơn, bộ máy tinh gọn, hiệu lực hơn, phát huy được lợi thế tốt hơn của từng địa phương, tỉnh Thái Nguyên mới chắc chắn sẽ phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn về mọi mặt, hướng tới mục tiêu nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025, từ 172 xã, phường, thị trấn, Thái Nguyên sắp xếp giảm xuống còn 55 xã, phường (giảm 117 xã, phường, tương đương giảm 68,02% so với hiện nay). Đây là vấn đề hết sức quan trọng để xây dựng chính quyền cấp xã có quy mô hợp lý (khi không còn chính quyền cấp huyện), bảo đảm việc tổ chức và triển khai các chương trình, chính sách hiệu quả, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực.

Lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết.
Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nhờ bỏ cấp hành chính trung gian, tối ưu hóa nguồn lực, phát triển đồng bộ các lĩnh vực; giúp chính quyền địa phương 2 cấp được quản trị hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Cũng tại Kỳ họp, HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và thông qua Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở báo cáo thẩm tra, đề xuất của các ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh báo cáo, giải trình rõ hơn về phương án bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện làm việc để các xã mới đi vào hoạt động ngay; xử lý tài sản công dôi dư, quản lý dự án đầu tư công; việc bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở tỉnh Bắc Kạn đến làm việc tại tỉnh Thái Nguyên sau khi hợp nhất 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên…

Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung nghiên cứu, thảo luận, xem xét kỹ từng nội dung và biểu quyết thông qua các nghị quyết bảo đảm đúng quy định của pháp luật, có tính khả thi cao, hiệu lực, hiệu quả, sát với yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân.
3 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp
1. Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025.
2. Nghị quyết về chủ trương sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên.
3. Nghị quyết quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.