Mô hình sáng tạo vun đắp giá trị gia đình Việt Nam hiện đại

Nhiều cách làm hay, sáng tạo ở khắp các địa bàn, vùng miền đã và đang giúp duy trì và phát triển giá trị gia đình Việt Nam trong thời đại mới.

Gia đình văn hóa gắn với ấm no, hạnh phúc

Trong xưởng may nhỏ tại nhà, chị Đoàn Phi Yến (sinh năm 1970, ở Châu Đốc, An Giang) cặm cụi với những đơn hàng dịp cuối năm. Ngừng tay khi có khách hỏi xem vải, chị nhanh nhẹn giới thiệu những mẫu mới nhập. Dịp này, đắt khách nhất là vải và các mẫu áo dài và đồ may xà rông, khăn mat’ra của đồng bà Chăm trên địa bàn, chuẩn bị cho lễ tết cuối năm.

 Mỗi gia đình nên thiết lập những thói quen giao tiếp định kỳ, như tổ chức bữa cơm cùng gia đình mỗi tuần

Mỗi gia đình nên thiết lập những thói quen giao tiếp định kỳ, như tổ chức bữa cơm cùng gia đình mỗi tuần

Chồng chị Yến, một giáo viên tiểu học, đang giúp vợ sắp xếp lại quầy vải, đặt những súc vải nặng lên giá.

Nhờ xưởng may và quầy bán vải, kinh tế gia đình chị Yến đã cải thiện nhiều những năm qua. Trước đây, với việc nhận hàng may tại nhà cộng lương giáo viên hạn chế của chồng, tổng thu nhập của gia đình mà chị Yến gom được chỉ hơn 5 triệu đồng. Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, eo hẹp vì con cái tuổi ăn học, phải chăm lo tốn kém.

Với sự nỗ lực, đồng lòng quyết tâm của hai vợ chồng, chị Yến xin vay 50 triệu đồng, từ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để mua thêm vải, mở quầy bán tại nhà. Có vải, có xưởng may nhỏ tại chỗ, chị đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, người tìm đến ngày càng đông, lượng quần áo đặt may ngày càng nhiều.

Đến nay, mức thu nhập của gia đình chị Yến tăng lên bình quân 12 - 15 triệu đồng/tháng. Gia đình chị đã vượt qua khó khăn, xây được nhà mới và có điều kiện chăm lo các con ăn học. Hiện con trai lớn của bà chủ xưởng may đã học xong thạc sĩ sư phạm vật lý, công tác tại TPHCM, con trai út thì vừa vào đại học, ngành y tại Đại học Cần Thơ.

Gia đình chị Yến là một trong những điển hình được tuyên dương “gia đình văn hóa” vì những nỗ lực vun đắp hạnh phúc, xây dựng giá trị của gia đình Việt thời hiện đại với 4 tiêu chí “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.

Thời gian vừa qua, Hà Nội và 11 tỉnh thành khác được lựa chọn triển khai thí điểm áp dụng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong khu vực trung tâm thành phố, Hà Nội đã chọn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân để thực hiện thí điểm.

Theo chính sách đề ra, phường Khương Trung đã triển khai tại 2 tổ dân phố với 300 gia đình ký cam kết thực hiện theo 4 nhóm đối tượng: ứng xử giữa vợ chồng; cha mẹ với con cái; ông, bà với cháu và anh, chị, em, gắn với thực hiện nhiệm vụ bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung Trần Thị Nhiên cho biết, tại 300 gia đình đăng ký thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí không xảy ra những tiêu cực về đạo đức và các mối quan hệ trong gia đình. Không xảy ra các hiện tượng bất bình đẳng, vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn. Đến nay, phường này đã triển khai việc ký cam kết thực hiện việc xây dựng gia đình hạnh phúc với toàn thể các hộ gia đình trên địa bàn.

Những cách làm hay, sáng tạo như vậy ở nhiều địa bàn, vùng miền đã và đang giúp duy trì và phát triển giá trị gia đình Việt Nam trong thời đại hiện nay.

Kết nối và chia sẻ - chìa khóa xây dựng gia đình hạnh phúc

Có thể đúc kết các mô hình tiêu biểu như xây dựng thói quen giao tiếp và chia sẻ trong gia đình. Đây là định hướng hiệu quả trong bối cảnh gia đình hiện đại bị chi phối bởi công nghệ và công việc, dẫn đến việc giao tiếp trực tiếp bị giảm thiểu.

 Một gia đình hiện đại cần chú trọng đến việc giáo dục và phát triển kỹ năng cho con cái.

Một gia đình hiện đại cần chú trọng đến việc giáo dục và phát triển kỹ năng cho con cái.

Theo một khảo sát tại TP. Hồ Chí Minh, 60% gia đình thừa nhận rằng họ dành nhiều thời gian cho máy tính hoặc smartphone hơn là nói chuyện cùng nhau. Để giải quyết vấn đề này, mỗi gia đình nên thiết lập những thói quen giao tiếp định kỳ, như tổ chức bữa cơm cùng gia đình mỗi tuần, tận dụng thời gian để cùng nhau nói chuyện, chia sẻ cảm xúc và kế hoạch cá nhân. Ngoài ra, các ứng dụng như nhật ký gia đình hoặc câu hỏi tương tác hàng ngày cũng là những cách sáng tạo giúp duy trì giao tiếp.

Định hướng khác là kết hợp truyền thống và đổi mới trong việc dạy dỗ con cái trong gia đình. Bên cạnh việc truyền đạt những giá trị như lễ phép và đạo đức, các gia đình được khuyến khích áp dụng các phương pháp học tập sáng tạo, như sách tranh, ứng dụng giáo dục trên máy tính bảng, hoặc hoạt động nhóm. Theo một nghiên cứu tại Việt Nam, trẻ em tham gia các lớp học qua game giáo dục tỏ ra hiểu biết về kỹ năng giao tiếp và hợp tác tốt hơn.

Trong thời đại công nghệ, những phương tiện giải trí hiện đại được xác định là một nguyên nhân gây xao lãng giao tiếp gia đình nhưng cũng có thể trở thành công cụ giúp kết nối hiệu quả. Các gia đình có thể tận dụng các ứng dụng như nhóm chat, cuộc gọi video hoặc lịch gia đình để giữ liên lạc, lên kế hoạch sinh hoạt hoặc chia sẻ những khoảnh khắc đặc biệt. Theo báo cáo từ Nielsen, thực tế có đến 80% gia đình Việt Nam dùng công nghệ để duy trì mối liên hệ, đặc biệt đối với những gia đình đang sống xa nhau.

Một báo cáo của Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra con số đáng chú ý: các gia đình thường xuyên tham gia hoạt động tập thể có xu hướng đoàn kết hơn 40% so với các gia đình không tham gia. Theo đó, tăng cường hoạt động chung, ngoài trời có thể giúp các thành viên gia đình như tập thể, dã ngoại hoặc tham gia các câu lạc bộ tập thể thao có thể giúp tăng cường sức khỏe và tình đoàn kết.

Cuối cùng, một gia đình hiện đại cần chú trọng đến việc giáo dục và phát triển kỹ năng cho con cái. Ngoài học tập chính quy, thế hệ trẻ có thể tham gia các lớp học kỹ năng như giao tiếp, đổi mới sáng tạo và giải quyết vấn đề; điều này không chỉ giúp lớp trẻ phát triển bản thân mà còn giúp gia đình hiểu nhau hơn, tạo điều kiện cho một môi trường gia đình đoàn kết và phát triển.

Thảo Hạnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/mo-hinh-sang-tao-vun-dap-gia-tri-gia-dinh-viet-nam-hien-dai-post400416.html
Zalo