Miss Universe thoái trào: Đổi chủ chưa hẳn sẽ 'lên hương'!
Chuyện gì đang xảy ra với Miss Universe - cuộc thi nhan sắc khốc liệt nhất hành tinh?
Giữa thị trường nhan sắc "bão hòa", ngày càng có sự góp mặt của nhiều sân chơi mới, thương hiệu Miss Universe vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của khán giả. Nhưng từ ngày đổi chủ, cách tiếp nhận của số đông về sân chơi này không còn như trước. Thậm chí xuất hiện những phản ứng tiêu cực.

Cách tiếp nhận và hiệu ứng của khán giả dành cho Miss Universe đã dần thay đổi. (Ảnh tổng hợp)
3 lần đổi chủ khiến Miss Universe từ đỉnh cao đến tuột dốc
Sức hút từ Miss Universe là điều không thể chối cãi. Khi "đẻ muộn" hơn so với Miss World, sân chơi này vẫn được giới chuyên gia xếp hạng ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng những cuộc thi nhan sắc uy tín nhất hành tinh.
Dưới thời ông Donald Trump nắm bản quyền, Miss Universe không chỉ giới hạn trong khuôn khổ một cuộc thi nhan sắc. Nó còn kiêm luôn nhiệm vụ của một sự kiện giải trí, mang về lượng người xem khủng, bùng nổ sức hút trên toàn cầu.

Dưới thời ông Donald Trump, Miss Universe vang danh toàn cầu. (Ảnh tổng hợp)
Miss Universe khi ấy là niềm ước ao của hàng triệu cô gái trên toàn thế giới. Dàn người đẹp đăng quang cuộc thi này ở thời ông Donald Trump cũng được công chúng đánh giá cao. Nhiều cái tên vẫn còn đều đặn hoạt động nghệ thuật đến nay. Đơn cử như Dayana Mendoza, Olivia Culpo, Paulina Vega.
Năm 2015, Miss Universe chính thức đổi chủ. Đây là lần đầu tiên cuộc thi "chuyển nhà" trong 1 thập kỷ tổ chức gần đây. Ông Donald Trump bán Miss Universe cho IMG để tập trung tranh cử tổng thống Mỹ.

Paulina Vega - Hoa hậu Hoàn vũ cuối cùng ở thời ông Donald Trump nắm bản quyền. (Ảnh tổng hợp)
Theo thông tin từ tờ New York Post, khi về tay chủ mới, Miss Universe ghi nhận khoản lỗ nặng nề, rơi vào khoảng 2 triệu USD (51 tỷ đồng) mỗi năm. Trong khi cuộc thi chỉ mang về mức doanh thu từ 7 - 9 triệu USD (khoảng 180 tỷ đồng - 233 tỷ đồng).
Đêm chung kết Miss Universe 2021, mùa giải cuối cùng mà phía IMG nắm giữ, thu hút khoảng 2,7 triệu người xem trên Fox. Lượt xem của cuộc thi giảm gần 30% so với 3,8 triệu người xem vào năm 2019. Mùa giải 2017 trước đó, Miss Universe còn thu hút 5,2 triệu lượt xem.

Về tay IMG, Miss Universe ghi nhận khoản lỗ nặng nề, sụt giảm lượt xem đáng kể. (Ảnh tổng hợp)
Năm 2022, mạng xã hội râm ran tin đồn Miss Universe bị rao bán với mức giá 20 triệu USD (khoảng 520 tỷ đồng). Chuyện này đã xảy ra và chủ mới của cuộc thi nhan sắc khốc liệt của cuộc thi này từ mốc thời gian đó đến nay là bà Anne Jakkaphong Jakrajutatip.
Trong thời gian đầu nắm bản quyền, nữ tỷ phú chuyển giới người Thái Lan đã đổi mới hoàn toàn cơ cấu lẫn cách thức tuyển chọn thí sinh, nới lỏng mọi tiêu chí. Hướng đi này giúp Miss Universe tạo độ thảo luận lớn trên các diễn đàn mạng xã hội. Ngưỡng tưởng sân chơi này sẽ vực dậy hào quang vốn có nhưng không.
Miss Universe ở hiện tại đứng trước nguy cơ đánh mất chính mình. Cùng với đó chính là loạt ồn ào khiến thương hiệu cuộc thi bị "vấy bẩn". Sự nhúng tay của ông Nawat vào khâu tổ chức - người từng công khai ghét bỏ Miss Universe khiến công chúng thêm phần ngán ngẩm. Nhiều người còn không ngần ngại nhận xét: "Miss Universe sao chép Miss Grand International" hay "cooking show"...

Miss Universe đánh mất chính mình, vướng loạt ồn ào gây "vấy bẩn" danh tiếng khi về tay nữ tỷ phú chuyển giới người Thái Lan. (Ảnh tổng hợp)
Miss Universe đang dần thoái trào?
Nỗ lực đổi mới ở hiện tại là điều nhìn thấy rõ rệt ở Miss Universe. Khi cuộc thi cho phép phụ nữ đã kết hôn, sinh con, thậm chí những những người chuyển giới tham gia. Tính nhân văn, bắt kịp xu thế xã hội từ hướng đi này là "có".
Nhưng ở khía cạnh khác, việc chuyển đổi khá nhanh khiến lượng khán giả trung thành với Miss Universe chưa kịp thích nghi. Vì bản sắc lâu đời, tạo nên dấu ấn cho cuộc thi, nơi vinh danh vẻ đẹp theo chuẩn mực cao đang dần trở nên mờ nhạt.
"Điểm nghẽn" lớn nhất khiến Miss Universe lao đao còn là những khó khăn về mặt tài chính của chủ sở hữu. Cuối năm 2023, JKN Global dưới sự quản lý của bà Anne Jakkaphong Jakrajutatip tuyên bố phá sản theo diện tái cấu trúc. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra chính là: "Khả năng duy trì cuộc thi trong dài hạn?".

Angela Ponce - thí sinh chuyển giới đầu tiên của Miss Universe. (Ảnh tổng hợp)
Khi yếu tố tài chính không được đảm bảo, chất lượng tổ chức thấp, chi phí hậu cần, thù lao cho ekip sản xuất cũng như quyền lợi của thí sinh và các quốc gia chủ nhà có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng. Nên dễ dàng nhận ra, Miss Universe đã tìm cách giải quyết thông qua việc bán 50% cổ phần cho ông Raul Rocha - tỷ phú người Mexico hay để ông Nawat và Miss Grand International chịu trách nhiệm tổ chức mùa giải Miss Universe 2025.
Ngoài ra, việc mất dần sức hút, suy giảm lượng xem nặng nề so với cuộc thi trẻ Miss Grand International còn phản ánh rõ việc phương pháp truyền thông của Miss Universe không còn "hợp thời". Và cuộc thi Miss Grand International tận dụng khá tốt những nền tảng truyền thông sẵn có để đẩy danh tiếng.
Thực tế cho thấy, Miss Universe đang nằm trong bối cảnh một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp sắc đẹp, nơi giá trị truyền thông đôi khi quan trọng ngang tầm với chất lượng cuộc thi.

Miss Grand International - cuộc thi trẻ nhưng tạo sức hút truyền thông mạnh mẽ, vượt mặt Miss Universe. (Ảnh tổng hợp)
Miss Universe hiện nằm ở 2 ngã rẽ. Tái định vị mạnh mẽ để trở lại đỉnh cao hoặc tiếp tục trượt dốc trong sự tiếc nuối của khán giả. Mô hình tổ chức vững chắc, sự minh bạch trong tài chính cùng chiến lược truyền thông phù hợp với thời đại số được đánh giá là sự cứu vãn cho cuộc thi ở hiện tại.
Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ, tái sinh cấu trúc "Miss Universe thoái trào" sẽ không còn là lời cảnh báo, mà trở thành một sự thật khó đảo ngược.