Miệt mài với ước mơ gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của người Ve
Đã lâu lắm rồi, hôm nay, chúng tôi mới có dịp trở lại thăm Đắc Pring - một xã vùng biên cương xa xôi, tiếp giáp với nước bạn Lào (thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) với cảm nhận về khung cảnh vùng biên thật yên bình. Trên rẻo cao mù sương, trong cái lạnh ấy, đã níu giữ tôi ngồi cùng chị Zơ Râm Thị Thon - một phụ nữ dân tộc Ve để được xem chị dệt thổ cẩm dưới những tán vườn cây nhà mình.
Đang miệt mài với tấm thổ cẩm dở dang, Thon tâm sự: "Hồi nhỏ, em luôn chứng kiến nhiều gia đình trong làng Công Năng (nay là thôn 49b) tìm đến nhà mua các sản phẩm do mẹ em dệt. Cũng bởi mẹ em, là bà Hiên Thị Nhang nổi tiếng về tài dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Ve. Thế rồi, khi em 12 tuổi thì mẹ em mất. Trong tâm trí, em vẫn không quên được bóng dáng của mẹ bên khung dệt trong gian nhà sàn nhỏ, cùng đôi tay thoăn thoắt mỗi khi mẹ luồn thoi, đưa sợi chỉ để tách đường chỉ màu, đến nâng dàn sợi lên, hạ xuống để thay đổi vị trí của các lớp chỉ nhằm tạo ra các hoa văn trên nền thổ cẩm".
Cũng theo Thon, tiếc là mẹ em mất sớm, khi còn nhỏ, em lại chưa yêu thích nghề dệt nên không chịu học hỏi nhiều. Ước mơ ngồi cùng với mẹ dệt ở nhà sàn tràn nắng gió từ đây không còn nữa. Sau này, khi em lớn lên, mỗi dịp đi lễ hội cùng anh trai, được ngắm trang phục truyền thống của dân tộc mình sặc sỡ với những hoa văn tinh tế trên nền thổ cẩm, đã làm cho em mê mẩn. Thế là, em tìm đến nhiều gia đình có phụ nữ Ve trong thôn 49b để mong được truyền nghề dệt của dân tộc mình. Từ đó, em luôn được các bà, các chị khuyến khích, phát huy tài năng bằng cách khơi dậy cho em niềm yêu thích các dải hoa văn thổ cẩm.
Những ngày đầu mới học nghề, cũng thấy khó lắm, lúc thì quên luồn chỉ, lúc thì nhầm sợi với hoa văn... nên em luôn hỏi chị Viết: “Hoa văn này là bao nhiêu sợi chỉ? Khi xen sợi chỉ nhiều màu thì làm nó như thế nào?”... và được các bà, các chị tỉ mỉ bày dạy đến khi quen tay, quen việc rồi mới thấy đơn giản, làm cũng nhanh hơn, thành thạo được nhiều kiểu hoa văn hơn. Từ yêu thích, nên đi đâu thấy váy, áo, chiếc địu, tấm choàng của ai có hoa văn đẹp là em cũng tới xem, lại hỏi về cách phối chỉ màu trên nền trang phục của những phụ nữ lớn tuổi khác. Sau đó, về nhà, em liền ngồi vào khung dệt, làm thử, bởi em mong gửi gắm vào từng đường chỉ, nét hoa văn trên những sản phẩm dệt cho đến khi thành công mới thôi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay mới 30 tuổi mà Thon đã biết dệt thổ cẩm của dân tộc mình cách đây hơn 10 năm rồi. Trung bình một chiếc váy (tục chréc) Thon dệt mất 5-6 ngày; tấm địu trẻ (tục nắ), chiếc áo (zóh) phải làm 3-4 ngày mới xong. Một chiếc khố (ch'xâu nóa) làm khoảng 6-7 ngày, còn dệt tấm choàng (lăng lắh) thì lâu hơn, tùy vào độ dài, ngắn của nó, nhưng cũng mất 10 ngày mới xong.
Giá của một chiếc áo hiện nay là 350 ngàn đồng, một tấm choàng 600 ngàn đồng, một tấm địu trẻ em 300 ngàn đồng, váy ngắn 500 ngàn đồng, còn váy dài 700 ngàn đồng, khố 900 ngàn - 1 triệu đồng. Vậy nhưng trong đó, tiền mua sợi chỉ dưới chợ huyện đã chiếm hơn nửa. Chưa kể, đối với nhiều gia đình bà con trong thôn khó khăn, nhưng họ thích mua cái váy, tấm địu trẻ, chiếc khố... về dùng, luôn được Thon bớt ít nhiều. Có gia đình nghèo mua cho con chiếc áo để mặc ở trường dân tộc nội trú trong xã thì Thon cũng bớt ½ số tiền, có khi Thon tặng luôn.
Rồi Thon bảo với tôi: "Đôi khi vì yêu nghề mà ngồi nhiều nên em hay bị đau lưng. Nhưng vì miệt mài với ước mơ thổ cẩm của dân tộc mình mà không ngồi dệt thì em thấy nhớ khung dệt, rồi lại tiếp tục đem khung giăng sợi ra, luồn sợi ngồi tỉ mẩn với khung dệt. Dệt thổ cẩm và làm ra sản phẩm luôn mang nét riêng, đẹp mắt, lại được đông đảo bà con trong thôn thích là em vui rồi. Không chỉ vì yêu thích mà nó còn giúp em kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống trong gia đình".
Lời tâm sự của Thon chất chứa bao nỗi ưu tư, làm tôi cứ mãi miên man theo dòng hồi tưởng về ước mơ của Thon về một ngày nếu nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ve được khôi phục, phát triển, có hiệu quả thiết thực cho đời sống của người Ve ở xã vùng cao Đắc Pring hiện nay.
Chị Kring Thị Viết, người phụ nữ trực tiếp truyền nghề dệt cho Thon cho rằng: "So với nhiều phụ nữ Ve khác trong thôn, Thon chưa phải là người có thâm niên lâu năm nhất trong nghề dệt thổ cẩm. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Thon rất yêu nghề. Cùng với đó, mỗi khi trong xã, trong huyện tổ chức hội thi văn hóa, tôi luôn động viên Thon tham gia thi dệt thổ cẩm truyền thống cùng các dân tộc để học hỏi thêm".
Ngồi cùng chị Hiên Thị Bưng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đắc Pring tại phòng làm việc của mình, chúng tôi đem chuyện chị Zơ Râm Thị Thon với ước mơ trong việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của người Ve, thì được chị Bưng cho biết: "Zơ Râm Thị Thon là Chi hội trưởng phụ nữ thôn 49b, bằng tình yêu và lòng đam mê, chị Thon tiếp tục lưu giữ nghề dệt thổ cẩm trong đời sống của đồng bào dân tộc. Thời gian tới, cùng với các hội viên phụ nữ, chúng tôi sẽ tích cực quảng bá sản phẩm thổ cẩm dân tộc Ve với người dân ở nhiều địa phương khác. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng sẽ quan tâm, phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở lớp dạy nghề dệt cho thế hệ trẻ".
Trời ngả bóng về chiều, Thon cùng chị Bưng tiễn tôi ra tận con dốc cuối thôn 49b để về xuôi. Rồi Thon bảo với tôi, lần sau khi lên, anh nhớ mang tặng mấy tấm hình đẹp nhất mà em ngồi dệt để em lưu giữ nó như một kỷ niệm về nghề dệt truyền thống của người Ve. Bất chợt, Thon níu xe và hát tặng tôi một làn điệu dân ca người Ve mà theo Thon, đó là sự ngợi ca về nghề dệt truyền thống của dân tộc mình: “Em bổ cây giẻ liên này/ Em bổ cho chàng A Móo/ Em bổ cây giẻ lo này/ Em bổ cho chàng Ơ Mẩu”. Với tôi, chẳng biết từ khi nào, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ve đã luôn ở trong tâm trí, cần được bảo tồn, như cách mà Zơ Râm Thị Thon đã miệt mài lưu giữ cho thế hệ hôm nay và mai sau.