Ngôi đình miền quê lúa từng đón Bác về thăm
Đình Phương Cáp (Hiệp Hòa, Vũ Thư) - được khởi công xây dựng từ năm 1889 hoàn thành vào năm 1891.
Đình Phương Cáp (Hiệp Hòa, Vũ Thư) - được khởi công xây dựng từ năm 1889 hoàn thành vào năm 1891, đời vua Thành Thái - là một trong những ngôi đình lâu đời nhất trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Công trình có tổng diện tích hơn 130m2, mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn, gồm 3 tòa với khoảng 70 cột đình được dựng bằng gỗ lim bề thế.
Tòa đình ngoài có 5 gian, 2 chái với mái đình cong, các đao tầu chéo góc, xà, câu đầu được chạm trổ mặt nguyệt, long, ly, quy, phượng với đường nét hoa văn tinh xảo. Tòa đệ nhị hình ống muống kết nối với tòa hậu cung.
Tòa đình hậu có 5 gian là nơi thờ 6 vị thánh thần được được suy tôn là Lục vị Thành Hoàng, anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ xã Hiệp Hòa.
Thời phong kiến, đình là nơi thờ thành hoàng làng và nơi hội họp, bàn việc làng xã. Trong kháng chiến chống Pháp, đình Phương Cáp là cở sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ.
Ngoài ra, đình còn là trạm trung chuyển giao liên giữa khu tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng. Sau năm 1975, đây là nơi quy tập hài cốt liệt sĩ để làm lễ truy điệu và đưa đi an táng ở nghĩa trang xã Hiệp Hòa.
Cũng tại nơi đây, ngày 1/1/1967, tỉnh Thái Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và trò chuyện cùng nhân dân. Nơi đây lưu giữ những di tích, những tư liệu lịch sử vô giá về Bác Hồ.
Năm 1993, đình Phương Cáp được cấp Bằng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm của lịch sử, ngôi đình luôn được bảo tồn, giữ gìn và đã trở thành "địa chỉ đỏ", niềm tự hào của người dân quê lúa Thái Bình.