'Miếng bánh' tỷ đô thị trường máy công trình

Hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets cho biết, ngành máy móc xây dựng của Việt Nam được định giá 2 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 9,4 tỷ USD vào năm 2032. Tuy nhiên, hiện lượng hàng hóa nhập về chủ yếu là máy cũ, tuổi đời cao.

Nhập khẩu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

Theo dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, nhờ quá trình đô thị hóa nhanh chóng và các dự án hạ tầng quy mô lớn, thị trường xe máy công trình (máy xúc, máy ủi, cần cẩu, xe lu, máy khoan, máy san, xe nâng…) tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong những năm tới.

Bàn giao máy Kobelco BMS 800 cho dự án Laimian Quy Nhơn do Công ty CP Bất động sản Thành Châu làm chủ đầu tư.

Bàn giao máy Kobelco BMS 800 cho dự án Laimian Quy Nhơn do Công ty CP Bất động sản Thành Châu làm chủ đầu tư.

Ông Bùi Xuân Long, Giám đốc kinh doanh Công ty Thiết bị xây dựng Hyundai tại Việt Nam cho biết, năm 2024 có khoảng 2.000 máy công trình mới các loại được nhập khẩu về Việt Nam, tổng giá trị ước tính từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng.

Trong đó, các loại máy xúc đào khoảng 800 chiếc, chiếm gần 40%, giá trị trung bình khoảng 2 tỷ đồng/chiếc. Xếp thứ hai là máy xúc lật với khoảng 600 chiếc, chiếm khoảng 30%, giá trị trung bình khoảng 1,2 tỷ đồng/chiếc.

Các loại máy lu rung nhập khẩu khoảng 250 chiếc với mức giá khoảng 1,5 tỷ đồng/ chiếc, chiếm 15%. Còn lại là những thiết bị máy móc phụ trợ khác.

Komatsu hiện là thương hiệu đứng đầu tại Việt Nam về thị phần, chiếm khoảng 25 - 27%. Xếp sau là Kobelco, Hyundai, Caterpillar, Develon (trước kia là Doosan), trung bình mỗi hãng chiếm từ 10 - 13% thị phần. Ngoài ra, còn có một số thương hiệu mới nổi của Trung Quốc như XCMG, SANY, Liugong.

Phần lớn là máy cũ

Ông Long cho biết, trong lĩnh vực máy công trình, về bản chất Việt Nam được xem là thị trường máy cũ. Theo thống kê, khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam có lượng máy cũ nhập khẩu hàng năm đạt bình quân khoảng 20.000 thiết bị các loại, cao nhất trong khu vực. Trong đó, những loại máy công trình đã qua sử dụng 30 - 40 năm vẫn được nhập về.

Do không có quy định về niên hạn sử dụng nên hầu hết máy công trình tại Việt Nam đều có tuổi đời cao.

Do không có quy định về niên hạn sử dụng nên hầu hết máy công trình tại Việt Nam đều có tuổi đời cao.

Khác với máy mới chủ yếu được chính hãng phân phối thông qua một doanh nghiệp độc quyền, thị trường máy cũ có rất nhiều công ty thương mại nhập để bán qua nhiều kênh khác nhau. Máy công trình mới chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 7% so với số lượng máy cũ.

Điều này dẫn đến sự khác biệt về cách thức cho thuê máy công trình tại Việt Nam. Ở các nước trong khu vực, mô hình kinh doanh cho thuê theo hướng chuyên nghiệp và chủ yếu là máy mới, thời gian thuê tối thiểu phải một năm.

Trong khi đó, máy công trình cho thuê tại Việt Nam chủ yếu là máy cũ, phần lớn do các doanh nghiệp xây dựng sẵn có thiết bị nhàn rỗi, cho thuê ngắn hạn vài ba tháng, thậm chí vài ngày.

"Việc cho thuê máy công trình cũng gặp nhiều rủi ro. Ví dụ, máy mới trong hợp đồng cam kết thuê 1 năm, nhưng khách làm 2, 3 tháng đã trả máy vì hết việc. Máy mới giá 2 tỷ, cho thuê 3 tháng mới thu được khoảng 200 triệu nhưng đã thành máy cũ, giá bán lại chỉ còn 1,2 - 1,3 tỷ. Vậy là lỗ", ông Long giải thích.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác như khách không trả tiền thuê, bị mất máy hay thậm chí bị khách lấy luôn máy rồi đem đi bán mà không cần giấy tờ. Vì vậy, dù đa số doanh nghiệp phân phối máy công trình lớn vẫn có dịch vụ cho thuê, nhưng chỉ mang tính chất như một công cụ thúc đẩy bán hàng.

Theo ông Long, quy mô thị trường máy công trình tại Việt Nam chưa đủ lớn để các hãng đặt nhà máy và nội địa hóa sản xuất. Trong khu vực, một số hãng đã có nhà máy sản xuất tại Thái Lan hay Indonesia, tuy nhiên những thị trường này tiêu thụ tới hơn 20.000 máy mới mỗi năm, còn Việt Nam hiện chỉ bằng 1/10 dù quy mô nền kinh tế là tương đương.

Lượng máy mới bán ra ít một phần bắt nguồn từ sự cạnh tranh của máy cũ. Đặc biệt khi hiện nay chưa có quy định, cơ chế về niên hạn và kiểm soát chất lượng của máy công trình. Máy công trình qua sử dụng hàng chục năm vẫn được nhập về tràn lan, giá lại chỉ bằng 15 - 20% so với máy mới.

Tiềm năng nhờ hàng loạt dự án lớn

Ông Bùi Xuân Long nhận định, thị trường máy công trình được dự báo tiếp tục phát triển mạnh trong 3 - 5 năm tới, nhờ vào việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt trong các lĩnh vực giao thông, đô thị, thủy lợi, sân bay, cảng biển...

Máy xúc đào chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số máy công trình được nhập về Việt Nam.

Máy xúc đào chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số máy công trình được nhập về Việt Nam.

Đồng thời, nhiều dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các tuyến metro tại TP.HCM và Hà Nội tiếp tục được triển khai sẽ kéo theo nhu cầu lớn về máy công trình.

Từ năm 2022 đến nay, thị trường tăng trưởng mạnh, đạt mức bình quân khoảng 20 - 30%/năm. Riêng 2 tháng đầu 2025 đạt mức tăng trưởng lên tới 100%, dự kiến cả năm tăng từ 25 - 40% so với năm ngoái, với 2.500 - 3.000 máy công trình mới được nhập về. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt 10% trong 3 - 5 năm tới.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện các loại máy công trình nhập khẩu không có quy định về niên hạn sử dụng. Các quy trình về đăng kiểm cơ bản giống với các loại phương tiện giao thông khác và được quy định tại Thông tư số 54/2024 của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng).

Cũng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp thực hiện việc lắp ráp loại máy công trình tại Việt Nam.

Lãi nhiều nhờ bán phụ tùng

Tại Việt Nam, doanh thu năm 2024 của một số thương hiệu lớn như Hyundai đạt khoảng 10 triệu USD, Komatsu đạt 50 triệu USD, Kobelco 13 triệu USD. Với nhiều hãng, phần lớn doanh thu tới từ việc bán phụ tùng với mức lãi ròng lên tới 15%, trong khi lợi nhuận ròng của bán máy chỉ khoảng 2 - 3%.

Komatsu là hãng có doanh thu phụ tùng cao nhất, đạt khoảng 20 triệu USD trong năm 2024 do có nhiều máy công trình trên thị trường.

Tại Việt Nam, các hãng máy công trình lớn như Komatsu, Hyundai, Kobelco lựa chọn mô hình phân phối độc quyền, chỉ có một doanh nghiệp được nhập khẩu và phân phối. Ngoại trừ một số hãng Trung Quốc giá rẻ chọn hình thức phân phối ủy quyền, với nhiều đại lý mở tại Việt Nam.

Các hãng lớn chọn cách thức phân phối độc quyền bởi chi phí đầu tư cao, doanh nghiệp phân phối cần ít nhất từ 30 - 40 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cơ sở kho bãi, nhân công, nhập hàng.

Tứ Đức

Mạnh Hưng

Nguồn Xây Dựng: https://xe.baoxaydung.vn/mieng-banh-ty-do-thi-truong-may-cong-trinh-192250416084107673.htm
Zalo