Miền nhớ thiêng liêng

Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra trang trọng, ý nghĩa trên đất Cà Mau. Ngược miền ký ức, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam như được sống lại giai đoạn thiêng liêng của cuộc chuyển quân lịch sử. Họ gặp lại nhau, cảm xúc dâng trào, bao câu chuyện về những ngày chiến đấu, lao động, học tập nối mạch ùa về...

Giáo dục truyền thống tại Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 tại Sông Ðốc, biểu tượng tình đoàn kết hai miền Nam - Bắc.

Giáo dục truyền thống tại Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 tại Sông Ðốc, biểu tượng tình đoàn kết hai miền Nam - Bắc.

Ra đi để trở về

Chúng tôi gặp cựu chiến binh Đinh Hữu Phước (Ba Phước) tại Hội thảo "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử". Ông ngồi ở vị trí trang trọng cùng các nhân chứng lịch sử, trên ngực áo mang nhiều huân, huy chương. Ông chăm chú lắng nghe các tham luận, phát biểu và trải lòng về cuộc đời mình.

Quê ông Ba Phước ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. 17 tuổi, ông xung phong vào bộ đội; sau 3 năm trong quân ngũ, ông được cử đi tập kết ra Bắc. Ông Ba Phước nhớ lại: “Đến Chắc Băng, tôi ở lán trại cùng bộ đội các tỉnh miền Tây, được bồi dưỡng về chính trị, khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, để chuẩn bị cho chuyến đi dài. Người dân nơi đây rất thân tình, quý mến bộ đội, hằng ngày bà con chèo xuồng chở theo khóm, chuối, mía, rau củ biếu bộ đội”.

Tàu cập bến Sầm Sơn, Thanh Hóa, sau khi ổn định tổ chức, ông Ba Phước nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn 570, tiếp tục được học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, kỹ năng chiến đấu để có tư tưởng vững vàng và đánh trận giỏi. Ông đã trải qua nhiều trận đánh, cùng đồng đội chiến đấu và trưởng thành. Tại đây, ông nên duyên với cô gái Bắc chung đơn vị. Năm 1976, ông trở về quê Bến Tre sau 22 năm vì nghĩa lớn, bước vào nhà thì thấy bàn thờ của chính mình nghi ngút khói hương. Khoảnh khắc gặp lại người thân xúc động nghẹn ngào, vì gia đình nghĩ rằng ông đã hy sinh khi đi tập kết.

“Cuộc sống sau chiến tranh vô cùng khốn khó, trong dòng suy nghĩ tìm hướng mưu sinh, tôi nhớ đến Cà Mau, nhớ bến tập kết năm nào. Nơi đây có biển, rừng trù phú và con người nhân hậu, nghĩa tình. Thế là năm 1986, gia đình tôi đến sinh sống ven hòn Đá Bạc, không lâu thì qua Sông Đốc định cư cho đến nay. Mang nhiệt huyết cống hiến, tôi tiếp tục tham gia công tác Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân thị trấn Sông Đốc, Tổ hòa giải Khóm 6B”, cựu chiến binh 90 tuổi trải lòng.

Tuổi trẻ thị trấn Sông Đốc thăm hỏi, tặng quà gia đình cựu chiến binh Đinh Hữu Phước.

Tuổi trẻ thị trấn Sông Đốc thăm hỏi, tặng quà gia đình cựu chiến binh Đinh Hữu Phước.

Dòng sông Ông Đốc tiễn chàng trai Đinh Hữu Phước ra đi làm tròn sứ mệnh với non sông, rồi lại đón ông quay về chở che, gầy dựng cuộc sống sau đổi mới. Địa điểm tập kết ngày nào được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Sông Đốc ngày nay mang dáng dấp của đô thị biển sầm uất. Ông Ba Phước tự hào kể với thế hệ hôm nay câu chuyện về những chàng trai, cô gái sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, mang khát vọng thống nhất non sông ra đi không màng hiểm nguy, gian khổ.

Bác dẫn lối soi đường

Lịch sử ghi lại, từ cuối năm 1954 đến đầu tháng 2/1955, Cà Mau tổ chức nhiều chuyến tàu đưa cán bộ, chiến sĩ, công nhân, học sinh... ra Bắc, với tổng số hơn 53 ngàn người. Những “hạt giống đỏ” được ươm trồng trên đất Bắc, sau này đã quay về miền Nam, trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng.

Chúng tôi gặp ông Lưu Ngọc Ẩn (Hai Ẩn) tại nhà riêng ở Phường 6, TP Cà Mau. Ông Hai Ẩn bày tỏ vui mừng khi gần đây có nhiều bạn trẻ tìm đến để được nghe ông kể chuyện tập kết, chuyện kháng chiến. Lần giở ký ức, ông Hai Ẩn nhớ thời điểm con tàu tập kết vượt sóng đưa ông đến với đất Bắc. Tại đây, ông được học tập chiến lược, đào tạo kỹ thuật hậu cần, rèn luyện thể lực. Đến năm 1962, được lệnh của tổ chức, ông cùng đồng đội bí mật vượt dãy Trường Sơn trở về Nam, rồi nhận nhiệm vụ Đại đội trưởng Đại đội Pháo binh DK75.

Ước mơ về Nam giết giặc đã thành hiện thực, ông Hai Ẩn xung phong ra chiến trường và lập được nhiều chiến công, tiêu biểu như trận đánh Chi khu Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là và tuyến lộ Vòng Cung - Cần Thơ. Vị đại tá 91 tuổi bộc bạch: “Tết Mậu Thân năm 1968, đơn vị chúng tôi đóng quân 3 tháng ròng ở tuyến lộ Vòng Cung, nhận nhiệm vụ tiêu diệt đồn bốt và nhiều chi khu của địch. Lúc đó tôi bị B52 dập xuống sông bất tỉnh, nhờ đồng đội quay lại tìm kiếm, cứu chữa kịp thời nên mới thoát chết ở vành đai lửa này”.

Trên người cựu chiến binh Hai Ẩn mang nhiều vết thương chí mạng ở đầu, lưng, mông và miếng miểng pháo ở chân vẫn còn trong cơ thể. Ông bùi ngùi: “Mỗi khi đối mặt với sinh tử, tôi lại nhớ đến hình ảnh Bác Hồ trong lần đến thăm đơn vị ở Thanh Hóa. Lời động viên, căn dặn của Bác, tôi xem đó là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để tiếp tục kiên cường chiến đấu, tin tưởng kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi”.

Khi Bắc - Nam sum họp một nhà, ông Hai Ẩn tiếp tục nhận nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam; rồi làm chuyên gia quân sự ở tỉnh Koh Kong của nước bạn Campuchia, sau đó trở về Minh Hải công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1990.

Vợ chồng ông Lưu Ngọc Ẩn cất giữ cẩn thận chiếc cà mèn đã theo ông suốt chặng đường kháng chiến.

Vợ chồng ông Lưu Ngọc Ẩn cất giữ cẩn thận chiếc cà mèn đã theo ông suốt chặng đường kháng chiến.

Học và làm theo gương Bác, cựu chiến binh Lưu Ngọc Ẩn luôn sống gương mẫu, nghĩa tình. Suốt 20 năm qua, gia đình ông cho 4 hộ mượn đất cất nhà, ổn định cuộc sống. Họ là những hộ nghèo không đất đai, hằng ngày đi làm mướn, chạy xe ôm hoặc bán vé số kiếm sống. Địa phương muốn hỗ trợ nhà nhưng họ không có đất để cất nhà, nên ông Hai Ẩn cho họ mượn mỗi hộ 30 m2. Rảnh rỗi, vợ chồng người cựu chiến binh lại đến thăm hỏi, động viên những gia đình này nỗ lực vươn lên, chăm lo việc học hành cho con cái.

Sự kiện tập kết ra Bắc sẽ ngày càng lùi xa, những chiến sĩ tham gia tập kết năm xưa nay tuổi đã gần 90 hoặc hơn thế. Họ mãi là tấm gương sáng về tinh thần cống hiến, hy sinh vì nghĩa lớn, để thế hệ hôm nay tôn kính, noi theo và nối tiếp trách nhiệm dựng xây quê hương đẹp giàu./.

Mộng Thường

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/mien-nho-thieng-lieng-a36641.html
Zalo