Từ nhà hàng 3 sao đến mì trộn Ember

Vóc dáng cao ráo, gương mặt điển trai, ánh mắt biết cười, Cyrus Nguyễn (tên thật Nguyễn Thành Công, 40 tuổi) có một vẻ ngoài lãng tử, tạo cho người đối diện cảm giác anh giống một nghệ sĩ, hơn là một đầu bếp.

Lãng tử… bán mì

Chàng trai gốc Huế Nguyễn Thành Công sinh ra và lớn lên tại TPHCM. Anh sang Mỹ du học ngành tài chính. Sau khi tốt nghiệp đại học, có một thời gian anh theo đuổi lĩnh vực quản trị kinh doanh nhưng cảm thấy đó là một nơi mà anh “không thuộc về”, “không cảm thấy vui”.

Trong những ngày tháng chênh vênh đó, anh chợt nhớ lại thời sinh viên từng phụ việc cho một nhà hàng Nhật Bản - đó là khoảng thời gian vui vẻ, thoải mái đầy thích thú, dù công việc bếp núc thực sự cực khổ hơn nhiều. Thích là làm, anh quyết định sống thật với đam mê, từ bỏ công việc hiện có và bắt đầu học về ẩm thực, tốt nghiệp bằng Grand Diplôme của Le Cordon Bleu.

Kết thúc chương trình học, kỹ năng của Cyrus Nguyễn hoàn thiện hơn bằng việc đảm nhiệm vị trí junior chef tại nhà hàng 3 sao Michelin Per Ser, New York. Không dừng lại ở đó, với khát khao khám phá thêm nhiều nền ẩm thực của nhiều vùng đất khác nhau, anh tiếp tục hành trình của mình.

Từ New York, anh đến Berverly Hills, California, bắt đầu bước chân vào lĩnh vực khách sạn để hiểu thêm ẩm thực thế giới. Bước chân lãng tử của anh đặt đến nhiều nơi để góp nhặt thêm nhiều tri thức về ẩm thực ở những vùng miền khác nhau.

Năm 2014, Cyrus Nguyễn về Việt Nam. Ban đầu, anh đơn giản nghĩ đó chỉ là một chuyến đi chơi. Nhưng rồi như một duyên nợ, anh bắt đầu cuộc chơi mới trong lĩnh vực đồ ngọt, sáng lập một thương hiệu socola của riêng mình ngay tại TPHCM. Dù chỉ là một cuộc dạo chơi ngắn ngủi, nhưng với tính cách đã làm là làm hết mình, anh đã tạo được dấu ấn riêng, được người trong nghề gọi là nghệ nhân socola.

Không bằng lòng với những gì đã làm được, lần này, Cyrus Nguyễn tiếp tục quay lại sở trường món mặn đã được đào tạo bài bản: anh cùng những người bạn đồng chí hướng tạo ra một không gian ẩm thực đặc biệt với những trải nghiệm mới mẻ cho món mì trộn.

“Nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao từ một đầu bếp nhà hàng cao cấp, tôi lại đi làm mì trộn, bán mì trộn, và tới đây không chỉ bán tại chỗ mà còn bán mang về - giống kiểu dành cho những món ăn nhanh và rất bình dân. Tôi đã từng làm việc ở những nhà hàng hàng đầu thế giới, nhưng chưa bao giờ đề cao tính cầu kỳ. Tôi thích sự đơn giản và đi vào trọng tâm", anh Cyrus Nguyễn bày tỏ.

Nơi nghệ thuật thăng hoa cùng ẩm thực

Giữa trung tâm Sài Gòn, nếu bỗng một ngày bạn chợt có ý thích khác thường: muốn có một bữa trưa đặc biệt, thưởng thức món ăn mang hơi hướm bình dân giữa không gian sang trọng mà gần gũi, tinh tế mà cởi mở, Ember Noodle Bar (ở số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận 1) sẽ là một lựa chọn.

 Ember Noodle Bar số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận 1

Ember Noodle Bar số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận 1

Những năm gần đây, xu hướng xóa nhòa khoảng cách giữa thực khách và đầu bếp trong ẩm thực tinh hoa đang được yêu chuộng. Bữa ăn không dừng lại ở việc ăn, mà trở thành một show diễn đáng nhớ, một cuộc trò chuyện vui vẻ giữa người nấu nướng và thực khách. Cyrus Nguyễn muốn mang đến cho thực khách của Ember trải nghiệm thú vị này.

Chỉ sau 7 phút cho khâu chế biến, thực khách có thể thưởng thức mì trộn Ember với hương vị đặc trưng rất riêng. Mì trộn Ember đặc biệt ở chỗ: sợi mì dai mà giòn, đậm đà, không bị ngấy. Độ, dòn, dai của sợi mì có thể giữ nguyên vẹn suốt 3 giờ trong điều kiện bảo quản ở nhiệt độ bình thường, sau khi chế biến.

Đây là thế mạnh có thể giúp món ăn này thuận tiện khi mang đi xa, mang về nhà. Nước sốt ăn với mì cũng là điểm cộng tại Ember, đồng thời là tâm huyết và niềm tự hào của anh Cyrus Nguyễn.

Anh tâm sự từng trăn trở rất nhiều về công thức làm nước sốt. Người Việt hay có thói quen là khi ăn mì thường xịt, trộn vào đó đủ thứ tương ớt, tương đen, tương cà… Những thứ này làm hỏng hương vị đặc trưng của sợi mì được chế biến kỳ công. Nước sốt cũng là thứ mang yếu tố vùng miền rất cao - khi mỗi vùng, mỗi nơi lại có cách làm nước sốt riêng.

Với món mì trộn, nước sốt có thể làm thăng hoa món ăn, cũng có thể làm hỏng bét món ăn nếu “lệch tông” với khẩu vị thực khách. “Nước sốt mì trộn của Ember được chế biến từ công thức đặc biệt mà tôi kỳ vọng khi nếm thử nó, khách ăn mì đến từ nhiều đất nước khác nhau cũng có thể tìm thấy hương vị quê hương mình trong đó” - anh Cyrus Nguyễn chia sẻ đầy tâm huyết.

Món “đinh” tại nhà hàng Ember là mì bò wagyu thượng hạng hay Salmon Rillette mềm tan. Tuy nhiên, để món ăn trở nên gần gũi, dễ ăn, thuận tiện và thích nghi với mọi đối tượng khách hàng, Cyrus Nguyễn không “ép” khách phải ăn mì của mình với một loại protein cụ thể nào. Mì trộn Ember hoàn toàn có thể kết hợp cùng thịt bò, thịt gà, thịt heo, cá, tôm, cua, mực… hay đơn giản là ăn với rau củ cũng rất tròn vị.

Với lựa chọn mua mang về, khách hàng có quyền chọn loại protein mà mình thích, hoặc chỉ mua mì về ăn với thứ mà họ có sẵn ở nhà. “Chỉ với 150.000 đồng, bạn đã có một phần mì trộn đúng chuẩn nhà hàng cao cấp. Chiều tan sở, không muốn nấu nướng, các chị em có thể ghé nhà hàng mua mì về, chỉ với thao tác làm nóng lại, thậm chí không cần làm nóng, vẫn có cho chồng con bữa tối ngon lành” - Cyrus Nguyễn dí dỏm gợi ý.

 Cyrus Nguyễn (thứ 2 từ trái sang) cùng các đầu bếp trẻ tại Ember Noodle Bar - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cyrus Nguyễn (thứ 2 từ trái sang) cùng các đầu bếp trẻ tại Ember Noodle Bar - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nghe câu chuyện về Ember và chàng lãng tử bán mì Cyrus Nguyễn, ắt hẳn sẽ không ít người lo lắng: thời buổi kinh tế khó khăn, mặt bằng trung tâm ế ẩm, người dân đắn đo nhiều hơn mỗi khi rút ví tiền.

Thế nhưng, với Cyrus Nguyễn - người đàn ông từng kiên trì tìm mọi cách để có nguồn ca cao sạch để làm socola đúng chuẩn quốc tế 5 năm trước, và giờ đây kiên quyết sử dụng thịt gà không kháng sinh để chế biến món ăn tại Ember - tin rằng khó khăn chỉ càng tạo thêm động lực và cảm hứng để anh cùng những người bạn đồng hành tiếp tục chinh phục những cột mốc mới.

Vì sao lại là Ember? Cyrus Nguyễn và những người bạn đồng hành cùng anh chia sẻ rằng: Ember - cái tên gợi lên hình ảnh ngọn lửa bập bùng và những hòn than đỏ rực luôn cháy âm ỉ không bao giờ tắt - là biểu tượng cho sự ấm cúng, cho đam mê và sự sáng tạo không ngừng.

Nhìn cách anh và các cộng sự say mê, chăm chút cho từng món ăn, nâng niu từng cảm xúc của thực khách khi set up một không gian nhà hàng tinh tế đến từng chi tiết, mới hiểu hết được tâm huyết của họ.

Bước vào Ember, bạn sẽ như lạc vào một thế giới thong thả rất riêng, nơi ánh đèn vàng dịu dàng tỏa lên những bức tranh nghệ thuật, nơi có khăn trải bàn đỏ, nến trắng và hoa hồng, tạo nên một không gian ấm cúng mà nhẹ nhõm. Bạn bỗng có cảm giác những mệt nhọc, nắng nôi, tất bật dừng bước ở ngoài kia.

M.Trâm

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tu-nha-hang-3-sao-den-mi-tron-ember-post119732.html
Zalo