Hai xu hướng du lịch Tết
Tết Nguyên đán 2025, người Việt chia thành hai nhóm rõ rệt trong xu hướng du lịch. Nhóm một ưu tiên những chuyến đi ngắn ngày sau khi đã hoàn thành thủ tục đón Tết truyền thống ở nhà, và nhóm hai tận dụng cả 9 ngày nghỉ để đi du lịch dài ngày.
Nhóm thứ nhất thường bao gồm các gia đình nhiều thế hệ hoặc những người coi trọng phong tục truyền thống. Sau khi gói bánh chưng, cúng ông bà, và thăm hỏi người thân trong vài ngày đầu Tết, họ bắt đầu lên đường du xuân. Theo đại diện Vietravel, các tua ngắn 2-3 ngày đến Đồng bằng sông Cửu Long, Sapa, hoặc Đà Lạt được nhóm khách này ưa chuộng, vì vừa kịp để họ tận hưởng không khí Tết tại nhà, vừa có thời gian thư giãn và khám phá”. Tua 3 ngày 2 đêm tham quan các làng hoa Sa Đéc hay Đồng Tháp thu hút lượng lớn gia đình Việt kiều về nước đón Tết.
“Trốn Tết”
Trong khi đó, nhóm thứ hai, chủ yếu là các gia đình trẻ hoặc nhóm bạn trẻ, lại tận dụng kỳ nghỉ dài để “trốn Tết” và trải nghiệm các hành trình du lịch dài ngày, cả trong và ngoài nước. Họ thường chọn những điểm đến nước ngoài như Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản) hoặc Seoul (Hà Quốc), nơi có chi phí hợp lý và nhiều hoạt động đa dạng. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt (Cty Lữ hành AZA Travel), xu hướng đi du lịch dài ngày dịp Tết tăng mạnh trong vài năm gần đây, đặc biệt ở thế hệ trẻ, bởi họ ưu tiên trải nghiệm mới mẻ hơn là những nghi thức truyền thống.
Một báo cáo từ Agoda (trang chuyên đặt phòng trực tuyến) cho thấy, lượt tìm kiếm tua đến Nhật Bản tăng 193%, trong khi các điểm đến Đông Nam Á như Thái Lan và Singapore vẫn duy trì sức hút ổn định. Điều này phản ánh tâm lý muốn tận dụng kỳ nghỉ để “đổi gió” và khám phá những nền văn hóa mới của nhóm khách này.
Xu hướng thực tế và tiết kiệm của khách hàng không chỉ phản ánh thay đổi trong cách du lịch, mà còn đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp lữ hành nội địa trong việc cạnh tranh và tối ưu hóa dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đa dạng này.
Với nhóm khách có ngân sách hạn chế hoặc ưu tiên trải nghiệm, du lịch tự túc cũng là xu hướng đáng chú ý. Các nền tảng đặt phòng trực tuyến như Booking.com hay Airbnb không chỉ cung cấp nhiều ưu đãi hấp dẫn mà còn giúp du khách dễ dàng lên kế hoạch di chuyển, chọn chỗ lưu trú phù hợp và kiểm soát tốt ngân sách. Anh Lê Văn Hùng, kỹ sư trẻ tại Đà Nẵng, chọn tự “đi bụi” đến Chiang Mai (Thái Lan) cùng nhóm bạn để tiết kiệm chi phí và tận hưởng cảm giác phiêu lưu. Tương tự, chị Lê Thị Hằng, giáo viên ở Hà Nội, cùng bạn bè tự lên kế hoạch cho chuyến đi 4 ngày đến Phú Quốc. “Chúng tôi tự đặt vé máy bay giá rẻ từ sớm, chọn homestay gần biển để tiết kiệm chi phí. Việc tự chuẩn bị không chỉ giúp cả nhóm tiết kiệm hơn mà còn có thời gian linh động để khám phá thêm nhiều địa điểm ngoài lịch trình”, chị Hằng nói.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, năm nay kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên lượng khách nội địa có xu hướng dành thời gian đi du lịch, thay vì ăn Tết ở nhà. So với năm ngoái, khách nội địa đến Đà Nẵng dịp Tết tăng khoảng 15%, từ nhiều tỉnh thành trong nước. Riêng với thị trường khách quốc tế, ngành du lịch ghi nhận sự bật tăng mạnh mẽ, khoảng 20 - 25% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ châu Âu, Úc, Mỹ. Các doanh nghiệp đang bán tua Tết rất tốt.
Ông chia sẻ, xu hướng chơi Tết của du khách năm nay là du lịch trải nghiệm, sinh thái, dành khoảng thời gian nghỉ dài ngày để khám phá, thư giãn.