Miền ký ức thiêng liêng của 'cô bé Trung Quốc' được chụp ảnh cùng Bác Hồ
Chỉ một ngày sau sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1957, một cô bé Trung Quốc đã vinh dự được trò chuyện và chụp ảnh với Người. 67 năm đã trôi qua, nhưng ký ức thiêng liêng ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí và trở thành kỷ niệm khó phai trong cuộc đời 'cô bé'.
“Tôi đắm chìm trong cảm giác hạnh phúc khi Bác Hồ dắt tay tôi. Cuối cùng tôi đã được gặp người Anh hùng vĩ đại nhất của Việt Nam. Cảm giác đó đến giờ tôi vẫn không thể nào quên. Sau này, khi đi bộ đội ở vùng Đông Bắc, được tin Người mất, tôi đau buồn lắm, bởi từ giờ tôi không còn được gặp Người nữa. Tôi còn nhớ khi ở Việt Nam về, bố tôi từng dặn tôi phải học thật giỏi để sau này lại được gặp Bác Hồ” - Đó là cảm xúc rưng rưng của bà Vương Phong, tức “cô bé Trung Quốc” Vương Tiểu Hồng khi nhớ lại khoảnh khắc được Bác Hồ hỏi chuyện, ôm vào lòng và chụp ảnh cùng ở sân bay Gia Lâm ngày 20/5/1957 lúc mới 6 tuổi.
Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Nguyên soái Kliment Yefremovich Voroshilov của Liên Xô cũ sang thăm Việt Nam. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, tình cảm ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí bà và dâng trào mỗi khi được chạm tới.
Là con gái của Trưởng đại diện Tân Hoa xã tại Hà Nội từ năm 1955-1960, bà Vương Phong được sang Việt Nam cùng bố mẹ trong khoảng 2 năm. Bà được gặp Bác Hồ hai lần. Lần thứ 2 là khi bà về nước và được đi trên chuyên cơ đưa Người sang thăm Trung Quốc. Với bà, Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người hiền hậu, đáng kính, giản dị mà vĩ đại.
“Từ nhỏ, Bác Hồ trong tâm trí tôi đã là một con người vô cùng cao quý. Bố tôi rất xúc động mỗi khi nói về Người. Ông bảo Người là người anh hùng vĩ đại nhất của Việt Nam”, bà Vương Phong nói.
Trong suốt gần 30 năm làm báo sau này, trong đó có gần 20 năm làm ở tạp chí Liêu Vọng của Tân Hoa xã, bà đã 4 lần sang Việt Nam và có nhiều bài viết về mảnh đất mà bà luôn coi như quê hương thứ hai của mình. Trong đó, chuyến đi thứ 4 để lại ấn tượng sâu đậm nhất khi bà được vào lăng viếng Bác: “Mỗi lần sang Việt Nam tôi đều muốn được gặp Bác Hồ, nhưng lần thì Lăng Bác không mở cửa, lần thì xe chở chúng tôi đi một mạch khiến tôi không thể gặp được. Cuối cùng vào năm 2017 tôi đã quay trở lại. Tôi tự nhủ lần này nhất định phải vào lăng viếng Bác. Hôm đó, lăng mở cửa. Tôi mừng lắm. Trong lăng rất trang nghiêm, một lối đi dài, hút tối, khiến mọi người dâng trào lòng tôn kính và sự trang trọng. Mọi ánh đèn đều dồn vào Bác. Người nằm đó vô cùng thư thái. Tôi và các đồng chí của mình đã cúi người 3 lần ở mỗi bên và ở giữa, trước thi hài Bác. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tổng cộng 9 lần. Đây là những nghi lễ và cách thể hiện vô cùng tôn kính của người Trung Quốc. Lần này tôi cảm thấy hết sức mãn nguyện”.
Mỗi lần đến Việt Nam, bà luôn khắc ghi trong tim những cử chỉ thân thiện, tử tế của người dân Việt Nam. Đó là sự cẩn thận, nhiệt tình của các bác xích lô dìu bà khi không may bà bị ngã ở Hà Nội, hay sự tận tình, chu đáo của cô hướng dẫn viên trẻ đang mang bầu ở thành phố Hồ Chí Minh khi chỉ có một mình bà thăm Nhà lưu niệm về Bác.
Khi biết tên cô gái là Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, bà cũng muốn được mang họ Nguyễn để bày tỏ lòng cảm kích. Từ đó, bà có thêm một cái tên Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Phong.
Việt Nam với bà là một đất nước tươi đẹp và đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Do từng sống ở Việt Nam từ nhỏ, bà luôn dành tình cảm đặc biệt với Bác Hồ, người dân Việt Nam và vô cùng yêu thích âm nhạc của mảnh đất này. Dù không biết tiếng Việt, bà vẫn có thể hát vài bài hát Việt, bởi đó là thứ âm thanh vô cùng gần gũi, gợi nhớ về một thời ấu thơ không thể nào quên khi cô bé Vương Tiểu Hồng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhân cách vĩ đại của dân tộc Việt Nam.