Truyện ngắn: Những người thầy của tôi
Ai cũng có những ký ức không thể nào quên về người thầy đầu tiên của mình.
Ai cũng có những ký ức không thể nào quên về người thầy đầu tiên của mình. Bởi chính người đó đã đưa ta, khi còn non nớt, bước ra khỏi những ngày tháng bỡ ngỡ mà bước lên con đường tri thức rộng mở.
Những người thầy ấy, với ánh sáng dịu dàng như tình mẹ, đã miệt mài dìu dắt, dẫn lối ta bước vào hành trình dài của tri thức nhân loại, để ta khám phá và cảm nhận một thế giới rực rỡ của trí tuệ.
Tháng Chín khi tôi vào Trường Tiểu học Wanquan (Xin Kaipu), người thầy đầu tiên đón nhận tôi là cô Jiang, một người luôn nở nụ cười rạng rỡ và trìu mến. Chính cô đã nắm lấy bàn tay non nớt và rụt rè của tôi và an ủi khi tôi lo sợ bối rối và đưa tôi vào một thế giới mới nơi nắng sớm rực rỡ, gió mát lướt qua, tiếng chim bồ câu vang vọng và niềm vui lan tỏa khắp sân trường. Đó là tiết học văn hóa đầu tiên trong cuộc đời tôi.
Trong lớp học ngập tràn ánh sáng và làn gió mát, cô Jiang dạy chúng tôi những bài học nhân cách đầu tiên, những kiến thức cơ bản nhất và những điều lý thú về cuộc sống. Giữa năm mươi bạn mới nhập học, cô đã chọn tôi, một đứa trẻ thấp bé nhất, mặc bộ quần áo vá chằng vá đụp, làm lớp trưởng.
Chắc cô Jiang phải can đảm biết bao để đưa ra quyết định ấy! Cũng là cô khuyến khích tôi, dù quên lời vì lúng túng, hoàn thành bài hát solo đầu tiên trên sân khấu, sau đó ôm tôi cúi chào khán giả trong tiếng vỗ tay của cả trường. Làm sao tôi quên được niềm tin của cô dành cho mình?
Tôi còn nhớ lần đầu cô Jiang đến Học viện Điện lực để thăm nhà, cô ghé thăm gia đình tôi đầu tiên. Cô trước đây là nghệ sĩ trong đoàn ca múa, sau khi sinh con, cô chuyển sang giảng dạy. Cô có dáng vẻ yêu kiều, thanh thoát, nói năng nhẹ nhàng, phong thái nhã nhặn như hoa lan.
Học trò và phụ huynh ai cũng yêu quý và kính trọng cô. Cô yêu thương, chăm sóc học sinh như con ruột, ngay cả khi phê bình, cô luôn khen ngợi ưu điểm của học trò trước rồi mới góp ý khuyết điểm, khiến ai cũng tâm phục khẩu phục mà quyết tâm sửa đổi. Giờ Ngữ văn của cô sống động, tràn đầy cảm xúc.
Giọng nói của cô, trong trẻo như suối chảy, êm đềm như chim hót, khiến chúng tôi lắng nghe mà cảm giác như đang đón nhận ánh ban mai, như ngồi giữa gió Xuân. Mỗi khi hồi tưởng lại, tôi luôn thấy tuổi thơ của mình rạng ngời tươi sáng, quý giá như vàng.
Nhớ lại tối hôm ấy, cha tôi và cô Jiang trò chuyện rất vui vẻ. Cô vừa khen những ưu điểm của tôi, vừa nhắc nhở khuyết điểm trong tính cách mà tôi cần sửa đổi. Những lời động viên của cô hôm ấy vẫn mãi là ngọn đèn soi sáng trên con đường gập ghềnh trong cuộc đời tôi, luôn dẫn lối cho tôi không lạc lối.
Tối ấy, tôi lưu luyến không muốn cô rời đi, liền cùng cô đi thăm các bạn học khác là Li Fen, Tao Xiaomao, Chen Yunan. Qua mỗi nhà lại có thêm một bạn đi theo hộ tống cô. Cuối cùng, bốn đứa chúng tôi tiễn cô dọc con đường nhựa từ Jin Penling sang Xin Kaipu, mãi đến khi cô kiên quyết không cho chúng tôi đi thêm nữa. Chúng tôi nhìn theo bóng cô dần xa, ánh đèn pin lóe lên trong đêm tối rồi mất hút chúng tôi mới nắm tay nhau quay về nhà.
Sau khi kết thúc kỳ thi cuối năm lớp Hai, mặc dù chưa có kết quả, tin đồn cô Jiang sẽ không còn dạy lớp Hai A của chúng tôi vào kỳ sau đã lan truyền khắp lớp. Ai cũng cảm thấy bùi ngùi, mong mỏi cô có thể tiếp tục dạy mình.
Trong suốt hai năm, cô như người mẹ, không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy chúng tôi những quy tắc đạo đức cơ bản, và mang đến cho chúng tôi biết bao yêu thương ấm áp.
Hình ảnh dịu dàng, trìu mến của cô giống như ánh Mặt trời, chiếu rọi lên lứa trẻ mới bảy, tám tuổi của chúng tôi; những lời khuyên bảo nhẹ nhàng, ấm áp của cô tựa như mưa Xuân, nuôi dưỡng chúng tôi trưởng thành. Hai năm cô dìu dắt là hai năm chăm sóc cho tinh thần và tâm hồn chúng tôi, chắp cho chúng tôi đôi cánh đầu đời, tràn đầy kỳ vọng.
Kỳ sau lên lớp Ba, ai sẽ là người tiếp bước cô, dẫn dắt chúng tôi, những chú chim non còn vụng về, tung cánh vào bầu trời tri thức và đối mặt với những thử thách mai sau? Câu trả lời đã được cô Jiang nghẹn ngào nói cho chúng tôi biết khi cô trao từng tấm phiếu điểm cuối kỳ, giữa những ánh mắt lưng tròng, bịn rịn của đám học trò.
Không chỉ nhận phiếu điểm khiến nhiều bạn hài lòng, hãnh diện, mỗi chúng tôi còn được nhận một tấm thiệp tinh xảo với lời nhắn nhủ đầy yêu thương mà cô tự tay viết. Lời chúc ấy, như gió Xuân mơn man, làm chúng tôi say lòng.
Tôi vui vẻ khoe với các bạn tấm thiệp cô tặng, trên đó là dòng chữ nắn nót của cô:
“Con là chú đại bàng nhỏ, dũng cảm, kiên cường giương cánh trong mưa gió, con sẽ tạo nên một bầu trời rực đỏ cho riêng mình!”.
Tấm thiệp ấy đã làm tôi vui sướng chia sẻ cùng các bạn, mỗi bạn đều nhận được một lời chúc tương tự với tên mình khéo léo lồng vào. Tôi về hỏi cha rằng liệu cái tên “Hồng Nhuận” mà cha đặt cho tôi có phải cũng chính là lời chúc tốt đẹp của cô Jiang không?
Cha cười, bảo: “Con sinh ra vào mùa Đông tuyết trắng, nhưng là vào giờ Thìn, tức khoảng 9 đến 10 giờ sáng. Hôm đó, trời quang đãng, ráng mây đỏ trải dài khắp nơi nên cha đặt tên con là “Hồng Vân”, gọi mãi lại thành “Hồng Nhuận”(1).
Chữ “Nhuận” này giàu ý nghĩa hơn chữ “Vân” nhiều, vừa là động từ vừa là tính từ, nhưng con chưa học tới ngữ pháp nên chưa hiểu đâu. Như câu “Nhuận vật vô thanh, nhuận trạch thiên hạ”, vừa mang ý làm dịu mát muôn loài, vừa tươi đẹp như ngọc, phong phú tươi tắn.
Nói chung, “Nhuận” là một chữ rất đẹp. Con xem lời chúc của cô Jiang gửi con, “Dũng cảm, kiên cường giương cánh trong mưa gió, con sẽ tạo nên một bầu trời rực đỏ cho riêng mình!” - đây đúng là một lời chúc tốt đẹp nhất”.
Khi lên lớp Ba, cô Jiang được thay bằng cô Tao, một cô giáo hiền từ ngoài năm mươi. Cô đeo cặp kính dày, không rõ là cận hay viễn. Cô Tao sống độc thân cả đời, không con cái, chỉ có một người cháu gái xa ít khi liên lạc. Có lẽ do khi bàn giao, cô Jiang có giới thiệu tôi và Li Fen với cô, nên ngay khi bắt đầu, cô đã giao tôi làm lớp trưởng, Li Fen làm lớp phó.
Cô để chúng tôi tự quán xuyến lớp, chỉ đôi lúc hỏi thăm hay góp ý, không can thiệp sâu. Các bạn đùa rằng cô Tao đã nhận tôi và Li Fen làm con nuôi, nhưng ngẫm lại, cô để chúng tôi làm việc chính là đang dạy chúng tôi kỹ năng làm cán bộ lớp.
Trong hai năm cô Tao dạy, lớp chúng tôi không chỉ giữ vững các thành tích cô Jiang đã tạo ra mà còn đạt được nhiều thành tích mới. Lớp tôi trở thành lớp tiêu biểu của trường, của quận và còn được chọn là tập thể xuất sắc của thành phố.
Cá nhân tôi cũng được cô Tao bồi dưỡng, từ đội phó lên đội trưởng, trở thành học sinh gương mẫu, còn được tuyên dương ở cả quận và thành phố, cùng dự trại hè học sinh xuất sắc, được trải nghiệm rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Những năm đó tôi thật sự có nhiều cơ hội để phát triển toàn diện.
Vào mỗi chiều thứ Tư, khi thầy cô đi học tập chính trị và nghiệp vụ, cô Tao sẽ để tôi và Li Fen ở lại giúp cô chấm bài tập và nhật ký của cả lớp. Cô luôn dẫn chúng tôi đi ăn trưa tại căng-tin giáo viên. Đôi khi, cô còn mua cho chúng tôi gói bánh quy ăn cùng nước lọc.
Cơm ở căng-tin trường lúc đó không phải là ngon, một bàn tám người chỉ có ba, bốn món, trong đó chỉ có một món mặn như thịt xào ớt hay cá xào mướp đắng. Một lần, chúng tôi ăn trưa gặp sinh nhật con gái thầy hiệu trưởng, thêm được bát trứng hấp do thầy tự làm.
Thầy vui vẻ lấy cho tôi và Li Fen mỗi đứa hai muỗng. Trứng trộn cơm ăn rất ngon. Phần lớn, tôi và Li Fen chỉ chấm phần từ vựng, chính tả và bài tập làm câu. Còn ghi chép, cô sẽ hỏi chúng tôi về nội dung, xem có sự kiện nổi bật nào của lớp hay không.
Cô Tao không còn trẻ như cô Jiang. Mặt cô hơi vàng, có vài nếp nhăn, nụ cười cũng không rạng rỡ nhưng ấm áp và hiền từ. Giọng cô trầm, khàn, không dịu dàng trong như giọng cô Jiang nhưng sâu lắng, khiến người nghe nhớ mãi.
Cô Jiang thường cười, lúc nào cũng tràn đầy tình thương, đôi lúc còn ôm chúng tôi vỗ về. Cô Tao ít khi thể hiện tình cảm trực tiếp, nhưng nụ cười khích lệ phía sau đôi kính dày của cô, giọng nói khàn khàn lại ấm áp như gió Xuân, lan tỏa vào lòng chúng tôi.
Ngoài dạy văn, cô Tao còn dạy chúng tôi vẽ. Cô rất giỏi vẽ, chỉ cần vài nét phấn là chú gà con đã kêu “chiêm chiếp” xuất hiện trên bảng. Rồi chỉ cần xóa đi, vài nét mới lại tạo nên chú vịt nhỏ bơi lội. Lát sau, cả một bức phong cảnh thơ mộng hiện lên: Xa xa là núi xanh trải dài, gần là sóng nước lấp lánh, vài con thuyền buồm lững lờ, vài nhành dương liễu lay trong gió, bên bờ cỏ xanh phấp phới.
Cô đề thơ dưới nhành dương liễu: “Non xanh nối cửa lên trời,/ Bóng buồm xa thẳm sóng chiều trôi./ Dương liễu nhẹ lay trong gió Xuân,/ Đồ tô ngây ngất đón Xuân về” (Tạm dịch). Một bạn học hỏi: “Cô ơi, đồ tô là gì vậy ạ?”.
“Câu hỏi hay đấy, quan sát rất tinh tế. Đồ tô chính là những bụi cỏ lá rộng bên bờ sông đấy. Loại cỏ này người ta có thể dùng để lợp nhà, cũng có thể dùng để nấu rượu, gọi là rượu đồ tô. Tương truyền, loại rượu này không thể uống thường ngày mà phải đợi đến sáng mùng Một Tết mới được uống. Uống vào sẽ xua đuổi tà ma, mang đến sức sống dồi dào suốt cả năm, tạo nên một năm mới rực rỡ.
Các em không thấy, trong câu đối đỏ dán ở cửa mỗi nhà vào dịp Tết, chẳng phải có câu này sao? “Hết một năm rồi, tiếng pháo đưa/ Gió xuân thổi ấm chén đồ tô/ Ngàn cửa muôn nhà vừa rạng sáng/ Đều đem đào mới đổi bùa xưa” (Theo bản dịch của Trần Trọng San).
Đây là bài thơ Nguyên nhật nổi tiếng của nhà thơ đại tài thời Tống, Vương An Thạch, miêu tả cảnh tưng bừng đón Tết. Trong thơ, đồ tô chính là chỉ loại rượu cỏ đồ tô được uống trong không khí ấm áp của gió Xuân, thể hiện rõ niềm mong ước tốt lành của thi nhân cho năm mới. Nào, các em cùng nhau đọc to bài thơ này nhé, xem ai là người thuộc trước tiên”.
Nói rồi, cô viết lên bảng bài thơ Nguyên nhật của Vương An Thạch và hướng dẫn chúng tôi đọc. Chẳng mấy chốc, cả lớp đều đọc thuộc lòng, tiếng đọc vang lên trong trẻo, rành rọt. Cảnh lớp học thơ văn hôm ấy, tiếng đọc bài rộn rã ấy cứ theo tôi qua từng đêm Giao thừa năm này qua năm khác, trở thành ký ức mãi mãi không phai.
Sau kỳ nghỉ Hè, chúng tôi lên lớp mới, ngồi trong lớp Năm với niềm hân hoan khó tả. Cuối cùng, chúng tôi cũng thành học sinh khối lớn nhất trường rồi. Thế nhưng, cô Tao không còn dạy chúng tôi nữa. Trong suốt hai năm ấy, cô đã dành hết tâm huyết, không chỉ trang bị cho chúng tôi nền tảng kiến thức vững chắc mà còn bồi đắp vốn sống ngày một trưởng thành.
Nếu cô Jiang đã mở ra cánh cửa kiến thức thì cô Tao lại dẫn chúng tôi vào thế giới rộng lớn của lịch sử và văn hóa nhân loại. Những kỳ quan như kim tự tháp Ai Cập, thành phố cổ Pompeii, nền văn minh lưỡng hà Babylon hay hình ảnh quân Liên minh tám nước cướp phá và đốt cháy vườn Viên Minh, cùng dòng chảy bất tận của văn minh Trung Hoa... Những hiểu biết này đã bắt đầu nảy mầm và phát triển trong trí óc non nớt của chúng tôi.
Cô Tao từng bảo, với lớp chúng tôi, cô sẽ thử “dục tốc”, bởi lũ trẻ lớp này là lứa học sinh tài năng nhất mà cô từng dạy. “Lòng rộng vô biên, chứa cả đất trời, ngẩng cao đầu ngắm vũ trụ, vươn xa khám phá tương lai” (Tạm dịch). Cô nói vậy, có phải không ạ? Cô tin vào những đứa trẻ chưa đầy mười tuổi, phá vỡ cách giảng dạy truyền thống, đưa chúng tôi vào biển kiến thức vô hạn, để chúng tôi nhón chân vươn tới những tri thức tương lai.
“Gió ơi cho mượn sức gió/ Đưa tơ tới tận đỉnh trời.” (Bản dịch bài thơ “Lâm Giang Tiên” (Tào Tuyết Cần) của Nguyễn Quốc Hùng). Cảm ơn cô, người thầy đáng kính, cô mãi là ngọn hải đăng soi đường, là ngọn đuốc chiếu sáng hành trình khám phá những điều chưa biết của chúng con.
Ở trường Tiểu học Wanquan, tôi thật may mắn biết bao khi gặp được những người thầy đầu tiên trong cuộc đời mình, những người khai sáng cho tôi. Chính các cô đã đưa tôi từ bờ hoang dã của sự ngây thơ đến bến bờ của văn minh. Giáo viên mới của lớp 5A là cô Kuang Cuiying, một người có thành tích cao trong kỳ thi tại Trường Sư phạm Hồ Nam, với nhiều kinh nghiệm dạy các lớp cao hơn.
Cô Kuang trẻ hơn cô Tao nhưng có vẻ lớn tuổi hơn cô Jiang. Cô búi hai bím tóc dài vừa chấm vai, thân hình mảnh khảnh, không cao ráo như cô Jiang nhưng lại mang vẻ đằm thắm, chắc chắn hơn.
Cô có khuôn mặt trái xoan trắng trẻo và đôi mắt to, sáng, luôn ánh lên vẻ thân thương và ấm áp. Đôi môi mỏng của cô lúc nào cũng tuôn ra dòng suối tri thức hay ân cần hỏi han chúng tôi. Bài giảng của cô đầy cảm xúc và cuốn hút.
Mỗi bài văn cô đọc đều mang giọng điệu nhân vật riêng, chỉ cần lắng nghe, chúng tôi đã thấu hiểu nội dung mà không cần phân tích. Sau khi đọc, cô luôn phân vai cho chúng tôi cùng đọc diễn cảm. Cách dạy này đã khiến chúng tôi say mê đọc sách và có những suy nghĩ đầu tiên về số phận nhân vật.
Chỉ sau ba tuần đứng lớp, cô hướng dẫn chúng tôi dựng vở kịch ngắn “Bánh xe thời đại”. Phòng Giáo dục khu vực còn tổ chức buổi diễn lớn tại trường cho giáo viên các trường khác đến xem. Trong vở kịch này, cô thử vai các diễn viên chính vài lần, cuối cùng lại chọn tôi vào vai chính.
Cô nói tôi có năng khiếu biểu diễn, lời thoại rõ ràng, giọng hay, nét mặt biểu cảm phù hợp, lại hiểu vai diễn. Cô khen nhiều, nhưng tôi biết đó là cách cô khích lệ chúng tôi. Cậu bạn Zhang Jianguo lại có ngoại hình bắt mắt hơn, tôi nghĩ các thầy cô từ các trường khác ở khu cấp cao cũng sẽ đến xem, nên nói với cô hãy để cậu ấy diễn thay.
Cô lại mỉm cười dịu dàng: “Tề Hồng Nhuận, em diễn rất tự nhiên, không chút gượng gạo, trong sáng linh hoạt, lại giàu cảm xúc. Em chính là nhân vật chính, hãy tự tin lên nào!”.
Nhờ lời động viên của cô, tôi thầm quyết tâm sẽ không phụ lòng tin tưởng và kỳ vọng đó, cố gắng hết sức để diễn tốt vai nhỏ của mình trong vở kịch. Thế nhưng, nhân vật chính cần mặc một chiếc áo sơ mi trắng, mà tôi lại không có chiếc áo nào như vậy. Khi nghe tôi chia sẻ, Zhang Jianguo vui vẻ đồng ý cho tôi mượn áo của cậu ấy.
Tuy nhiên, khi mặc vào lại quá dài và rộng, không vừa vặn chút nào vì cậu ấy cao hơn tôi một cái đầu. Không còn cách nào khác, tôi về nhà kể với mẹ và mẹ đã mua hai bao bột, tháo ra, giặt sạch, rồi tỉ mỉ may cho tôi một chiếc áo sơ mi trắng mới. Chiếc áo ấy đã góp phần không nhỏ vào thành công của tôi trong buổi diễn.
Mùa Hè năm 1962, gia đình tôi gặp biến cố, tin tôi phải chuyển về quê Yudong học tiếp đã lan khắp lớp 5A, gây nên một chấn động không nhỏ. Các bạn đều luyến tiếc khi phải chia tay tôi, năm năm bên nhau từ những ngày còn thơ ngây đến lúc trưởng thành cùng nhau lớn lên, tình bạn ấy chẳng dễ gì dứt bỏ được, dù chúng tôi chỉ mới qua tuổi mười.
Những ngày ấy, không khí trong lớp trầm hẳn, và các bạn thể hiện tình cảm đặc biệt đối với tôi. Họ không biết vùng Yudong, Hà Nam là nơi như thế nào, nhưng đều mong tôi đến một nơi tràn ngập ánh sáng tươi đẹp. Dù họ biết tôi sẽ chuyển đến một ngôi trường làng xa xôi, họ vẫn hy vọng nơi ấy sẽ đẹp đẽ, ấm áp, thậm chí tốt hơn trường Tiểu học Wanquan. Tình cảm của các bạn truyền cho tôi sự lạc quan, lòng nhiệt tình của các bạn truyền thêm cho tôi sức mạnh, giúp tôi có thêm niềm tin khi phải đến một nơi hoàn toàn xa lạ.
Khi cô Kuang đưa giấy chứng nhận chuyển trường và bản đánh giá hạnh kiểm cho tôi, mắt cô như ánh lên nụ cười nhưng đã ngấn lệ. Theo quy định, học sinh chuyển trường chỉ cần giấy chứng nhận chuyển trường và bảng điểm có kèm đánh giá hạnh kiểm. Nhưng cô Kuang đã đặc biệt viết thêm một bức thư giới thiệu kèm con dấu của trường và chữ ký của hiệu trưởng cùng cô chủ nhiệm.
Cảm ơn cô Kuang, đó là ân tình sâu nặng mà cô dành cho tôi. Tôi biết, cô mong rằng ngôi trường xa lạ kia sẽ nhanh chóng công nhận và xem trọng tôi, để tôi có thể dễ dàng hòa nhập và phát triển trong môi trường mới. Cô Kuang, cô biết không, gần sáu mươi năm qua đã biến lá thư ấy thành tro bụi, nhưng trong tim con, những lời tốt đẹp ấy vẫn luôn hiện diện, ghi tạc trong lòng như một sự tri ân sâu sắc về tấm lòng từ mẫu của cô.
Ánh mắt không đành lòng cùng sự khích lệ của cô khi trao thư cho tôi, trong suốt sáu mươi năm cuộc đời, luôn là nguồn động viên vô hình giúp tôi vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống. Kính yêu cô Kuang, kết thúc dòng hồi ức này, con không biết giờ đây cô ở nơi đâu, liệu cô có đang sống những ngày thanh thản bên gia đình, đắm mình trong ánh nắng ấm áp, hay vui đùa cùng cháu nhỏ, ngắm các cháu nô đùa bên cạnh.
Nhưng tôi vẫn cảm nhận cô như mới hôm qua, vẫn ngồi nơi lớp 5A của Trường Tiểu học Wanquan đọc vang bài học với giọng ấm áp, truyền cảm. Đôi mắt sáng trong, hiền hòa và ấm áp của cô, tựa như ánh dương soi sáng, mãi mãi trường tồn cùng thời gian.
--------------
• Chú thích:
(1): Hồng Vân (Hongyun) và Hồng Nhuận (Hongrun) trong tiếng Trung có cách phát âm gần giống nhau.
Hạ An (Dịch từ tiếng Trung)