METRO SỐ 1 Khát vọng đổi mới

Metro số 1 là niềm tự hào của TP HCM. Đây không chỉ là công trình giao thông mà còn là biểu tượng cho khát vọng đổi mới, hiện đại hóa của thành phố

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành từ ngày 22-12-2024. Thành quả từ sự nỗ lực bền bỉ qua nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố cũng đến ngày đơm hoa kết trái, đưa tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố chuyển bánh.

Tự hào

Thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) - đơn vị vận hành tuyến metro số 1, trong tuần đầu tiên vận hành chính thức từ ngày 22 đến 29-12-2024, đã có 908.108 lượt hành khách đi tàu. Ngày 29-12 ghi nhận kỷ lục 200.948 lượt khách, vượt kế hoạch 516,1%.

Tính đến hết ngày 29-12, metro số 1 phục vụ 1.562 chuyến tàu, vượt dự tính 22 chuyến. Số chuyến tăng thêm chủ yếu để đáp ứng lượng hành khách tăng đột biến vào các ngày đầu khai trương và dịp lễ Giáng sinh.

Niềm vui của người dân khi được trải nghiệm metro cũng góp thêm gam màu tích cực cho dự án.

Thường ngày, anh Nguyễn Trương Nhân (23 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) mất gần 1 giờ để di chuyển bằng xe máy vào trung tâm TP HCM làm việc do kẹt xe nhưng nay thì đã khác. "Tôi thử đi metro và chỉ sau 20 phút là đến nơi. Tàu chạy êm, không gian thoáng mát, mình lại có thời gian đọc tin tức hoặc kiểm tra công việc trong lúc di chuyển" - anh Nhân hồ hởi.

Cao Minh (19 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), sinh viên Trường Đại học Sài Gòn, rất hào hứng với tuyến metro mới. Minh bảo: "Trước đây, em mất gần 50 phút đi xe buýt để đến trường nhưng giờ tiết kiệm hơn một nửa thời gian. Từ ga metro, mọi người dễ dàng kết nối với các phương tiện khác như xe điện, Grab hoặc xe buýt, vừa tiện lợi lại tiết kiệm chi phí".

Còn ông Trần Văn Hưng (SN 1967, ngụ quận 1) chia sẻ: "17 năm là khoảng thời gian rất dài nhưng cuối cùng chúng tôi cũng được chứng kiến và trải nghiệm metro tại thành phố mình. Ngồi trên tàu điện, cảm giác thật tự hào và sung sướng. Tôi mong thành phố sẽ có thêm nhiều tuyến metro nữa trong tương lai".

Quả thực, sau 17 năm chờ đợi, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức lăn bánh đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của người dân thành phố. Trong buổi làm việc với Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) vào chiều 27-12-2024, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định: Metro số 1 là niềm tự hào của thành phố, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong phát triển giao thông đô thị. Đây không chỉ là công trình giao thông mà còn là biểu tượng cho khát vọng đổi mới, hiện đại hóa của thành phố.

17 tàu metro số 1 chính thức vận hành từ ngày 22-12-2024

17 tàu metro số 1 chính thức vận hành từ ngày 22-12-2024

Diện mạo mới

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, để khai thác hiệu quả tuyến metro số 1, thành phố đã và đang triển khai mô hình giao thông đa phương thức, tăng cường kết nối metro số 1 với các phương tiện công cộng như xe buýt, GrabBike, xe đạp công cộng, xe 2 tầng thoáng nóc, xe điện 4 bánh và cả buýt đường sông. Trong đó, 17 tuyến xe buýt mới đều sử dụng năng lượng điện, phương tiện hiện đại, trang bị hệ thống giám sát hành trình, thông báo trạm tự động và soát vé thông minh.

Ông Lê Văn Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải, nhấn mạnh sự kết nối đồng bộ giữa các loại hình giao thông là chìa khóa cho hiệu quả vận hành tuyến metro số 1. "Việc kết nối các phương tiện như xe buýt, GrabBike hay các phương tiện giao thông công cộng khác là một hệ sinh thái cần thiết, giúp người dân dễ dàng sử dụng metro mà không cần phụ thuộc vào phương tiện cá nhân" - ông Đạt nói.

Nhờ phương thức kết nối đa dạng, hành khách trải nghiệm metro số 1 liên tục tăng trong những ngày đầu khai thác. Các nhà ga trung tâm thành phố như ga Bến Thành, ga Nhà hát Thành phố, ga Ba Son luôn tấp nập khách ra vào.

Không chỉ vậy, từ khi tuyến metro số 1 chính thức vận hành, khu vực quanh chợ Bến Thành như được thổi sinh khí mới. Đây vốn là điểm đến quen thuộc của người dân TP HCM và du khách nước ngoài. Sự xuất hiện của metro đã thu hút lượng lớn người ghé thăm, khiến khu vực này trở nên nhộn nhịp hơn. Ông Nguyễn Văn Tâm, một tiểu thương kinh doanh đồ lưu niệm tại chợ Bến Thành, khoe: "Từ ngày metro chạy thử đến nay, khách đến đây đông hơn hẳn. Khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm, thưởng thức ẩm thực cũng nhiều hơn".

Cũng nhờ sự thuận tiện của tuyến metro số 1, khu vực trung tâm TP HCM, các khu du lịch khác như Văn Thánh, Suối Tiên… trở thành điểm đến lý tưởng cho người dân vào dịp cuối tuần.

Đông đảo người dân trải nghiệm tàu điện ngầm trong những ngày đầu vận hành tuyến metro số 1

Đông đảo người dân trải nghiệm tàu điện ngầm trong những ngày đầu vận hành tuyến metro số 1

Kỳ vọng metro số 1 đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng cho người dân thành phố

Kỳ vọng metro số 1 đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng cho người dân thành phố

Chờ thời gian kiểm chứng

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, việc vận hành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt đô thị, kỳ vọng tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, giao thông của TP HCM. Tuy nhiên, phải chờ thời gian kiểm chứng mới có thể đánh giá chính xác các tác động này.

Theo TS Nguyên, kỳ vọng metro giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông là điều khó đạt được. Kẹt xe vẫn là một bài toán lớn chưa có lời giải. Bên cạnh đó, việc thu hồi vốn từ tuyến metro với tổng vốn đầu tư hơn 43.000 tỉ đồng và thời gian xây dựng kéo dài 12 năm cũng là một thách thức. Lượng hành khách sử dụng thực tế, tần suất vận hành và sự thu hút lâu dài của tuyến metro sẽ quyết định thời gian hoàn vốn.

TS Nguyên nhấn mạnh để đánh giá giá trị kinh tế, cần phân tích dài hạn về nguồn thu từ vé, chi phí vận hành và thời gian hoàn vốn. Ngoài ra, giá trị vô hình mà metro mang lại là thúc đẩy kinh tế dọc theo tuyến đường qua mô hình phát triển đô thị TOD (Transit-Oriented Development). TP HCM đã quy hoạch 11 điểm TOD dọc tuyến metro số 1 nhưng hiệu quả của mô hình này cũng cần thời gian kiểm chứng.

"Mô hình TOD gắn kết đô thị với giao thông công cộng nhằm tạo ra các khu vực sống và làm việc tiện nghi, giảm sử dụng phương tiện cá nhân. Hiệu quả của TOD phụ thuộc vào sự kết nối giữa metro và các khu vực xung quanh. Nếu metro số 1 không đủ tiện lợi, khả năng thúc đẩy TOD sẽ bị hạn chế, thậm chí có thể xảy ra rủi ro lỗ vốn.

Một vấn đề lớn khác đặt ra là metro số 1 sẽ đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu đi lại và liệu có tạo ra sự khác biệt đáng kể hay không? Giới chuyên môn cho rằng với tần suất 8-12 phút mỗi chuyến như hiện nay của metro số 1 là vẫn còn thấp và chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay, các tuyến xe buýt chạy với tần suất rất cao nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 10%-20% nhu cầu đi lại của người dân.

Theo TS Nguyên, tuyến metro số 1 mang đến nhiều hy vọng nhưng cũng đặt ra thách thức về giá trị kinh tế - xã hội, hiệu quả dài hạn, đặc biệt trong việc thúc đẩy các dự án TOD, sẽ phụ thuộc vào cách vận hành, khả năng kết nối và sự hấp dẫn đối với người dân.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ban, ngành và đơn vị vận hành cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vận hành hiệu quả tuyến metro số 1, đồng thời nghiên cứu đóng góp cho việc mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố với tổng chiều dài dự kiến hơn 350 km.

Bài và ảnh: NGỌC QUÝ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/metro-so-1-khat-vong-doi-moi-196241231192120836.htm
Zalo