'Mẹ của mọi cuộc thương chiến' - sai lầm khiến nước Mỹ lãnh hậu quả tàn khốc

Với chính sách thuế quan của chính quyền ông Trump hiện tại, một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu được dự báo đang manh nha. Và nếu nhìn vào quá khứ, người Mỹ có thể sẽ không mấy vui về điều này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chấn động với chính sách thuế. Ảnh: Politico

Chính quyền của Tổng thống Trump ngày 10/4 tuyên bố áp thuế đối với nhiều mặt hàng của Trung Quốc lên tới 145%. Một ngày sau, Bắc Kinh tuyên bố đáp trả bằng tổng mức thuế 125%.

Mỹ cũng đang trên bờ vực của một cuộc chiến thương mại với Canada và Mexico. Tháng 4/2025, ông Trump áp thuế với Liên minh châu Âu (EU) và EU cũng đáp trả bằng đòn thuế. Dù hiện tại, EU và Mỹ đều hoãn áp thuế đối ứng với nhau trong 90 ngày để đàm phán, nhưng đòn thuế trả đũa của EU vẫn còn bỏ ngỏ, phòng trường hợp không đạt thỏa thuận với Washington.

Theo các nhà sử học kinh tế, tình trạng căng thẳng thương mại hiện tại có nhiều điểm tương đồng với một giai đoạn trong lịch sử Mỹ, khi Đạo luật Thuế quan năm 1930 (hay còn gọi là Đạo luật Smoot-Hawley) ra đời. CNBC nhận định, đạo luật này đã gây ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện và làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái ở thập niên 30.

“Smoot-Hawley là một trong những đạo luật thuế quan gây tranh cãi nhất từng được Quốc hội Mỹ ban hành”, ông Doug Irwin - giáo sư kinh tế tại Đại học Dartmouth (Mỹ) - viết vào năm 2020.

"Đó cũng là lần gần nhất Mỹ tham gia một cuộc chiến thương mại quy mô lớn trước nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump", CNBC hồi tháng 2/2025 dẫn lời ông Kris James Mitchener, giáo sư kinh tế tại Đại học Santa Clara (Mỹ).

“Smoot-Hawley đã châm ngòi cho 'mẹ của mọi cuộc thương chiến'", giáo sư Mitchener nhấn mạnh.

“Sai lầm nghiêm trọng”

Ông Herbert Hoover. Ảnh: Politico

Mùa xuân năm 1930, hơn 1.000 nhà kinh tế trên khắp nước Mỹ cùng ký tên vào một bức thư kêu gọi Tổng thống Herbert Hoover phủ quyết một dự luật thuế quan đang được Thượng viện xem xét.

Họ cảnh báo, dự luật này sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Nó không chỉ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu trong bối cảnh suy thoái kinh tế nghiêm trọng (sau này được gọi là cuộc Đại Suy thoái), mà còn có nguy cơ châm ngòi cho làn sóng trả đũa thuế quan từ các nước khác.

Tuy nhiên, đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley - đặt theo tên hai nghị sĩ Cộng hòa Reed Smoot (bang Utah) và Willis C. Hawley (bang Oregon) - vẫn chính thức trở thành luật vào ngày 17/6/1930, sau khi Thượng viện cùng Hạ viện phê duyệt và ông Hoover ký thông qua.

Theo Washington Post, Paul H. Douglas - giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago (Mỹ), người từng ký vào bức thư phản đối đạo luật - cay đắng thừa nhận: “Tất cả những gì chúng tôi dự báo đều trở thành sự thật”.

Đạo luật Smoot-Hawley tăng thuế nhập khẩu trung bình từ 40% lên gần 60% đối với hơn 800 mặt hàng, từ nông sản đến công nghiệp, theo ABC News.

Mục tiêu ban đầu là bảo vệ nông dân Mỹ, nhưng áp lực từ các ngành công nghiệp đã biến đạo luật Smoot-Hawley thành "bản hợp xướng của các nhóm lợi ích", giáo sư Irwin nhận định.

Giáo sư Kris Mitchener (Đại học Santa Clara) nhấn mạnh: "Smoot-Hawley là kết quả của một quá trình vận động hành lang ráo riết. Các ngành công nghiệp thi nhau đòi hỏi sự bảo hộ, và Quốc hội đã nhượng bộ".

Hậu quả tàn khốc

Những người đàn ông ăn bánh mì và súp miễn phí vào thời điểm kinh tế suy thoái ở Mỹ năm 1929. Ảnh: BBC

“Không ai thắng trong một cuộc chiến thương mại cả", Washington Post dẫn lời giáo sư Kris Mitchener, làm việc tại Đại học Santa Clara (Mỹ) - người nghiên cứu tác động của đạo luật Smoot-Hawley, nhận định trong một email. “Tất cả các bên đều phải trả giá".

Ngay sau khi Smoot-Hawley có hiệu lực, Canada, Pháp, Tây Ban Nha và hàng chục quốc gia khác áp thuế trả đũa Mỹ.

Theo ABC News, Canada đánh thuế 16 mặt hàng chiếm 1/3 xuất khẩu Mỹ; Pháp và Tây Ban Nha nhắm vào ô tô – ngành công nghiệp then chốt của Mỹ. Hậu quả là thương mại toàn cầu sụt 66% trong giai đoạn 1929-1934, GDP Mỹ giảm gần 30%, thất nghiệp lên tới 25%.

Giáo sư Kris Mitchener (Đại học Santa Clara) nhận định: "Smoot-Hawley không gây ra Đại suy thoái, nhưng nó như đổ dầu vào lửa".

Theo Washington Post, chỉ số Dow Jones từ 220 điểm (6/1930) tụt xuống dưới 50 điểm (6/1932), phải mất 20 năm để phục hồi. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, xuất khẩu của nước này giảm còn 1/3 so với thời kỳ trước khi có đạo luật Smoot-Hawley.

"Khi các nước đóng cửa thị trường, Mỹ mất đi động lực tăng trưởng quan trọng. Đó là vòng xoáy đi xuống không lối thoát", ABC News dẫn phân tích của giáo sư Irwin.

Theo ABC News, có hàng nghìn ngân hàng phá sản và hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, trong khi hàng triệu người Mỹ mất nhà cửa.

Hậu quả chính trị mà đạo luật Smoot-Hawley để lại cũng nặng nề. Đảng Cộng hòa thua lớn trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1930. Hai năm sau, ông Hoover bị ứng viên Franklin D. Roosevelt đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống.

Hai nghị sĩ đảng Cộng hòa Smoot và Hawley cũng mất ghế, đánh dấu sự kết thúc sự nghiệp chính trị của họ.

Đòn thuế và tác động gây tranh cãi

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

Tháng 4/2025, khi tuyên bố kế hoạch áp thuế đối ứng của Mỹ, ông Trump đã nhắc đến đạo luật Smoot-Hawley.

“Họ đã cố đưa thuế quan trở lại để cứu đất nước, nhưng mọi thứ đã sụp đổ. Đã quá muộn. Không còn cách nào xoay chuyển tình thế - và phải mất rất nhiều năm mới thoát ra được khỏi cuộc suy thoái đó", ông Trump nói.

Theo ABC News, qua phát biểu trên, Tổng thống Mỹ cho rằng nước Mỹ từng được xây dựng trên nền tảng thuế nhập khẩu cao, và nếu tiếp tục duy trì chính sách đó thay vì thay đổi sau năm 1913 (thời điểm áp dụng thuế thu nhập liên bang, bỏ áp thuế nhập khẩu cao), thì có thể đã tránh được cuộc khủng hoảng năm 1929. Tuy nhiên, các nhà sử học kinh tế không đồng tình với ý kiến này.

Gary Richardson, giáo sư kinh tế tại Đại học California, Irvine, khẳng định rằng Mỹ từng duy trì thuế cao để thúc đẩy công nghiệp nội địa, nhưng sau Thế chiến II – khi trở thành siêu cường kinh tế – chính Washington lại thúc đẩy một hệ thống thương mại tự do toàn cầu, áp thuế nhập khẩu thấp vì điều đó có lợi cho Mỹ.

Theo Washington Post, các nhà kinh tế cũng nhận định rằng kế hoạch áp thuế mới của ông Trump có thể sẽ gây tác động lớn hơn nhiều so với đạo luật Smoot-Hawley năm xưa, cả với nền kinh tế Mỹ lẫn thương mại toàn cầu.

“Tỷ trọng thương mại trong GDP ngày nay lớn hơn rất nhiều, và chuỗi cung ứng toàn cầu hiện phụ thuộc nặng nề vào hàng hóa trung gian", giáo sư Doug Irwin cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Tác động từ chính sách thuế mới của ông Trump được cảnh báo là rất lớn. Ảnh: TOI

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu chiếm khoảng 11% GDP của Mỹ vào năm 2023, trong khi vào năm 1929, con số này chỉ khoảng 5% - cho thấy nền kinh tế hiện tại dễ tổn thương hơn nhiều trước các cú sốc thương mại.

Giáo sư Kris Mitchener lưu ý rằng mức thuế mà ông Trump đề xuất cũng cao vượt trội so với thập niên 30: “Nếu được triển khai, mức thuế trung bình sẽ tăng vọt từ khoảng 2% lên 24%, tức là gấp 12 lần, ”trong khi ở thời của đạo luật Smoot-Hawley, thuế trung bình chỉ tăng từ 36% lên 41% - mức tăng chỉ khoảng 5 điểm phần trăm".

Ông Mitchener cảnh báo rằng: “Nếu các đối tác thương mại lớn của Mỹ trả đũa bằng mức thuế tương tự, như mô hình thuế đối ứng mà ông Trump đề xuất, thì lưu chuyển thương mại toàn cầu sẽ bị giáng một đòn nặng".

Tuy nhiên, vị giáo sư cũng để ngỏ khả năng rằng chính quyền Trump có thể dùng thuế quan như một con bài mặc cả, chứ không nhất thiết là biện pháp cố định.

Một số nhà kinh tế học cũng cho rằng nền kinh tế hiện đại có khả năng phục hồi nhanh hơn, đồng thời thuế quan có mục tiêu có thể không gây ra tác động thảm khốc như dưới thời đạo luật Smoot-Hawley.

----------------------

Chính trị Mỹ từng ghi nhận một trường hợp tổng thống ký một đạo luật thuế – vài tháng sau, ông mất chức. Cuộc khủng hoảng thuế sau đó đã dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, trong đó có việc một bang bất tuân đạo luật và dọa ly khai. Vì sao một đạo luật thuế bảo hộ tưởng chừng như rất bình thường lại gây ra cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có như vậy? Bài tiếp theo, đăng sáng 21/4, sẽ giúp độc giả hiểu rõ thêm phần nào về vấn đề này.

Nguyễn Thái - Washington Post, ABC News, CNBC

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/me-cua-moi-cuoc-thuong-chien-sai-lam-khien-nuoc-my-lanh-hau-qua-tan-khoc-204252004045207323.htm
Zalo