Cuộc phản công đối với đòn thuế quan của ông Trump

Hàng loạt vụ kiện đang nổi lên để thách thức tính hợp pháp của thuế quan do ông Trump áp đặt, hứa hẹn tạo ra bước ngoặt pháp lý về quyền lực tổng thống và vai trò của Quốc hội Mỹ.

Trong khi chính quyền Trump tiếp tục thúc đẩy các hàng rào thuế quan gây chấn động toàn cầu nhằm thực hiện tuyên bố sẽ phục hồi “vị thế thương mại siêu cường” của Mỹ, một cuộc phản công âm ỉ nhưng ngày càng quyết liệt đã xuất hiện trên mặt trận pháp lý.

Các vụ kiện liên tiếp được đệ trình lên các tòa án liên bang đang đe dọa nghiêm trọng đến tính hợp pháp và tương lai của chính sách thuế quan đầy tranh cãi mà ông Trump khởi xướng dựa trên Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) – một đạo luật gần như ít được biết đến trước đây.

Mới đây, Thống đốc bang California Gavin Newsom đã chính thức gia nhập làn sóng phản đối bằng việc khởi kiện chính quyền liên bang tại một tòa án liên bang ở California.

Ông Newsom không hề đơn độc. Trước đó, các tổ chức và nhóm lợi ích như Liên minh Tự do Dân sự Mới tại Florida, Trung tâm Công lý Liberty tại Tòa án Thương mại Quốc tế, và đại diện người dân tộc thiểu số Blackfeet tại Montana đều đã lần lượt khởi kiện với trọng tâm xoay quanh tính hợp hiến của việc áp dụng IEEPA cho chính sách thuế quan toàn cầu.

Điều đặc biệt đáng chú ý là các vụ kiện này không chỉ dựa trên lập luận pháp lý sắc bén mà còn khai thác chính những học thuyết mà các thẩm phán bảo thủ - những người được chính ông Trump bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao - đã nhiều lần khẳng định trong các phán quyết trước đó.

Một đạo luật thời chiến

IEEPA vốn được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối thập niên 1970, như một nỗ lực nhằm hạn chế quyền lực hành pháp trong các tình huống kinh tế khẩn cấp sau khi nước Mỹ chứng kiến sự lạm dụng quyền lực thời chiến.

Tuy nhiên, chính ông Trump lại sử dụng đạo luật này như một công cụ để áp đặt thuế quan trừng phạt mà không cần phải thông qua điều tra hành chính hay tham vấn Quốc hội – một điểm khác biệt lớn so với các đạo luật thương mại truyền thống.

 Thống đốc bang California Gavin Newsom cùng nhiều tổ chức đã khởi kiện chính quyền liên bang về việc áp dụng IEEPA cho chính sách thuế quan toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Thống đốc bang California Gavin Newsom cùng nhiều tổ chức đã khởi kiện chính quyền liên bang về việc áp dụng IEEPA cho chính sách thuế quan toàn cầu. Ảnh: Reuters.

“Đây là một sự tiếm quyền lập pháp ở quy mô khổng lồ”, giáo sư luật Ilya Somin từ Đại học George Mason, người đại diện pháp lý cho Trung tâm Công lý Liberty, nhận định trên Politico.

“Nếu vụ kiện được xét xử dựa trên bản chất pháp lý chứ không phải các thủ tục kỹ thuật, chúng tôi tin rằng có khả năng nhận được đủ 5 phiếu thuận từ Tòa án Tối cao”, ông cho biết thêm.

Vụ kiện pháp lý chống lại thuế quan thực ra khá rõ ràng, dù cách lập luận trong bốn vụ kiện có phần khác nhau, nhưng đều xoay quanh bốn điểm chính:

Hiến pháp trao quyền đánh thuế và thiết lập thuế quan cho Quốc hội. Việc trao quyền cho tổng thống chỉ hợp lệ khi có cơ sở pháp lý rõ ràng từ các đạo luật - điều mà IEEPA không cung cấp, đặc biệt khi đạo luật này không hề đề cập đến từ “thuế” hay “thuế quan”.
Chưa từng có tổng thống nào sử dụng IEEPA để áp thuế. Đạo luật này vốn được dùng để trừng phạt kinh tế như cấm giao dịch với chính quyền hoặc công ty nước ngoài.
Điều kiện áp dụng IEEPA là phải tồn tại “tình trạng khẩn cấp”, “mối đe dọa khác thường và nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại hoặc nền kinh tế Mỹ”. Tuy nhiên, việc viện dẫn cuộc khủng hoảng opioid, nhập cư bất hợp pháp (như lý do áp thuế Canada, Mexico và Trung Quốc) cho đến thâm hụt thương mại (để biện minh cho các thuế quan toàn cầu) là thiếu cơ sở thực tế .
IEEPA được thông qua để hạn chế quyền lực tổng thống, chứ không mở rộng nó.

Trên thực tế, các chuyên gia cũng nhiều lần bác bỏ tính hợp lý về việc ông Trump tuyên bố thâm hụt thương mại là tình trạng khẩn cấp để làm lý do áp thuế diện rộng.

“Thâm hụt thương mại chẳng hề gây hại gì - cũng giống như việc tôi có ‘thâm hụt’ với siêu thị địa phương. Tôi mua rất nhiều từ họ, nhưng họ thì chẳng mua gì từ tôi”, giáo sư Somin ví von.

Mâu thuẫn giữa lập trường bảo thủ và thực tiễn chính trị

Điều trớ trêu là chính các thẩm phán bảo thủ – những người thường đề cao chủ nghĩa văn bản (textualism) và phản đối việc sử dụng lịch sử lập pháp để diễn giải luật – lại có thể bị buộc phải bác bỏ chính sách thuế quan của ông Trump nếu nhất quán với nguyên tắc của họ.

Một trong những học thuyết nổi bật mà phe bảo thủ đề cao là “nguyên tắc không ủy quyền” (nondelegation doctrine) – khẳng định rằng Quốc hội không thể ủy quyền lập pháp cho nhánh hành pháp.

Năm trong số các thẩm phán bảo thủ đã phát tín hiệu sẵn sàng áp dụng học thuyết này mạnh mẽ hơn trong tương lai. Nếu áp dụng, điều đó có thể dẫn đến phán quyết rằng việc ông Trump sử dụng IEEPA để áp thuế là vi hiến.

 Tổng thống Donald Trump đã viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) để ký hàng loạt sắc lệnh về thuế quan. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Donald Trump đã viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) để ký hàng loạt sắc lệnh về thuế quan. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, học thuyết “câu hỏi lớn” (major questions doctrine), từng được Tòa án Tối cao sử dụng để bác bỏ các quyết định hành pháp vượt quá giới hạn kinh tế - chính trị, cũng đang được viện dẫn.

Trong những trường hợp đó, Tòa yêu cầu phải có sự ủy quyền rõ ràng từ Quốc hội; nếu không, Tổng thống sẽ bị coi là vượt quyền.

Vấn đề là: không có sự ủy quyền rõ ràng nào trong trường hợp này, trong khi thuế quan của ông Trump hiển nhiên mang tầm ảnh hưởng kinh tế - chính trị đặc biệt lớn.

Điển hình, khi Tòa án Tối cao bác bỏ kế hoạch xóa nợ sinh viên của Tổng thống Joe Biden, các thẩm phán bảo thủ đã viện dẫn mô hình dự báo từ Đại học Pennsylvania, cho thấy kế hoạch đó sẽ tiêu tốn khoảng 500 tỷ USD tiền thuế của người dân.

Trong khi đó, các ước tính từ Đại học Yale cho thấy chính sách thuế quan của ông Trump có thể làm mất gần 800.000 việc làm, tăng lạm phát và khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 180 tỷ USD mỗi năm – được cho là đủ để thuyết phục bất kỳ thẩm phán nào rằng đây là một “câu hỏi lớn”.

Khoảng lặng có tính toán

Một điều gây bất ngờ là cho đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn và tổ chức thương mại – đặc biệt là Phòng Thương mại Mỹ – vẫn đứng ngoài các vụ kiện này. Theo Politico, các doanh nghiệp có thể cho rằng chiến lược pháp lý không hiệu quả, hoặc lo ngại gây thù địch với chính quyền Trump – từ đó làm mất cơ hội vận động hành lang để được miễn trừ hoặc điều chỉnh.

Dẫu vậy, sự im lặng này có thể đã vô tình mở đường cho ông Trump thực hiện chính sách mà không gặp sự phản kháng đáng kể. Việc ông công khai ý định sử dụng IEEPA từ 2 tháng trước Ngày Giải phóng lẽ ra đã có thể thúc đẩy các phản ứng nhanh chóng từ giới kinh doanh.

Nếu có một phán quyết sơ bộ chống lại ông Trump ngay từ đầu, cán cân chính trị tại Quốc hội – nơi các nghị sĩ Cộng hòa vẫn phần lớn ủng hộ chính sách thuế quan – có thể đã thay đổi.

 Tổng thống Donald Trump đã công khai ý định sử dụng IEEPA từ 2 tháng trước Ngày Giải phóng 2/4. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Donald Trump đã công khai ý định sử dụng IEEPA từ 2 tháng trước Ngày Giải phóng 2/4. Ảnh: Reuters.

Tương lai của các vụ kiện vẫn còn bỏ ngỏ. Các tòa án cấp dưới có thể bác đơn hoặc chính quyền Trump có thể chọn không kháng cáo lên Tòa án Tối cao nếu thất bại. Nhưng nếu vụ việc được đưa ra trước 9 thẩm phán tối cao, đó sẽ là một phép thử đầy nghịch lý.

Liệu các thẩm phán bảo thủ sẽ trung thành với lập trường pháp lý của mình hay tiếp tục trao cho ông Trump một chiến thắng chính trị? Năm ngoái, chính họ – với tỷ lệ 6-3 – đã ra phán quyết ủng hộ ông Trump trong vụ án miễn trừ truy tố hình sự, dù phán quyết này bị nhiều chuyên gia luật cho là thiếu căn cứ trong Hiến pháp.

Và nếu họ chọn cách đứng về phía ông Trump lần này, bất chấp những nguyên tắc họ từng đề cao, đó sẽ là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy lý thuyết không còn là kim chỉ nam trong các quyết định của Tòa án Tối cao.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-phan-cong-doi-voi-don-thue-quan-cua-ong-trump-post1547928.html
Zalo