Mẫu điện thoại 200 USD của Trung Quốc khiến Samsung gặp khó tại Đông Nam Á

Thị phần của Samsung tại Đông Nam Á chỉ đạt 18% trong quý 2, giảm khoảng 10% so với đầu năm 2023

Một cửa hàng điện thoại di động ở Manila đang bày bán sản phẩm của Tecno (Ảnh: Nikkei Asia)

Một cửa hàng điện thoại di động ở Manila đang bày bán sản phẩm của Tecno (Ảnh: Nikkei Asia)

Các nhà cung cấp điện thoại thông minh Trung Quốc đã khiến Samsung Electronics gặp khó tại Đông Nam Á khi những chiếc điện thoại giá rẻ có giá khoảng 200 USD ngày càng phổ biến.

Ông Mark Manga, 25 tuổi, đến từ tỉnh Cavite, Philippines, đã mua một chiếc điện thoại thương hiệu Infinix do nhà sản xuất Trung Quốc Transsion Holdings sản xuất với giá 9.999 peso (178 USD).

"Tôi chọn điện thoại Infinix vì bạn tôi gợi ý rằng đây là thương hiệu điện thoại có hiệu suất chơi game tốt. Và đúng là nó hoạt động tốt và rất mượt khi chơi game, ngoài ra hệ điều hành cũng liên tục được cập nhật", ông Mark chia sẻ.

"Có lẽ khía cạnh duy nhất khiến tôi thất vọng là camera của điện thoại. Chất lượng của nó khá mờ, nhưng tôi hiểu rằng điều này phổ biến ở các điện thoại chơi game, vì chúng thực sự tập trung vào đồ họa và hệ thống", ông Mark nói thêm.

Thị trường điện thoại dần thay đổi

Tại một cửa hàng điện thoại di động trong một trung tâm mua sắm ở Manila, các thương hiệu như Transsion của Trung Quốc đang được bày bán ngày một nhiều. Chúng có giá từ dưới 8.000 peso (142 USD) đến hơn 20.000 peso (355 USD).

Theo một nhân viên bán hàng, điện thoại Transsion có dung lượng lớn và hiệu suất xử lý cao với mức giá hợp lý và đặc biệt phổ biến trong giới thanh thiếu niên và những người ngoài 20 tuổi thích chơi game.

Theo Canalys, Transsion đang dẫn đầu thị trường Philippines trong quý 2 với 31% thị phần. Hãng điện thoại này hiện đang bỏ xa Samsung - đứng thứ hai với chỉ 15% thị phần.

 Thị phần của các hãng smartphone tại thị trường Đông Nam Á (Ảnh: Nikkei Asia)

Thị phần của các hãng smartphone tại thị trường Đông Nam Á (Ảnh: Nikkei Asia)

Ở Đông Nam Á nói chung, Transsion xếp thứ năm với 14% thị phần. Công ty này đã nhanh chóng mở rộng thị phần kể từ năm 2023 trong khi nhiều năm trước hãng công nghệ này gần như vô danh.

Chiến lược phát triển của các nhà sản xuất điện thoại hàng đầu

Tecno, công ty con của Transsion, đã công bố vào tháng 6 về quan hệ đối tác với Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore. Họ sẽ hợp tác trong các cuộc khảo sát về sở thích văn hóa với mục tiêu là áp dụng các kết quả vào việc phát triển sản phẩm hướng đến thị trường Đông Nam Á.

Thị trường điện thoại thông minh Đông Nam Á đang phục hồi sau nhiều năm suy thoái. Theo Canalys, lượng hàng xuất xưởng trong quý 2 đạt tổng cộng 23,9 triệu chiếc, đánh dấu quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng theo năm. Những công ty Trung Quốc như Transsion đang dẫn đầu xu hướng phục hồi này.

Oppo đã ra mắt A60, một chiếc điện thoại thông minh nhắm đến các thị trường quốc tế vào tháng 4 vừa qua. Theo đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên nhận được thiết bị này.

Mẫu điện thoại A60 có giá phải chăng, khởi điểm từ 5,49 triệu đồng (223 USD). Ở Malaysia và Indonesia, giá khởi điểm ở mức tương đương.

Xiaomi cũng đang mở rộng kế hoạch cung cấp điện thoại thương hiệu Redmi giá rẻ tại Đông Nam Á.

Trước những thành quả này, thị phần của Samsung tại Đông Nam Á chỉ đạt 18% trong quý 2, giảm khoảng 10% so với đầu năm 2023. Được biết, Samsung có thế mạnh ở phân khúc điện thoại cao cấp có giá từ 600 USD trở lên.

Samsung hiện muốn duy trì vị thế nổi bật của mình ở Đông Nam Á bằng cách quảng cáo các tính năng trí tuệ nhân tạo đối với các mẫu máy Galaxy. Nhưng các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc cũng đang mở rộng danh mục sản phẩm từ điện thoại giá rẻ tới các sản phẩm cao cấp hơn.

Xiaomi đang tập trung vào các mô hình có giá trị gia tăng kết hợp AI.

"Đầu tiên, chúng tôi sẽ chủ động tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao tại Trung Quốc, sau đó mở rộng ra nước ngoài", một giám đốc điều hành của Xiaomi cho biết.

Cuộc đua hướng tới tương lai: Apple và các xu hướng mới

Apple, công ty không nằm trong danh sách năm nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu ở Đông Nam Á, cũng đang có kế hoạch quay trở lại thị trường đầy tiềm năng này. Tổng giám đốc điều hành Tim Cook đã đến thăm Đông Nam Á vào tháng 4. Ông bày tỏ mong muốn tăng cường đầu tư và nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này như một trung tâm sản xuất.

Apple cũng đang liên tục mở rộng mạng lưới phân phối của mình tại Đông Nam Á, với mục tiêu thúc đẩy doanh số bán iPhone. Công ty đã mở Apple Store đầu tiên của Malaysia vào tháng 6 này tại Kuala Lumpur.

Apple dự kiến sẽ ra mắt dòng iPhone 16 vào ngày 10/9 và dự kiến sẽ mở rộng nhu cầu về điện thoại tại Đông Nam Á trong thời gian tới.

Canalys nhận thấy nhu cầu về các thiết bị cao cấp ở Đông Nam Á được thúc đẩy một phần bởi việc người tiêu dùng trẻ tuổi chi tiêu nhiều hơn - một xu hướng có thể ảnh hưởng lớn đến bối cảnh cạnh tranh của các gã khổng lồ công nghệ.

Theo Nikkei Asia

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/mau-dien-thoai-200-usd-cua-trung-quoc-khien-samsung-gap-kho-tai-dong-nam-a-post177983.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo