Màu áo xanh

Cầm bước đến, không nói một lời, ôm chầm lấy Thành. Cô hôn tới tấp vào ngực chồng, lưng chồng và vít cả người anh xuống để hôn lên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của anh. Thành nhìn vợ, tim anh thắt lại. Bao năm xa cách, những nhớ thương, lo âu giờ như đã không còn nữa, chỉ còn những giọt nước mắt hạnh phúc đang lấp lánh trong đôi mắt Cầm.

Trong ánh nắng chiều vàng nhạt, Thành đứng lặng người nhìn về phía chân trời xa xăm. Anh đã trở về từ chiến trường, về với quê hương sau bao năm dài xa nhà đi chiến đấu. Cảnh đồng quê mênh mông, tiếng gió lùa qua hàng tre rì rào tạo nên một bản nhạc dịu dàng, thân thuộc quá. Nhưng, đâu đó, trong lòng anh, những hình ảnh chiến tranh vẫn như thước phim quay chậm, khắc sâu vào tâm khảm.

Thành là một người lính trở về từ cuộc chiến. Nhiều năm trước, khi đất nước đang ở vào giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh, anh là một thanh niên tràn đầy sức trẻ, rời xa quê hương, lên đường làm người lính. Những ngày tháng nơi chiến trường gian khổ vô cùng. Những cuộc hành quân xuyên rừng, những đêm canh giữ chốt trong tiếng súng địch nổ vang trời... tất cả đều trở thành ký ức mà anh không thể nào quên.

Trong trận đánh phối hợp với đơn vị bạn, nhằm tiêu hao sinh lực địch để cánh quân chủ lực của ta tiến về giải phóng Sài Gòn, Thành và tiểu đội của mình đã phục kích giặc trong một cánh rừng. Dưới bầu trời đêm đen thẫm không trăng, không gian tĩnh mịch, chỉ có tiếng côn trùng rả rích và những cơn gió lạnh lùa qua tán lá, khiến không gian càng thêm âm u, bí ẩn, Thành cùng đồng đội ẩn mình giữa những lùm cây rậm rạp, ánh mắt căng thẳng dõi theo từng chuyển động nhỏ nhất của địch phía trước. Anh cảm nhận được từng nhịp đập của tim mình, chậm rãi nhưng mạnh mẽ.

Trong bóng tối dày đặc, chỉ có ánh sáng mờ mờ từ những vì sao ẩn sau vòm cây, đủ để anh thấy khuôn mặt đồng đội mình xung quanh. Cạnh anh là Tùng, chàng lính trẻ nhất, mới được bổ sung vào đơn vị anh hơn một năm nay, đang khẽ cựa mình. Thật tình cờ, chàng lính trẻ ấy lại là người cùng làng với Thành. Tùng là người có dáng người gầy gò nhưng rất nhanh nhẹn, ánh mắt lúc nào cũng sáng như ngọn lửa nhỏ. Cậu rất thích hát chèo. Những lúc chưa đánh trận, ở nơi đóng quân, vừa lau súng, Tùng vừa hát mấy lời chèo theo điệu Đào liễu cho anh em trong đơn vị nghe. Tiếng hát của Tùng cứ lanh lảnh vang lên. Điệu Đào liễu tha thiết, át cả tiếng súng của giặc chốc chốc lại ì ùng vọng đến.

Tùng có một chiếc túi nhỏ luôn đeo bên mình và cậu gọi nó là "Túi mai sau". Không biết trong đó đựng những gì nhưng Tùng rất quý nó. Cậu thường nói với Thành: “Mất cái túi này em tiếc lắm, anh ạ!”. Khi Thành hỏi: “Gì mà quý thế?” thì Tùng cho anh xem. Bên trong cái túi ấy, Tùng cất giữ tấm ảnh cũ của mẹ, tấm ảnh đã bị cháy sém một góc khi nhà cậu bị bom dội năm nào và một chiếc khăn tay của người con gái cậu yêu, vài mẩu giấy viết nguệch ngoạc những dự định của Tùng: “Mua cát-sét mới cho mẹ, sửa nhà, cưới vợ, làm ao cá, mở lớp học miễn phí cho bọn trẻ trong làng...”.

Trong một lần hai anh em ngồi gác đêm, Tùng thì thầm với Thành: “Anh biết không... mỗi lần nhớ quê là em nghĩ ngay đến mẹ. Bố em mất sớm rồi, nhà chỉ có hai mẹ con. Một mình mẹ chịu bao vất vả để nuôi em khôn lớn nên em thương mẹ lắm. Hai mẹ con em thích nghe hát chèo và thích nhất là làn điệu Đào liễu, anh ạ. Lúc tòng quân, mẹ còn dặn em: Chiến thắng trở về, nhớ mua cái radio mới để hai mẹ con nghe hát chèo cho thỏa thích!...”.

Minh họa: Đào Quốc Huy

Minh họa: Đào Quốc Huy

Rồi chàng lính trẻ mỉm cười:

- Em nhớ mẹ quá! Mỗi lần viết gì bỏ vào “Túi mai sau”, em đều tưởng tượng mẹ sẽ đọc được đấy!

Đêm nay, cả đơn vị phục kích giặc trong cánh rừng nhỏ. Lúc này, Thành và đồng đội đang căng mắt dõi theo từng chuyển động của địch. Tùng khẽ thì thầm:

- Anh Thành, chắc đánh xong trận này, em sẽ về cưới vợ cho mẹ nhờ thôi. Em đã viết thư hứa với mẹ như thế!

Thành quay sang, thấy đôi mắt Tùng ánh lên vẻ háo hức xen lẫn lo âu trong màn đêm. Anh cười nhẹ, vỗ vai cậu:

- Nhất định là thế, chúng ta sẽ về! Nhưng, trước tiên, phải sống sót đã, cậu hiểu không?

Tùng mím môi, gật đầu và không nói gì thêm. Người lính trẻ ấy cũng biết rằng, trong chiến tranh, không ai dám chắc điều gì. Một ngày, một giờ hay thậm chí một phút sau, số phận con người có thể rẽ theo một hướng khác. Nhưng, ước mơ về mái ấm gia đình, về tình yêu và hạnh phúc, về những điều tốt đẹp vẫn luôn là động lực để Tùng và đồng đội sẵn sàng chiến đấu, hy sinh.

Đêm dài trôi qua trong sự căng thẳng tột cùng. Đơn vị của Thành được lệnh di chuyển, áp sát đồn giặc. Tất cả lặng lẽ như những chiếc bóng, len lỏi qua từng gốc cây, từng bờ suối, tiến sát mục tiêu hơn. Tùng vẫn luôn bám sát phía sau anh. Cả đơn vị như nín thở, từng bước chân đặt xuống thận trọng, như thể mặt đất cũng có thể phản bội họ bất cứ lúc nào.

Khi tia sáng đầu tiên yếu ớt của một ngày mới vừa rọi ngang bầu trời, đơn vị Thành được lệnh nổ súng. Tiếng còi hiệu tấn công vang lên. Ngay lập tức, cả khu rừng rung chuyển bởi những tiếng nổ dữ dội. Đạn bay rít qua tai, pháo xé toạc không gian. Lửa khói bùng lên khét lẹt, tiếng bọn địch la hét thất thanh...

Lúc này, Thành cùng đồng đội lao lên, khẩu súng chắc trong tay, họ nã đạn vào kẻ thù. Đôi mắt của những người lính chỉ tập trung vào kẻ thù phía trước. Sau lúc bị tấn công bất ngờ, bọn địch đã hoàn hồn và phản công dữ dội. Ánh lửa đạn bùng lên trong màn sương sớm, nhuộm đỏ một góc trời. Thành hét lớn, giọng anh vang lên giữa trận địa rực lửa:

- Tiến lên!... Tiến lên!...

Những người lính đạp rào thép gai, ào ào xông lên. Tiếng súng, tiếng lựu đạn hai bên rền vang như một bản hòa tấu hỗn loạn của chiến tranh. Thành lao về phía trước, chỉ huy đơn vị chiếm từng vị trí quan trọng. Là lính mới nhưng lúc này Tùng vẫn bám sát mục tiêu chiến đấu, chia lửa với đồng đội. Cậu nghe thấy tiếng thét đau đớn của kẻ thù và thấy những đồng đội đang chiến đấu ngay bên cạnh mình ngã xuống. Nhưng, cũng giống như Thành lúc này, Tùng không có thời gian để ngoái lại. Phía trước, cờ Giải phóng đang chờ họ cắm trên đồn địch.

Khi trận đánh đang vào lúc ác liệt nhất thì Thành, vì muốn tiêu diệt ổ đại liên của giặc, đã trượt chân ngã nhào xuống giữa khoảng đồi trống trơ trọi, không có chỗ ẩn nấp, ngay phía trước cứ điểm. Tình thế nguy hiểm vô cùng! Bọn địch trên đồi cao đã nhìn thấy Thành và đang chỉ trỏ cho nhau, thúc nhau ném lựu đạn xuống. Đồng đội còn đang bất ngờ, chưa kịp hỗ trợ anh thì Tùng từ phía sau đã lăn xả đến, đẩy Thành ngã dúi xuống, ôm chặt lấy anh và thét lên:

- Nằm xuống! Bịt tai lại!

Thành chưa kịp phản ứng gì thì đã nghe tiếng nổ của lựu đạn vang lên. Tiếng nổ đã hết nhưng Tùng vẫn nằm im, bất động trên lưng anh. Chính chiếc ba lô của anh cùng tấm lưng của Tùng đã che chắn mảnh lựu đạn cho Thành. Anh bàng hoàng bật dậy, đẩy Tùng ra. Lưng và ngực người lính trẻ bê bết máu, áo quần bị lựu đạn xé toạc, chiếc ba lô của Tùng rách toác, chiếc “Túi mai sau” văng ra ngoài. Mắt Tùng vẫn còn hé mở nhưng hơi thở đang lịm dần đi. Xung quanh Thành, đạn pháo giặc vẫn nổ ầm ầm, đồng đội vẫn xông lên...

Thành nâng đầu Tùng lên, run rẩy:

- Trời ơi!... Tùng!... Tùng ơi!... Gắng lên em ơi, đừng ngủ nữa, anh sẽ đưa em về!

Tùng thều thào, môi rung lên:

- Anh Thành... mẹ... nói... em hát... hát chèo hay lắm... em muốn... muốn hát cho mẹ nghe... một lần nữa...

Máu trào ra nơi khóe môi, Tùng không nói hết câu, đôi mắt cậu đã khép lại, lặng lẽ chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng. Gió rừng vẫn thổi, mặt trời vẫn chói lòa trên cao nhưng tuổi xuân của Tùng đã dừng lại ở lứa tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết.

Trận đánh kết thúc sau nhiều giờ giao tranh ác liệt. Những tiếng reo hò chiến thắng vang lên quanh Thành, nhưng trong lòng anh lúc này chỉ còn nỗi đau xót vô cùng khi thấy những đồng đội của mình, trong đó có Tùng, mới ít phút trước còn cười nói, cùng anh xông lên giết giặc mà giờ đây, họ im lặng nằm đó, mãi mãi không thể trở về. Giữa bãi chiến trường đầy mùi thuốc súng và máu tanh, Thành ngồi lặng lẽ bên những người đồng đội đã hy sinh, đầu óc trống rỗng. Anh cứ vuốt mãi mái tóc và lau những vết máu trên khuôn mặt của Tùng. Đôi mắt anh ráo hoảnh và đỏ như máu. Thành đã không còn nước mắt để khóc thương đồng đội nữa. Người lính dạn dày trận mạc như anh giờ đây chỉ còn nỗi đau buốt nhói trong tim. Chiến tranh thật ghê gớm. Nó đã cướp đi những người thân yêu, những ước mơ và niềm hạnh phúc nhỏ bé, đơn sơ nhất của con người.

Thành đứng dậy, ánh mắt hướng về phía xa xăm, nơi quê nhà của anh và Tùng. Anh nắm chặt trong tay mình cái “Túi mai sau” của người đã khuất. Sâu thẳm trong tim, Thành đã nguyện với lòng: Nếu còn sống trở về, anh sẽ thay Tùng thực hiện những ước mơ còn dang dở của người lính trẻ đã hy sinh thân mình để bảo vệ đồng đội.

Đất nước thống nhất, Thành được giải ngũ. Anh trở về quê hương vào một buổi chiều thu, khi những vạt nắng cuối ngày đang trải dài trên cánh đồng lúa sắp vào mùa thu hoạch. Gió thổi nhẹ, mang theo mùi của đất và lẫn trong đó là mùi thơm thoang thoảng của lúa chín. Vài cánh diều đang nhởn nhơ bay lượn trên bầu trời thật thanh bình, những đứa trẻ đang đuổi nhau trên đường, tiếng cười trong veo vang lên giữa không gian yên ả của làng quê. Xa xa, con sông quê dịu dàng như vòng tay của người mẹ, ôm lấy cánh đồng. Khung cảnh quê hương thân thương quá đỗi trong mỗi bước chân trở về của Thành. Hơn mười năm xa quê đi chiến đấu, giờ đây, anh nghe rưng rưng trong lòng một niềm vui, niềm xúc động khó tả.

Gần đến nhà, đôi chân Thành líu ríu như một đứa trẻ. Hơn mười năm trước, cũng chính con đường này, anh lên đường đi chiến đấu với bộ quân phục mới, với những cái bắt tay thật chặt của bà con và đôi mắt ngân ngấn nước của người vợ trẻ mới cưới được mấy ngày.

Khi Thành đi ngang qua đình làng, một cụ già đang ngồi bên ghế gỗ hóng mát, thấy có người đi đến, ngẩng lên nhìn. Đôi mắt ông nheo lại. Rồi run run, cụ cất tiếng hỏi:

- Ai như thằng Thành ấy nhỉ? Có phải thằng Thành nhà bà Vui về không?

Thành giật mình dừng lại. Anh cũng vừa nhận ra đó là cụ Lâm, người vẫn thường kể chuyện về những trận đánh thời kháng chiến chống Pháp cho anh và đám trẻ trong làng nghe, mỗi khi chăn trâu trên bờ đê gần đó. Giờ đây, râu tóc ông đã bạc phơ, nhưng ánh mắt tinh anh vẫn đang nhìn anh.

- Dạ... là con đây, cụ Lâm!

- Trời ơi!... Nó về rồi! Thằng Thành nhà bà Vui về rồi!... Về rồi!...

Tiếng nói mừng rỡ của ông cụ làm mọi người đi trên đường và gặt lúa ở những đám ruộng gần đấy chạy đến. Chỉ trong chốc lát, dân làng đã vây quanh Thành. Những bàn tay siết chặt vai anh, những câu hỏi dồn dập:

- Thành về rồi hả con?

- Bao nhiêu năm trời... cứ ngỡ...

- Con bà Vui đây mà! Bà ấy mà còn sống thì bây giờ vui phải biết!

- Đồng đội có ai về cùng anh không?...

- Báo tin cho cái Cầm vợ nó đi, nó đang gặt lúa trả công ở làng bên đấy. Nhanh lên nhé!

Câu hỏi về đồng đội vô tình lại xoáy sâu vào lòng Thành một nỗi đau. Thành cúi đầu, giọng nghèn nghẹn:

- Làng mình chỉ có cháu ra quân đợt này thôi ạ... Nhiều người đã không về được nữa rồi!

Không khí như chùng hẳn xuống, lặng đi. Ai cũng hiểu, chiến tranh không bao giờ chỉ có người chiến thắng, mà luôn có những mất mát chẳng thể nào bù đắp được.

Một người phụ nữ thân hình nhỏ bé với mái tóc đã bạc, từ trong làng hớt hải chạy đến. Bà nhìn ra phía sau lưng Thành, nhìn xung quanh như kiếm tìm ai rồi bước đến gần Thành, đôi bàn tay run rẩy bấu chặt lấy tay anh:

- Thành đấy ư, cháu? Cháu... cháu... có gặp thằng Tùng nhà cô không?

Thành cảm thấy ngực mình thắt lại. Anh ngước lên, nhìn vào đôi mắt già nua nhưng vẫn ánh lên tia hy vọng mong manh của người đàn bà và nhận ra đó là bà Thu, mẹ của Tùng. Thành không biết phải nói thế nào, chỉ biết siết chặt tay bà, cố gắng giữ cho giọng mình không run:

- Dạ... dạ có gặp ạ!... Cậu ấy chiến đấu rất dũng cảm với đồng đội đến phút cuối cùng!...

Bà Thu lặng người, buông tay Thành. Đôi mắt cay sè, bà đã hiểu những điều Thành nói. Trong trái tim người mẹ, thổn thức tiếng khóc con: “Trời ơi! Con tôi, thằng Tùng!... Nó đã bỏ mình đi rồi!... Nhà chỉ có hai mẹ con mà nó nỡ lòng nào. Con đã hứa sẽ về mà!...".

Như vẫn chưa tin vào những điều Thành nói, bà Thu lặng người, nghẹn ngào:

- Nó hứa về cưới vợ để cho mẹ đứa cháu... Sao lại không giữ lời, Tùng ơi!

Thành cúi đầu, nỗi đau như xát muối trong lồng ngực anh. Cái cảm giác này Thành từng có, khi bế trên tay tấm thân còn nóng hổi của Tùng, lúc cậu ấy hy sinh. Anh nhớ lại trận chiến hôm đó, nhớ lại gương mặt rạng rỡ của Tùng khi nói về một đám cưới trong tương lai với người bạn gái cùng làng. Nhưng, giờ đây, người lính trẻ ấy đã vĩnh viễn nằm lại ở một vùng đất xa xôi rồi. Thành đến bên bà Thu, anh đỡ người mẹ ngồi xuống. Đôi bàn tay cứng cỏi của người lính cầm lấy bàn tay gầy guộc của mẹ Tùng. Giọng anh rung lên vì xúc động:

- Mẹ ơi! Tùng đã hy sinh vì chiến đấu, vì cứu con, mẹ ạ. Con mong mẹ hãy nén đau thương, đừng làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Mẹ hãy tự hào về Tùng! Em ấy đã chiến đấu dũng cảm cùng đồng đội đến phút cuối cùng. Con... con sẽ thay Tùng làm con trai của mẹ, sẽ luôn bên mẹ. Mẹ cho phép con mẹ nhé!

Bà Thu nhìn anh, khẽ gật đầu. Bà đã nhận ra, trong giọng nói khẩn thiết và đôi mắt rưng rưng của Thành, niềm xúc động và thương yêu chân thành nhất anh dành cho mình, cho đứa con trai duy nhất đã hy sinh của bà. Đến lúc này, những giọt nước từ trong đôi mắt của người mẹ mới lặng lẽ chảy ra, những giọt nước mắt vừa đau đớn, vừa yêu thương và tự hào về đứa con thân yêu. Xung quanh, mọi người đều lặng đi. Những tiếng sụt sịt... những đôi mắt đỏ hoe... và rất nhiều bàn tay đã nắm lấy tay bà Thu chia sẻ. Chiến tranh đã lấy đi quá nhiều, nhưng cũng để lại một thứ gì đó vĩnh cửu hơn, đó là sự gắn kết của cộng đồng, làng xóm, là tình người và trách nhiệm với nhau trong việc xây dựng cuộc sống khi đất nước đã lặng im tiếng súng.

Khi Thành về đến nhà mình, căn nhà vắng người. Anh bước qua cánh cổng khép hờ và đảo mắt tìm... Nhưng, Thành chưa kịp bỏ ba lô xuống thì một bóng người đã chạy ào vào sân. Cầm đứng đó, trước mắt anh, đôi mắt long lanh, ngập tràn xúc động. Có ai đó đã báo tin và cô chạy một mạch từ cánh đồng làng bên về, khuôn mặt đỏ bừng vì nắng, lưng áo đẫm mồ hôi, hơi thở hổn hển sau khuôn ngực tròn căng.

Cầm bước đến, không nói một lời, ôm chầm lấy Thành. Cô hôn tới tấp vào ngực chồng, lưng chồng và vít cả người anh xuống để hôn lên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của anh. Thành nhìn vợ, tim anh thắt lại. Bao năm xa cách, những nhớ thương, lo âu giờ như đã không còn nữa, chỉ còn những giọt nước mắt hạnh phúc đang lấp lánh trong đôi mắt Cầm. Cô luống cuống:

- Anh!... Anh về rồi!...

Thành khẽ gật đầu, bàn tay anh ôm lấy đôi bờ vai bé nhỏ của người vợ đã nhiều năm xa cách. Anh cũng mừng vui và xúc động không kém:

- Anh về rồi đây em!... Từ nay anh không xa em nữa!... Mình sẽ không phải xa nhau nữa rồi, em ạ!

Cầm mím môi, gật đầu, cố nén những giọt nước mắt hạnh phúc đang chực trào ra. Thành cầm tay vợ, đôi bàn tay thô ráp và chai sạn. Anh nói với Cầm bằng tất cả những nhớ thương của bao năm xa cách:

- Em đợi anh lâu lắm rồi phải không?

Cầm gật đầu, khẽ tựa vào bờ vai chồng. Gió chiều thổi lay động tấm mành tre trước cửa. Thành hôn nhẹ lên mái tóc còn vương mùi nắng của vợ. Anh thì thầm:

- Cảm ơn em đã chờ anh! Những năm qua, em sống thế nào?

Thành quên mất rằng, trong những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, khi anh và rất nhiều thanh niên trai tráng đã lên đường đi chiến đấu thì hậu phương chỉ còn phụ nữ. Nhưng, ở thời điểm ấy, những người mẹ, người vợ, người em ở phía sau của chiến tuyến vẫn chắc tay súng, vững tay cày. Cầm cũng vậy. Cô là người cày bừa rất giỏi, là đội trưởng đội sản xuất của làng. Cô còn là tay súng cừ khôi của tiểu đội nữ dân quân địa phương, sẵn sàng bắn máy bay Mỹ khi chúng bỏ bom bắn phá quê hương.

Nghe chồng hỏi, Cầm mỉm cười, cô dụi đầu vào ngực anh:

- Em vẫn sống tốt anh ạ! Em ở đây, trong căn nhà của chúng mình và hương khói cho bố mẹ thay anh. Như bao dân làng, làm hậu phương cho tiền tuyến lớn. Và...

Cầm thoáng đỏ mặt... cô thì thầm:

- Và... vẫn luôn đợi anh về!

Trái tim Thành như thắt lại. Bố anh vốn là trí thức. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp và sau Hiệp định Genève, ông được cử đi B rồi hy sinh ở đường mòn Hồ Chí Minh vì bị giặc mai phục, lúc ấy Thành chỉ mới vài tuổi. Mẹ anh đã tảo tần nuôi con khôn lớn. Những vất vả, nhọc nhằn đã làm bà lâm bệnh nặng rồi không qua khỏi. Chiều theo ước nguyện của mẹ, Thành đã cưới vợ cho bà yên lòng nhắm mắt.

Cô dâu là Cầm, người làng bên, học chung trường huyện với Thành. Hai đứa yêu nhau và chưa có ý định cưới vì còn quá trẻ. Nhưng, lúc hấp hối, mẹ Thành mong được nhìn thấy con trai yên bề gia thất mới an lòng ra đi, nên Thành đã xin hỏi cưới Cầm. Cưới nhau được mấy ngày thì Thành có giấy gọi nhập ngũ. Đôi vợ chồng trẻ đã phải xa nhau biền biệt.

Bao nhiêu năm qua, Cầm vẫn chờ anh, thay anh lo lắng chu đáo mọi việc trong ngoài. Giờ đây, trong vòng tay chồng, Cầm không kể với Thành mình đã sống như thế nào khi không có anh bên cạnh. Với cô, những vất vả, nhọc nhằn của người hậu phương, để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, đều không có gì đáng nói, nó bình thường lắm và phải thế. Chỉ có nỗi nhớ thương và lo lắng cho chồng đã làm cô thao thức hằng đêm. Cô thủ thỉ:

- Anh biết không! Có những đêm mưa lớn, nghe tiếng gió rít qua phên vách, em sợ lắm. Không nhận được tin tức gì của anh, em càng lo sợ hơn... Sợ mất anh như bao người vợ khác đã mất chồng trong chiến tranh!

Thành xúc động, ôm chặt người vợ bé nhỏ, thì thầm:

- Anh xin lỗi vì đã để em đợi lâu như vậy!

Cầm lắc đầu, siết nhẹ tay anh:

- Em không thấy lâu vì chờ đợi, em chỉ sợ anh không về nữa. Nhưng, em cũng biết rằng, chỉ cần có niềm tin là anh sẽ về!

Gió từ khoảng ruộng trước nhà thổi đến mát rượi. Những tán tre rì rào như hát lên khúc ca yên bình. Xa xa, mặt trời đang dần khuất sau rặng núi, để lại một vệt sáng đỏ rực trên nền trời tím than. Ánh mắt hướng về xa xăm, Thành khẽ nói với Cầm:

- Em à! Sau chiến tranh, anh mới hiểu rằng có những điều quý giá mà chúng ta cần phải trân trọng. Không chỉ là hòa bình, mà còn là tình yêu, là gia đình, là quê hương nữa!

Cầm nhìn chồng, giọng cô cũng khắc khoải một nỗi niềm:

- Vậy... vậy... bây giờ... anh đã sẵn sàng cho một cuộc sống mới chưa?

Thành quay sang nhìn vợ, ánh mắt anh như một lời khẳng định:

- Sẵn sàng chứ em! Nhưng, không phải chỉ mình anh sẵn sàng bước vào cuộc sống đó đâu. Anh muốn được cùng em xây dựng nó!

Cầm nhìn chồng, đôi mắt rưng rưng. Cô biết khoảnh khắc mà cô chờ đợi suốt bao năm qua đã đến. Cô khẽ nói, giọng nhẹ như một lời hứa:

- Vậy thì... chúng ta cùng nhau bắt đầu, anh nhé!

Thành siết chặt tay Cầm, anh cảm nhận hơi ấm lan tỏa từ bàn tay nhỏ bé ấy. Hơi ấm của tình yêu, hy vọng và cả những ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn sẽ đến với họ.

Những ngày sau đó, Thành báo cáo sự có mặt của mình với Chi bộ Đảng và chính quyền địa phương. Anh được phân công phụ trách Hội Cựu chiến binh của xã. Thành bắt đầu công việc mới của mình. Anh cùng dân làng và Đoàn Thanh niên làm lại hệ thống kênh mương từng bị bom đạn B.52 vùi lấp, khơi thông nó và đưa nước về tưới tiêu cho đồng ruộng. Dưới ánh nắng chói chang, những giọt mồ hôi của anh và mọi người rơi xuống, hòa vào đất, như máu xương của bao liệt sĩ đã hóa thân vào ruộng đồng, sông bãi, để cuộc sống sau chiến tranh lại đâm chồi nảy lộc, xanh tươi.

Thành cũng đề nghị mở lớp “bình dân học vụ” để dạy học cho bọn trẻ con trong làng và một số người thất học vì hoàn cảnh gia đình, như mơ ước của Tùng để lại trong “Túi mai sau”. Những điều Thành và mọi người đang làm cho quê hương lúc này, như lời hứa âm thầm bắt đầu được thực hiện của anh và những người lính còn sống, trở về sau chiến tranh với người đã khuất.

Buổi trưa hôm nay, khi Thành và những người làm đường liên xã đang nghỉ tay dưới bóng cây thì Cầm đến. Cô đem theo một bình nước và ít kẹo lạc. Nhẹ nhàng, cô mời mọi người:

- Nước chè xanh vừa nấu và ủ xong đây ạ. Mời mọi người thưởng thức!

Thành ngước lên, bắt gặp ánh mắt dịu dàng của vợ. Cầm vẫn như ngày nào, chỉ là trưởng thành hơn, đôi mắt sâu thẳm hơn. Anh mỉm cười, cầm lấy ca nước từ tay vợ rồi vừa thổi, vừa uống:

- Chè xanh ngon quá! Cảm ơn em!

Cầm ngồi xuống bên cạnh, ánh mắt hướng về Thành. Cô khẽ hỏi:

- Hình như anh buồn gì đó? Anh vẫn nhớ Tùng phải không?

Thành trầm ngâm giây lát, rồi chậm rãi đáp:

- Em nói đúng! Anh vẫn còn bị ám ảnh về sự ra đi của Tùng, của những đồng đội từng sống chết với mình và vẫn tiếc thương họ. Nhưng, anh biết, mình không thể cứ mãi như thế! Anh đã thầm hứa với những người đã khuất sẽ sống thật tốt. Sống thay cho phần họ và xây dựng quê hương, để sự hy sinh của họ không bao giờ uổng phí, em ạ.

Cầm gật đầu. Cô nắm tay chồng, siết nhẹ:

- Em hiểu điều đó và sẽ luôn ở bên anh!

Khoảnh khắc ấy, Thành cảm thấy lòng mình dịu lại. Anh nhìn cánh đồng lúa đang thì con gái, xanh mướt, sóng lúa dập dờn trước gió, nhìn con đường mới mở đang được hình thành từ mồ hôi công sức của bao người, trong đó có anh mà thấy nhẹ lòng. Ở nơi xa kia, chắc Tùng đang mỉm cười nhìn anh, cậu ấy sẽ vui lắm khi thấy mẹ được anh chăm sóc và thấy quê hương đổi mới từng ngày. Vẳng đâu đây, Thành như nghe thấy điệu Đào liễu quen thuộc trong gió...

Chiến tranh đã qua đi, nhưng cuộc chiến xây dựng lại quê hương với nhiều khó khăn, thử thách vẫn còn ở phía trước. Và, Thành cùng bao người lính áo xanh năm nào, sẽ tiếp tục chiến đấu, không phải với súng đạn, mà với cuốc xẻng, với mồ hôi, để cho ước mơ của những người đã hy sinh cho hòa bình, cho ngày hôm nay không bao giờ lụi tắt.

Truyện ngắn của Trần Hà Yên

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/mau-ao-xanh-i767700/
Zalo