Ký ức Điện Biên

Đồi A1 rực lửa trong những ngày cả nước hướng về Điện Biên. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN), nguồn: Vietnamplus

Đồi A1 rực lửa trong những ngày cả nước hướng về Điện Biên. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN), nguồn: Vietnamplus

Trời Điện Biên tháng năm trong xanh như chưa từng nhuộm khói lửa. Đứng giữa cánh đồng Mường Thanh, bà Lan lặng lẽ nhìn về phía xa - nơi những dãy núi trùng điệp như đang thì thầm điều gì đó với thời gian. Trong tay bà là bức ảnh cũ đã úa màu thời gian, ảnh chụp một tiểu đội năm người, khuôn mặt trẻ trung nhưng rắn rỏi. Người đứng giữa chính là Hải - một chiến sĩ đã ngã xuống trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy. Nhắc đến Điện Biên Phủ, ánh mắt bà lại sáng lên, vừa ẩn chứa niềm tự hào, vừa đau đáu.

Mỗi năm đến tháng năm, bà Lan lại khăn gói từ Thái Bình lên Điện Biên, về lại nơi từng chứng kiến những ngày tháng oanh liệt nhất của cuộc đời bà và những đồng đội năm xưa. Không ai đi cùng bà, chỉ có ký ức và một tấm lòng không nguôi nhớ thương.

Năm 1954, Lan mới tròn mười chín tuổi, vừa tốt nghiệp trường y tế, quê ở Thái Bình, tình nguyện theo đoàn quân đi chiến dịch. Cô gái nhỏ xinh xắn, nước da trắng hồng, đôi mắt lúc nào cũng long lanh nhiệt huyết.

Điện Biên Phủ - cái tên nghe qua đã nặng trĩu trong lòng. Lan rưng rưng tiễn mẹ, rồi theo đoàn quân đi vào chiến dịch lịch sử, mang theo trái tim nồng nàn tuổi đôi mươi và cả những ước mơ giản dị của một cô gái làng quê. Mẹ Lan dặn: “Đi mạnh giỏi nghe con, nước nhà chờ!”.

Những ngày hành quân gian khổ qua rừng, vượt núi, Lan vẫn nhớ như in từng chiếc lá rừng ướt sũng sương, từng đêm nằm co ro dưới hầm tránh pháo, từng tiếng hô xung phong vang vọng giữa khói đạn mịt mù.

Cái lạnh cắt da của núi rừng Tây Bắc và những cơn mưa rừng dầm dề không làm Lan và những người lính trẻ chùn bước. Ngày ngày, họ đào hầm hào, vận chuyển đạn dược bằng tay, bằng đôi vai gầy guộc. Ban ngày tránh máy bay trinh sát; ban đêm, dưới ánh trăng nhợt nhạt, họ lặng lẽ cày xới đất đá, tiến gần hơn tới lòng địch.

Điện Biên khi ấy là một thung lũng lớn, quanh co giữa núi rừng hiểm trở. Thực dân Pháp đồn trú ở đây, xây dựng một tập đoàn cứ điểm kiên cố, chia thành nhiều khu vực với hàng trăm lô cốt, bãi mìn, dây thép gai giăng kín. Bộ đội ta, phần lớn là những chàng trai nông dân chân đất phải đối mặt với sức mạnh hỏa lực vượt trội của địch.

Lan gặp Hải trong một lần tiểu đội của Hải bị trúng pháo khi đang đào hầm bao vây cứ điểm. Hải bị mảnh đạn sượt qua vai, máu chảy đầm đìa. Khi Lan đỡ Hải vào trạm y tế dã chiến, ánh mắt Hải dẫu đau đớn nhưng vẫn rực lửa quyết tâm. Sau lần ấy, hai người dần quen nhau qua những lần Lan mang thuốc, dọn băng, chuyện trò đôi câu khi rảnh.

Trong mắt đồng đội, Hải là người gan dạ, kiệm lời, luôn xung phong đi trước trong mọi trận đánh. Còn với Lan, Hải là chốn bình yên giữa những ngày đạn bom khốc liệt.

Từ hôm đó, mỗi lần có việc xuống lán y tế, Hải đều kiếm cớ trò chuyện với cô y tá nhỏ. Những lần tranh thủ chợp mắt bên nhau dưới lán trại, họ kể nhau nghe về quê nhà, về những cánh đồng lúa bát ngát, những mùa gặt vàng ươm và cả những giấc mơ sau chiến tranh.

Một buổi tối, khi mặt đất còn vang tiếng ầm ầm của pháo binh, Hải khẽ nắm lấy tay Lan.

- Lan này... Khi nào hết chiến tranh, mình về quê, anh sẽ xin cưới em nhé!

Lan cúi đầu, má đỏ bừng như ánh lửa bên bếp củi.

- Em cũng chỉ mong được bên anh mãi.

Hải được phân vào Tiểu đội 2, Đại đội 136, Trung đoàn 174 với nhiệm vụ đánh cứ điểm đồi A1 - một trong những vị trí hiểm yếu. Chiếm được A1 là mở đường cho chiến thắng. Cuộc chiến giành giật từng mét đất bắt đầu. Ban ngày pháo bắn dữ dội, ban đêm đào hào, cắt rào, luồn sâu tiếp cận địch. Mỗi bước tiến là đối mặt với cái chết rình rập. Bom pháo, súng đạn, mìn nổ chậm,... Tất cả đều là tử thần.

Một tối đầu tháng năm, sau khi nhận được tin sẽ tổng công kích vào ngày 7, Hải lặng lẽ đưa cho Lan một mảnh giấy gấp gọn - là mấy dòng Hải viết vội: “Nếu anh không trở về, em đừng khóc. Hãy sống thật vui, thật lâu. Chiến thắng rồi, đất nước sẽ hồi sinh, em cũng phải sống để thấy điều ấy”. Lan nghẹn ngào xúc động, không nói nên lời.

Rồi ngày ấy cũng đến. Đêm 6-5-1954, trận quyết chiến Đồi A1 bùng nổ. Bộ đội ta đánh từ giao thông hào, từng tổ cảm tử mang bộc phá lao vào lô cốt địch. Mùi thuốc súng, mùi đất ướt và mùi máu tanh nồng nặc. Lan sốt ruột đứng ngồi không yên trong lán cứu thương. Tin báo từ chỉ huy: Đại đội của Hải được giao nhiệm vụ đột phá cửa hầm địch. Pháo địch bắn như vãi trấu.

Nửa đêm, một nhóm thương binh được khiêng về, máu nhuộm đỏ cáng. Lan lao đến, vừa sơ cứu, vừa dò hỏi.

- Anh Hải đâu? Anh bộ đội Hải đâu?

Không ai trả lời. Chỉ có những ánh mắt lảng tránh, những cái lắc đầu nặng nề.

Đến gần sáng, một người lính trẻ mặt mũi lấm lem bùn đất ôm một chiếc ba lô rách nát về, trao cho Lan.

- Chị Lan... Anh Hải... anh ấy hy sinh rồi.

Lan chết lặng. Chiếc ba lô nặng trĩu trên tay, Lan ôm chặt vào ngực, gục đầu nức nở. Tiếng đại bác xa xa vẫn ầm ầm như vọng lên từ lòng đất.

Trận đánh kéo dài từ chiều đến khuya. Tin chiến thắng vang về khi trời rạng sáng. Hải dẫn đầu xung phong, miệng hô vang khẩu lệnh “Tiến lên!”, rồi ngã gục vì trúng đạn ngay bên miệng hầm địch. Không ai dừng lại trong trận quyết tử đó.

Đêm ấy, bom mìn cày nát cả quả đồi. Đến rạng sáng, ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” bay phấp phới trên đỉnh A1. Toàn trận địa rền vang tiếng reo hò xen lẫn tiếng nấc nghẹn của những người còn sống.

Thi thể Hải được tìm thấy hai ngày sau, dưới chân một ụ pháo, tay vẫn nắm chặt lựu đạn, mắt khép hờ như đang mơ giấc mộng hòa bình. Điện Biên hôm đó ngập tràn tiếng reo mừng chiến thắng, nhưng với Lan, đó là ngày trái tim cô mãi mãi hóa đá.

Sau chiến thắng, Lan ở lại Điện Biên thêm một năm để chăm sóc thương binh và phụ giúp việc cải táng liệt sĩ. Dẫu lòng tan nát, Lan vẫn đi qua từng ngọn đồi, từng vạt rừng để tìm kiếm và ghi chép lại tên những người đã ngã xuống. Mỗi lần tìm được một chiến sĩ, Lan đều thắp một nén nhang, gọi khẽ tên họ nếu biết, rồi ghi vào sổ tay: “Đã về với đất mẹ”.

Năm 1956, Lan trở lại Thái Bình, làm y tá tại một bệnh viện lớn, sống giản dị. Cả làng ai cũng mong cô gái trẻ, xinh đẹp, hiền hậu sẽ tìm được một bến đỗ bình yên. Nhưng Lan từ chối mọi lời mai mối và quyết định không lập gia đình. Bà bảo, trái tim mình đã chôn ở Điện Biên. Nhiều người trong làng nói rằng: “Cô Lan đẹp người, đẹp nết, thế mà cứ ở vậy tiếc quá!”.

Bà Lan chỉ cười, ánh mắt xa xăm. Bà con trong làng quen gọi bà là “Bà Lan Điện Biên”. Họ thương, kính trọng bà nhưng chẳng ai thay thế được hình bóng người lính trẻ năm nào trong lòng bà Lan. Nhiều đêm, bà ngồi bên hiên nhà, nhìn ánh trăng loang loáng trên mặt ruộng. Bà nhớ Điện Biên, nhớ những đêm trực lán, nhớ bàn tay Hải ấm áp nắm tay Lan trong bóng tối, nhớ những giấc mơ còn dang dở.

Căn nhà nhỏ của bà Lan mộc mạc, đơn sơ. Trên bàn thờ là bức di ảnh Hải, trang nghiêm và ấm áp. Năm nào vào ngày 7-5, bà cũng thắp một nén nhang thơm, thì thầm: “Anh Hải ơi! Điện Biên mình thắng rồi, anh yên lòng nhé!...".

Gió thổi nhẹ qua cánh đồng Mường Thanh. Bà Lan bước chậm về phía đồi A1 - nơi Hải đã chiến đấu trận cuối cùng. Đồi giờ đã thành di tích, có bia tưởng niệm, có hầm hào được phục dựng. Du khách tấp nập, trẻ em cười nói rộn ràng. Bà mỉm cười. Đó là điều Hải từng mong - một Điện Biên thanh bình, một Việt Nam không còn tiếng súng.

Dừng lại trước bia mộ vô danh, bà rút từ túi áo ra một bông huệ trắng. Bà đặt xuống chân bia, khẽ nói:

- Các anh à, các anh có khỏe không? Năm nay em lại lên Điện Biên thăm các anh đây này.

Bà vừa nói, vừa nghẹn khóc nức nở. Bà ngồi xuống, tựa lưng vào phiến đá, mắt dõi về phía bầu trời trong xanh. Giữa đất trời yên bình ấy, ký ức một thời lửa đạn lại ùa về - rực rỡ và đầy nước mắt.

Chiều xuống dần. Trên đồi A1, bóng dáng người phụ nữ già nhỏ nhắn như hòa vào màu thời gian. Một nhóm học sinh tiểu học đi ngang qua, cô giáo trẻ dừng lại chỉ tay:

- Các con, đây là đồi A1, nơi diễn ra trận đánh lớn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh ở đây để chúng ta có hòa bình hôm nay.

Một bé gái chừng tám tuổi quay lại nhìn bà Lan rồi lễ phép cúi đầu:

- Con chào bà ạ!

Bà Lan gật đầu, mắt long lanh. Bà mỉm cười, nhẹ nhàng nói:

- Chào cháu. Các cháu nhớ nhé, nơi đây không chỉ là đất, là đá… mà là xương máu ông cha mình. Hãy sống xứng đáng!

Những đứa trẻ gật đầu rồi nối bước đi. Bà Lan đưa mắt tiễn theo, lòng dịu lại. Bà biết, dù ký ức có lùi xa, Điện Biên vẫn sống mãi trong từng thế hệ như ánh nắng cuối ngày vẫn ấm áp trên đỉnh núi./.

Tường Lai

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ky-uc-dien-bien-a194925.html
Zalo