Mất an ninh lương thực cấp tính tiếp tục gia tăng ở mức báo động

HNN - Theo Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực (GRFC) mới nhất vừa được công bố, tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính và suy dinh dưỡng ở trẻ em đang tiếp tục gia tăng ở mức báo động, với gần 300 triệu người có nguy cơ tử vong vì nạn đói.

Người dân chờ nhận lương thực viện trợ ở Dải Gaza. Ảnh: TTXVN

Người dân chờ nhận lương thực viện trợ ở Dải Gaza. Ảnh: TTXVN

Báo cáo cho thấy xung đột, các cú sốc kinh tế, khí hậu khắc nghiệt và tình trạng di dời cưỡng bức đã khiến tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng trên toàn thế giới gia tăng trong năm thứ 6 liên tiếp vào năm 2024, đẩy hàng triệu người đến bờ vực thẳm, với những tác động thảm khốc đến nhiều khu vực dễ bị tổn thương nhất thế giới.

Trong năm 2024, hơn 295 triệu người ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ đã trải qua tình trạng đói cấp tính - tăng 13,7 triệu người so với năm 2023. Điều đáng lo ngại lớn nhất là tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ngày càng trầm trọng, hiện ở mức 22,6% dân số của 53 quốc gia được GRFC phân tích. Đây là cũng năm thứ 5 liên tiếp con số này tiếp tục ở mức trên 20%.

Đáng lưu ý, số người phải đối mặt với nạn đói thảm khốc (Giai đoạn 5 trong Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp IPC/CH) đã tăng gấp đôi trong cùng kỳ lên tới 1,9 triệu người - mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2016.

Tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ em, đã đạt đến mức cực kỳ cao, bao gồm cả ở Dải Gaza, Mali, Sudan và Yemen. Gần 38 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính trong 26 cuộc khủng hoảng dinh dưỡng.

Báo cáo cũng nhấn mạnh sự gia tăng mạnh mẽ của nạn đói do di dời cưỡng bức, với gần 95 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, bao gồm những người di dời nội địa (IDP), người xin tị nạn và người tị nạn, đang sống ở các quốc gia phải đối mặt với khủng hoảng lương thực như Congo, Colombia, Sudan và Syria, trong tổng số 128 triệu người di dời cưỡng bức trên toàn cầu.

“Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực này là một bản cáo trạng về một thế giới đang đi chệch hướng một cách nguy hiểm”, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh.

Theo phân tích trong GRFC, xung đột vẫn là động lực hàng đầu gây ra tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính, ảnh hưởng đến khoảng 140 triệu người ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiếp đó, các cú sốc kinh tế bao gồm lạm phát và phá giá tiền tệ đã gây ra nạn đói ở 15 quốc gia, ảnh hưởng đến 59,4 triệu người - vẫn gần gấp đôi mức trước COVID-19, mặc dù đã giảm nhẹ từ năm 2023.

Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là hạn hán và lũ lụt do El Nino gây ra, đã đẩy 18 quốc gia vào cuộc khủng hoảng lương thực, ảnh hưởng đến hơn 96 triệu người, với những tác động đáng kể ở Nam Phi, Nam Á và khu vực Sừng châu Phi.

Theo GRFC, các cú sốc về nạn đói có nguy cơ sẽ kéo dài đến năm 2025, khi dự báo sẽ có sự cắt giảm lớn nhất trong lịch sử về nguồn tài trợ nhân đạo cho các cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng.

GRFC kêu gọi phải có sự tái thiết táo bạo để phá vỡ chu kỳ khủng hoảng lương thực, trong đó ưu tiên các hành động dựa trên bằng chứng và tập trung vào tác động. Điều này có nghĩa là cần tập hợp các nguồn lực, mở rộng quy mô những hành động hiệu quả, và đặt nhu cầu, tiếng nói của các cộng đồng bị ảnh hưởng làm trọng tâm của mọi phản ứng.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN & FAO)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/mat-an-ninh-luong-thuc-cap-tinh-tiep-tuc-gia-tang-o-muc-bao-dong-153737.html
Zalo