Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Gắn tái sử dụng với tháo gỡ thủ tục

HNN - Do sáp nhập các địa phương, đơn vị nên gần đây trên địa bàn toàn thành phố Huế xuất hiện nhiều công sở dôi dư, không sử dụng, ở vị trí đắc địa. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau và vướng một số cơ chế, chính sách nên phần lớn chưa thể tái sử dụng hoặc đấu giá để tạo nguồn thu cho ngân sách.

 Trụ sở Liên cơ quan nằm trên trục đường chính thị trấn Khe Tre

Trụ sở Liên cơ quan nằm trên trục đường chính thị trấn Khe Tre

Nhiều trụ sở bỏ không

Sau sáp nhập huyện Nam Đông với huyện Phú Lộc, hầu hết cán bộ, công chức, người lao động của huyện Nam Đông (cũ) đều chuyển về công tác tại huyện Phú Lộc (mới). Điều này dẫn đến hàng loạt trụ sở của các cơ quan, đơn vị dôi dư, bỏ không kể từ 1/1/2025. Ngoài những trụ sở xây dựng khá lâu năm, trong đó có một số trụ sở vừa mới xây dựng, đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã phải bỏ hoang, gây lãng phí. Điển hình là khu doanh trại Huyện đội vừa mới xây dựng bề thế với kinh phí rất lớn; trụ sở Công an thị trấn Khe Tre cũng chung hoàn cảnh tương tự…

Những ngày trung tuần tháng 5/2025, có mặt tại thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông cũ) - nơi đặt trụ sở của hầu hết các cơ quan, đơn vị, ghé vào trụ sở Huyện ủy Nam Đông, chúng tôi nhận thấy nơi đây được bố trí cho cán bộ, công chức, người lao động thị trấn Khe Tre làm việc. Cạnh đó là trụ sở Văn phòng UBND huyện được khóa kín cổng, không có người trông coi thường xuyên; quan sát thấy rõ rêu phong và cỏ dại đã mọc lên trong sân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (trước đây là Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông), ông Dương Thanh Phước cho biết, sau khi sáp nhập cán bộ, công chức toàn huyện chuyển về công tác tại Phú Lộc, trên địa bàn có khoảng 20 trụ sở dôi dư. Tạm thời huyện giao trụ sở Huyện ủy cho thị trấn Nam Đông bảo quản và sử dụng; giao trụ sở Công an huyện cho công an thị trấn sử dụng. Đã từng có một số đơn vị đặt vấn đề thuê các trụ sở trong thời gian ngắn nhưng lại vướng một số vấn đề chưa thể thực hiện. Trước mắt, khi chưa có chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên, huyện giao cho chính quyền thị trấn Khe Tre bảo vệ, quản lý tất cả các trụ sở này.

Chủ tịch UBND thị trấn Khe Tre, ông Trần Đình Vĩnh Lộc thông tin: Sau khi tiếp nhận các trụ sở dôi dư, chính quyền thị trấn đã cắt cử lực lượng công an, bảo vệ trật tự cơ sở và dân quân tự vệ hằng đêm tổ chức tuần tra khép kín nhằm ngặn chặn, xử lý kịp thời việc kẻ xấu đột nhập vào các trụ sở này trái phép để trộm cắp hoặc làm mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, về lâu dài nếu không có phương án sử dụng phù hợp, việc xuống cấp là không thể tránh khỏi.

Sớm gỡ vướng cơ chế, chính sách

Không riêng gì Nam Đông, ở một số xã, phường của TX. Phong Điền, quận Thuận Hóa, quận Phú Xuân… (sáp nhập 3 đơn vị cấp xã, phường thành 1), một số sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố do sáp nhập nên cũng dôi dư nhiều trụ sở từ 1/3/2025. Đó là chưa kể thời hạn sáp nhập xã, phường, thị trấn từ 1/7/2025 đang đến gần.

Theo thống kê sơ bộ, khi toàn thành phố xóa bỏ cấp huyện, sáp nhập từ 133 xã, phường, thị trấn thành 40 đơn vị cấp xã, phường, sẽ có khoảng 200 trụ sở cấp xã, phòng ban, đơn vị chuyên môn dôi dư. Đây là bài toán cần giải pháp căn cơ, đồng bộ để tránh lãng phí tài sản công.

Vấn đề này đặt ra công tác chuẩn bị phương án sử dụng, xử lý khối lượng lớn trụ sở, tài sản công dôi dư phải được các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, chủ động, hướng đến mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn lực, tránh lãng phí và bảo đảm hoạt động thông suốt của hệ thống chính trị trong giai đoạn chuyển tiếp.

Thời gian tới, UBND thành phố cần chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp với các địa phương, đơn vị tổng rà soát, đánh giá hiện trạng các trụ sở, tài sản công trên địa bàn cấp huyện, cấp xã, các sở, ban, ngành và nhu cầu sử dụng để đề xuất phương án xây dựng bổ sung các trụ sở các cơ quan, đơn vị cấp sở, ban, ngành và cấp xã, phường trên địa bàn cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu hoạt động và hạn chế lãng phí. Đặc biệt, cần có khung hướng dẫn minh bạch, đồng bộ về việc phân cấp xử lý, thẩm quyền quyết định và phương án chuyển đổi công năng.

Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 23 của HĐND thành phố mới đây, UVTV Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thuận Hóa, ông Phan Thiên Định đề nghị, cần cân nhắc ưu tiên sử dụng lại các trụ sở đóng vai trò trung tâm, đặc biệt là trụ sở UBND huyện, huyện ủy, quận ủy - nơi đang lưu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đối với các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã sau sáp nhập, việc chọn các trụ sở trung tâm này làm nơi làm việc là hợp lý và cần được xem xét ưu tiên trong bố trí.

Do vướng cơ chế, chính sách nên sau sáp nhập ĐVHC, nhiều trụ sở cũ bị bỏ không nhưng việc xử lý tài sản công lại chậm do vướng xác định quyền sở hữu, thẩm quyền xử lý hoặc chờ hướng dẫn từ cấp trên. Về lâu dài, lãnh đạo các địa phương, đơn vị đề xuất UBND thành phố sớm chỉ đạo sở ngành liên quan, trong đó Sở Tài chính - cơ quan tham mưu trực tiếp vấn đề này khẩn trương nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Tài chính để chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thực hiện sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC, đảm bảo đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí.

Cũng tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 23, HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công bảo đảm đúng quy định; đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương hoàn thành số hóa tài liệu của các cơ quan, tổ chức khi sắp xếp các ĐVHC; đảm bảo sau khi sắp xếp mọi hoạt động của bộ máy nhà nước được thực hiện thông suốt, ổn định, hiệu quả; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản, tài chính, ngân sách nhà nước khi thực hiện sắp xếp.

“UBND thành phố cần chủ động các phương án sử dụng tài sản, trụ sở tránh lãng phí, thất thoát sau khi sắp xếp; tiếp tục quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư do cấp huyện quản lý khi không tổ chức ĐVHC cấp huyện”, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố, ông Lê Trường Lưu nhấn mạnh

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/tru-so-doi-du-sau-sap-nhap-gan-tai-su-dung-voi-thao-go-thu-tuc-153736.html
Zalo