Mạnh mẽ vượt qua 'căn bệnh thế kỷ'
Hơn 3 thập niên trước, việc chẩn đoán nhiễm HIV được xem như 'án tử' đối với bất kỳ một ai. Không những thế, bản thân những người nhiễm HIV/AIDS phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử. Nhờ sự phát triển của y học, tiến bộ trong suy nghĩ của xã hội mà rất nhiều bệnh nhân HIV đã có thái độ lạc quan, sống chung với bệnh tật.
Tuổi thọ bệnh nhân HIV/AIDS đang có chuyển biến tích cực
Quay lại khoảng 20 năm trước đây, khi căn bệnh HIV/AIDS trở thành một cơn ác mộng với các gia đình. Người nhiễm HIV nắm chắc “án tử” trong tay. Họ suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng chỉ vài năm trở lại đây, căn bệnh HIV dần có những dấu hiệu tích cực.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, vào đầu năm 2024, Việt Nam có gần 234 nghìn người nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó có 12.800 trường hợp nhiễm HIV trong năm 2023. Tính đến năm 2023 là tròn 40 năm nhân loại tìm ra virus HIV, riêng Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch HIV/AIDS. Trong năm qua, Việt Nam ghi nhận hơn 13 nghìn trường hợp nhiễm HIV mới và khoảng gần 2 nghìn ca tử vong liên quan đến AIDS. Tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng đã giảm xuống dưới 0,3%. Số ca nhiễm mới và tử vong liên quan đến HIV/AIDS cũng đã giảm hơn 2/3 so với 10 năm trước.
Thông tin từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, người đầu tiên ở Việt Nam nhiễm HIV vào 30 năm trước là một phụ nữ sống tại TP HCM. Hiện người phụ nữ này vẫn được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và sống khỏe mạnh nhờ tuân thủ điều trị.
Trường hợp đầu tiên nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990. Người phụ nữ này lây nhiễm HIV từ chồng sắp cưới (người này nhiễm HIV vì có quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình trước đó). Khi đó, bà vừa tròn 30 tuổi. Từ khi phát hiện nhiễm HIV, bà được theo dõi định kỳ và đến năm 1997, bà bắt đầu uống thuốc kháng virus (ARV).
Một trường hợp khác là câu chuyện của chị N.T.T, 30 tuổi, sinh sống quận Nam Từ Liêm. Năm 2017, chị đã có chồng và hai con, trong một lần xô xát với người bạn mang căn bệnh HIV, chị không may bị phơi nhiễm do có vết thương ở cổ tay. Sau khi có kết quả dương tính với căn bệnh HIV, gia đình chị ly tán. Chị T rơi vào thời gian khủng hoảng. Được bố mẹ, anh chị em và bạn bè động viên, chị bắt đầu tích cực điều trị bằng thuốc ARV. Chị T luôn xét nghiệm HIV và lấy thuốc ARV định kỳ tại TTYT quận.
Nhận thấy sự chuyển biến tích cực của cơ thể, chị dần mở lòng và kết hôn lần hai. Năm 2020, chị đã sinh thêm người con thứ 3 với chồng mới. Nhờ tích cực điều trị, con của chị đã có kết quả âm tính với HIV.
Hiện nay, Việt Nam đang mở rộng điều trị ARV là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp tăng tuổi thọ cho người nhiễm HIV tại Việt Nam. Tính đến 31/12/2023, toàn quốc có 534 cơ sở y tế điều trị HIV (513 cơ sở báo cáo trên HMED đã sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT) tại 63 tỉnh, thành phố. Số người nhiễm HIV đang quản lý điều trị thuốc ARV là 178.928 người, trong đó 165.733 người đang điều trị thuốc ARV do BHYT chi trả (đạt 93%).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đạt được tiến bộ trong việc nâng cao tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Tỉ lệ duy trì điều trị thuốc ARV tại Việt Nam luôn đạt kết quả tốt. Trong số người đang điều trị ARV có 82% được làm xét nghiệm tải lượng HIV nhằm theo dõi hiệu quả điều trị ARV, trong số này có 98,3% người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.
Nhờ có thuốc ARV, sức khỏe của nhiều người mắc bệnh HIV đã có những chuyển biến tích cực. Từ đó, giúp cho họ có thể chất, tinh thần tốt hơn để tiếp tục sống và cống hiến những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Giữ tinh thần lạc quan, sẵn sàng cống hiến vượt qua mặc cảm bệnh tật
24 năm trước, chị Phạm Thị Huệ (sinh sống ở Hải Phòng) là người phụ nữ đầu tiên công khai nhiễm HIV/AIDS đầu tiên ở Việt Nam. Trước bão dư luận chị không e ngại, sợ hãi mà tiếp tục điều trị, cống hiến, trở thành nguồn động lực giúp nhiều bệnh nhân HIV vượt qua khó khăn.
Được biết, vào khoảng những năm 2000, khi HIV/AIDS trở thành một cơn ác mộng với xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Chị Huệ không may mắn chẩn đoán dương tính với căn bệnh thế kỷ này. Thời kỳ đó, HIV là một “án tử”, căn bệnh truyền nhiễm khiến mọi người sợ hãi. Những người nhiễm bệnh bị kỳ thị, gia đình có người mất do HIV không được họ hàng, hàng xóm phúng viếng, chia buồn.
Những bà mẹ có con bị phát hiện nhiễm HIV cũng bị xã hội cách ly. Thậm chí cả những cán bộ y tế liên quan đến căn bệnh này cũng bị vạ lây. Muôn vàn khó khăn khiến những người không may bị nhiễm HIV như chị Huệ thực sự bế tắc và tuyệt vọng. Tưởng chừng cuộc đời của chị sẽ mãi mãi chấm dứt.
Nhưng không vì thế mà chị bỏ cuộc, sau khi sinh đứa con trai út, chị đã tìm lại nghị lực sống, từ đó dần dần vượt qua nỗi đau để trở thành một người có ích. Chị Huệ bắt đầu tích cực tham gia các chương trình chữa bệnh dành cho người nhiễm HIV/AIDS. Chị thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện từ năm 2000 cho đến bây giờ.
Với sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể và lãnh đạo địa phương, chị đã thành lập ra nhóm tự lực của người nhiễm HIV năm 2003. Đến năm 2005 - 2010, chị tham gia làm tình nguyện viên Liên hợp quốc trong các chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Từ năm 2011 đến nay, chị làm việc cho Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng.
Một câu chuyện nữa là của anh Đồng Đức Thành là thành viên Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+), sinh năm 1976, sinh ra và lớn lên tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Đã từng học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật mỏ tại Đông Triều, Quảng Ninh. Anh từng chia sẻ, vào ngày sinh nhật năm 25 tuổi, anh nhận được kết quả chẩn đoán mình bị HIV/AIDS. Anh trải qua ngày sinh nhật tuổi 25 đầy tủi nhục, cô đơn, buồn bã, vô định trước biến động cuộc đời.
Không đầu hàng số phận, anh Thành quyết định trở thành một công dân có ích, đóng góp cho xã hội. Anh tìm đến Dự án “Đương đầu với HIV/AIDS” ở Quảng Ninh với mong muốn trở thành tình nguyện viên. Anh muốn được cất tiếng nói để bảo vệ những người vì nhiều lý do khác nhau mà mang trong mình căn bệnh thế kỷ.
Từ đó, anh chính thức về làm việc tại dự án. Cuộc đời anh bước sang một chương mới khi được đưa sang Thái Lan điều trị. Nỗ lực vươn lên, anh Thành không ngừng tự học ngoại ngữ và các kỹ năng nghề nghiệp khác. Anh đã trở thành thành viên Mạng lưới Người sống với HIV tại Việt Nam (VNP+), tham gia vào các diễn đàn với mục đích vận động chính sách về phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan HIV.
Hiện tại, anh là một trong những người sống chung với HIV tại Việt Nam đã công khai tình trạng có HIV của mình với báo chí, trên truyền hình và tham gia vào các diễn đàn vì mục đích vận động chính sách về phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Đồng thời, anh Thành cũng là một trong những người sống với HIV đầu tiên tại Việt Nam tham gia trong các chương trình Tăng cường sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của những người sống với HIV trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, gọi tắt là chương trình GIPA.
Thực tế, hiện nay, xã hội đã có cái nhìn khác dành cho những người không may mắn nhiễm phải căn bệnh thế kỷ. Các nhà khoa học chỉ ra rằng nếu được phát hiện sớm và chăm sóc tốt thì một người nhiễm HIV thì có thể sống khỏe hơn 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn. Nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối xử có thể giết chết người nhiễm virus HIV nhanh chóng.
Bên cạnh đó, tập thể dục thường xuyên cũng là một phần của lối sống lành mạnh và rất quan trọng với người nhiễm HIV. Các loại bài tập khác nhau sẽ phù hợp tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của một cá nhân trong quá trình điều trị HIV.
Một số nghiên cứu cho thấy, tập thể dục giúp đóng vai trò kiểm soát một số tác dụng phụ lâu dài của thuốc, chẳng hạn như thay đổi thành phần cơ thể và tăng cholesterol, chất béo trung tính và đường huyết… Nghiên cứu cũng cho thấy tập thể dục nhịp điệu 60 phút với cường độ vừa phải, 3 lần/tuần có thể cải thiện rối loạn tâm lý ở người nhiễm HIV/AIDS, giảm thiểu trầm cảm và lo lắng, nâng cao cảm giác hạnh phúc, cải thiện giấc ngủ hiệu quả.