Dấu hiệu ở tay chân cảnh báo thận 'kêu cứu'

Sau buổi tối đi uống bia với bạn bè, T. phát hiện tay chân và bọng mắt phù. Vào viện, bác sĩ chẩn đoán nam thanh niên suy thận cấp.

Hơn 2 năm trước, N.T.T (24 tuổi, trú tại Hà Nội) thường xuyên mệt mỏi nhưng anh chủ quan, cho rằng do áp lực công việc nên không tới bệnh viện kiểm tra.

Một lần, T. đi uống bia với bạn về, sáng ngủ dậy bọng mắt phù, cổ chân, tay sưng to nhưng anh nghĩ mình bị tích nước. Vài ngày sau, T. mới vào bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán nam thanh niên tổn thương thận cấp tính và được điều trị tích cực. Tuy nhiên, sau gần 2 năm theo dõi sát sao, T. vẫn dần mất chức năng thận và chuyển thành suy thận mạn tính.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Đồng Thế Uy - Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tổn thương thận cấp là sự suy giảm nhanh chức năng thận trong vài ngày tới vài tuần, gây ra tích tụ, ứ đọng các sản phẩm của quá trình chuyển hóa không nitơ (điện giải, kiềm toan) và các sản phẩm chuyển hóa nitơ như ure, creatinin.

Bác sĩ Uy khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Uy khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Uy cho biết các dấu hiệu của tổn thương thận cấp bao gồm:

Giảm lượng nước tiểu: Một trong những dấu hiệu đáng chú ý nhất của suy thận cấp là giảm lượng nước tiểu hoặc ngưng tiểu hoàn toàn.

Phù: Phù vùng chân, bàn chân, tay, mặt do việc giữ nước và muối trong cơ thể.

Mệt mỏi và ăn kém: Do tích tụ các chất độc hại và chất thải trong máu.

Buồn nôn và nôn: Có thể do tác động của các chất độc lên dạ dày và dấu hiệu của việc các chất thải không được loại bỏ qua thận.

Đau lưng và vùng thắt lưng: Đau và khó chịu ở vùng thắt lưng, có thể gặp cơn đau quặn thận do sỏi.

Bên cạnh các dấu hiệu trên, người bị tổn thương thận cấp còn có các dấu hiệu liên quan đến tim mạch như:

Huyết áp thay đổi: Huyết áp có thể thấp trong giai đoạn đầu của vô niệu nếu nguyên nhân là sốc. Nếu vô niệu kéo dài, huyết áp sẽ tăng, mức độ tăng phụ thuộc vào lượng nước đưa vào cơ thể. Quá tải thể tích và tăng huyết áp có thể gây phù phổi cấp.

Rối loạn nhịp tim: Nếu có kali máu tăng sẽ gây rối loạn nhịp tim, có thể dẫn tới ngừng tim và tử vong. Viêm màng ngoài tim có thể gặp do urê máu tăng.

Về thần kinh, người bệnh có thể bị chuột rút, co giật, hôn mê do rối loạn điện giải và urê máu tăng. Nguyên nhân thường là tưới máu thận không đầy đủ do chấn thương nặng, bệnh tật, phẫu thuật hoặc do bệnh thận tiến triển nhanh, tổn thương tại thận.

Theo bác sĩ Uy, tổn thương thận cấp là một trong những bệnh lý nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của người bệnh.

Nếu xử trí kịp thời, chức năng thận có thể phục hồi hoàn toàn. Ngược lại, nếu những nguyên nhân gây bệnh không được loại bỏ sớm, người mắc có nguy cơ tử vong rất cao do biến chứng của suy thận.

Khi có những biểu hiện lâm sàng trên, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để khám, sàng lọc và đánh giá. Người tổn thương thận cấp sẽ được xử trí tích cực tùy vào nguyên nhân gây tổn thương và từng giai đoạn tiến triển của bệnh.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dau-hieu-o-tay-chan-canh-bao-than-keu-cuu-2347257.html
Zalo