Cách thoa kem chống nắng không bị vón cục

Kem chống nắng là sản phẩm bảo vệ da không thể thiếu kể cả mùa hè hay mùa đông. Tuy nhiên, một số trường hợp sau khi thoa kem chống nắng lại thấy tình trạng vón lại trên da. Vì sao có hiện tượng này và cách dùng kem chống nắng thế nào?

Vì sao thoa kem chống nắng bị vón cục?

Nhiều người sau khi thoa kem chống nắng xuất hiện những vón cục nhỏ, trắng hoặc bết không đều, loang lổ trên da mặt. Hiện tượng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân từ sản phẩm và nguyên nhân từ thao tác sử dụng.

- Quy trình chăm sóc da không chuẩn: Đối với làn da khỏe mạnh, không peel da, không điều trị các tình trạng như trứng cá, nám... thì trong quy trình chăm sóc da hằng ngày, cần thực hiện các bước:

Buổi tối trước khi đi ngủ: Tẩy trang - sữa rửa mặt (tẩy da chết 2 lần mỗi tuần) - toner - serum - cấp ẩm.
Buổi sáng: Sữa rửa mặt - toner – serum - cấp ẩm – kem chống nắng.

Nếu thực hiện thiếu một trong các bước nêu trên, đặc biệt là không tẩy trang, tẩy da chết nhằm làm sạch sâu làn da, lâu ngày da sẽ kém mịn, tích tụ dần tế bào chết sẽ khiến da sần sùi. Lúc này trải qua các bước chăm sóc da, sẽ không mang lại hiệu quả, khi thoa kem chống nắng sẽ có hiện tượng bết dính, không đều màu, thậm chí có vệt trắng như bị mốc, vón cục.

Tẩy trang là bước làm sạch sâu cho da.

Tẩy trang là bước làm sạch sâu cho da.

- Da khô hoặc da nhiều dầu: Khi làn da quá khô, có vết nẻ li ti thậm chí mắt thường nhìn không rõ, khi thoa kem chống nắng sẽ có hiện tượng không đều màu, da không trơn láng mà trắng mốc, vón cục; hoặc khi da quá nhiều dầu, nhờn cũng xảy ra hiện tượng kem chống nắng không tiệp vào da, khiến da càng bóng và có hiện tượng vón cục.

- Thoa quá nhiều kem chống nắng: Không phải sử dụng càng nhiều kem chống nắng thì hiệu quả chống nắng càng cao. Khi sử dụng một lượng quá nhiều, kem chống nắng dư thừa đọng lại trên da sẽ bị oxy hóa và vón thành cục như ghét, hoặc đọng lại ở các nếp nhăn trên da mặt.

- Thành phần kem chống nắng không phù hợp: Trong kem chống nắng có chứa silicon, đặc biệt là khi thoa kem dưỡng hoặc kem lót ở bước trước đó không tương thích với kem chống nắng.

Trong nhiều loại mỹ phẩm thường có một lượng nhỏ silicon và những chất tạo màng. Các chất này có tác dụng khóa ẩm, làm mướt bề mặt da, nhưng có nhược điểm không thể thẩm thấu vào da. Vì vậy khi dùng kem chống nắng lại kết hợp với những sản phẩm này sẽ gây nên hiện tượng dính lớp và bị vón cục gây khó chịu.

Sử dụng 2 sản phẩm có kết cấu không hợp nhau, chẳng hạn như sản phẩm có kết cấu gốc dầu cùng sản phẩm có kết cấu gốc nước sẽ không hòa tan với nhau, do đó, sẽ gây nên hiện tượng tách lớp, vón cục.

- Kem chống nắng kém chất lượng: Sử dụng sản phẩm không được bảo quản tốt hoặc quá hạn sử dụng nên bị biến chất, hoặc mua phải kem chống nắng dởm, kém chất lượng, các thành phần được ghi trên bao bì không đúng.

Thoa kem chống nắng bị vón cục sẽ khiến da trở nên loang lổ, mốc, bẩn nên sẽ gây mất thẩm mỹ. Hơn nữa nếu da bị dính bụi bẩn, bã nhờn... sẽ gây bít tắc lỗ chân lông tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây mụn phát triển. Nếu không tẩy trang và làm sạch da cẩn thận còn khiến làn da phải đối mặt với nhiều bệnh lý ngoài da như trứng cá, viêm da...

Cách khắc phục tình trạng bôi kem chống nắng bị vón cục

- Làm sạch da: Trước khi thoa bất kỳ sản phẩm gì chăm sóc da đều phải làm sạch và thấm khô da. Sau đó đến các bước chăm sóc da, cuối cùng mới đến bước thoa kem chống nắng. Không thoa kem chống nắng ngay sau bước sử dụng serum - dưỡng ẩm. Hãy để một thời gian đủ cho serum - kem dưỡng thấm vào da rồi mới bôi kem chống nắng.

Không nên miết, thoa kem chống nắng trên da mà nên chấm tại các điểm trên mặt gồm trán – cằm – 2 bên gò má – mũi – cổ. Sau đó dùng ngón tay tán nhẹ và vỗ đều vào da. Với sản phẩm khô nhanh thì nên bôi đến đâu tán đến đó.

Lấy một lượng kem vừa đủ, chấm lên 5 điểm trên mặt và dùng ngón tay tán đều.

Lấy một lượng kem vừa đủ, chấm lên 5 điểm trên mặt và dùng ngón tay tán đều.

- Lựa chọn kem chống nắng phù hợp: Mỗi type da nên sử dụng loại mỹ phẩm khác nhau, tương tự với kem chống nắng cũng vậy.

Chọn kem chống nắng cho da dầu:

+ Nên dùng kem dạng gel, dạng sữa, dạng xịt hoặc dạng sáp... Những loại này đều có kết cấu mỏng nhẹ, thấm nhanh, giúp da khô thoáng, tránh bít tắc lỗ chân lông, tránh bóng nhờn.

+ Tránh sử dụng các sản phẩm có silicon

Chọn kem chống nắng cho da khô:

+ Nên chọn sản phẩm có thành phần dưỡng ẩm và chống oxy hóa, có chứa các hoạt chất như acid hyaluronic (có tác dụng giúp giữ ẩm cho da, giảm tình trạng da khô ráp và bong tróc), glycerin (có tác dụng dưỡng ẩm tự nhiên, giúp da mềm mịn và căng mướt), ceramides (giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da, ngăn ngừa mất nước).

+ Tránh các thành phần gây khô da dẫn đến da bong tróc, vón cục như: Cồn khô làm mất độ ẩm tự nhiên của da, gây khô da và kích ứng. Các loại hương liệu, paraben và chất tạo màu có thể gây kích ứng và làm tình trạng khô da trở nên nghiêm trọng hơn. Tránh kem chống nắng có chứa silicon.

- Bảo quản kem chống nắng: Để sản phẩm ở nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Đậy kín nắp sau khi sử dụng để tránh các tác động bên ngoài gây thay đổi cấu trúc sản phẩm và gây vón cục.

ThS.Trần Thị Luyến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-thoa-kem-chong-nang-khong-bi-von-cuc-16924112918124632.htm
Zalo