Măng tươi hay măng khô tốt hơn?
Trong dịp Tết, măng tươi và măng khô thường được người dân sử dụng để chế biến các món ăn truyền thống.
Măng tươi và măng khô đều là thực phẩm giàu chất xơ và khoáng chất nhưng có sự khác biệt đáng kể về thành phần dinh dưỡng, tác dụng đối với sức khỏe và cách chế biến.
1. Hàm lượng dinh dưỡng
Theo Healthline, măng tươi có hàm lượng calo thấp (27 calo trên 100g măng tươi), thích hợp cho người muốn giảm cân. Đây là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giúp hỗ trợ tiêu hóa, tạo cảm giác no. Ngoài ra, măng tươi chứa nhiều nước (khoảng 90%), các vitamin B6, vitamin A, vitamin C, các khoáng chất thiết yếu như kali, sắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất và chống oxy hóa. Tuy nhiên, măng tươi chứa hàm lượng cyanide cao hơn, có thể gây ngộ độc nếu không được sơ chế kỹ.
Măng khô qua quá trình xử lý giúp cô đặc hàm lượng chất xơ cao hơn so với măng tươi vì đã loại bỏ phần nước. Quá trình phơi dưới nắng khiến măng giàu protein hơn nhưng lại giảm vitamin C. Đặc biệt, măng khô là nguồn cung cấp selen - chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào khỏi tác hại của stress oxy hóa. Măng khô an toàn hơn măng tươi vì lượng cyanide đã giảm nhiều qua sơ chế.
Tác dụng đối với sức khỏe
Chất xơ trong măng tươi giúp thúc đẩy nhu động ruột, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là ung thư đại tràng. Các nghiên cứu cho thấy măng tươi giúp giảm cholesterol xấu, hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, theo PubMed, nếu không luộc kỹ, cyanide trong măng tươi có thể gây buồn nôn, chóng mặt hoặc ngộ độc.
Hàm lượng protein cao trong măng khô bổ sung năng lượng, hỗ trợ tái tạo và phát triển cơ bắp. Selen trong măng khô hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh, bảo vệ tế bào và tăng cường sức khỏe tổng thể. Măng khô dễ bảo quản và sử dụng lâu dài hơn, hỗ trợ tiêu hóa tốt nhưng khả năng cung cấp vitamin và khoáng chất kém hơn măng tươi. Măng khô thích hợp cho các món ăn đậm vị, cần nấu lâu như bún măng, vịt nấu măng.
Cách chế biến
Măng tươi cần lột vỏ, luộc không đậy nắp 20-30 phút và rửa lại nhiều lần để loại bỏ độc tố. Măng tươi phù hợp hơn khi bạn muốn chế biến nhanh, tận dụng được vitamin và dưỡng chất tươi.
Măng khô phải ngâm nước qua đêm hoặc luộc 1-2 giờ để mềm và loại vị đắng. Trong quá trình này nên thay nước thường xuyên để đảm bảo an toàn và tăng hương vị. Măng khô an toàn hơn, tiện lợi cho bảo quản và dùng trong các món ăn đậm đà.