Người phụ nữ sống khỏe kỳ diệu với thận lợn
Người phụ nữ Alabama đã vượt qua một cột mốc quan trọng khi trở thành người được ghép nội tạng lợn sống lâu nhất - khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng với quả thận mới trong 61 ngày.
"Tôi là siêu nhân", Towana Looney, 53 tuổi, cười khi chia sẻ với AP sau khi vượt qua các thành viên gia đình trong những chuyến đi bộ dài quanh New York trong quá trình hồi phục. Sự hồi phục mạnh mẽ của bà là động lực tinh thần quan trọng trong hành trình đưa việc ghép nội tạng từ động vật sang người thành hiện thực.
Chỉ có 4 người Mỹ khác từng được ghép nội tạng từ lợn chỉnh sửa gene - gồm hai trái tim và hai quả thận - nhưng không ai sống được quá 2 tháng. TS Robert Montgomery từ NYU Langone Health, người đứng đầu ca ghép thận cho Looney, cho biết: "Nếu gặp bà ấy trên phố, bạn sẽ không biết rằng đây là người duy nhất trên thế giới đang sống khỏe với một cơ quan nội tạng lợn hoạt động trong cơ thể".
Montgomery nhấn mạnh chức năng thận của Looney là "hoàn toàn bình thường". Các bác sĩ kỳ vọng bà có thể rời New York - nơi bà phải ở lại để kiểm tra sau phẫu thuật - để trở về nhà ở Gadsden, Alabama trong khoảng một tháng nữa.
"Chúng tôi khá lạc quan rằng giải pháp này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong một khoảng thời gian đáng kể", Montgomery cho biết.
Looney từng hiến tặng một quả thận cho mẹ vào năm 1999. Tuy nhiên, các biến chứng khi mang thai sau đó đã gây tổn thương nghiêm trọng đến quả thận còn lại, khiến nó bị hỏng hoàn toàn - một trường hợp rất hiếm gặp ở người hiến tặng còn sống.
Sau 8 năm chạy thận, bà được chẩn đoán rằng khả năng ghép thận từ người là rất thấp do cơ thể phát triển mức kháng thể cực cao, khiến thận hiến tặng khó có cơ hội sống sót.
Do không còn lựa chọn, Looney quyết định tham gia thí nghiệm sử dụng thận lợn. Khoảng 3 tuần sau ca ghép, các bác sĩ nhận thấy dấu hiệu cơ thể bà bắt đầu đào thải thận - tương tự một thí nghiệm trước đó vào năm 2023, khi quả thận lợn chỉ hoạt động được 61 ngày trong cơ thể một người đã chết.
Tuy nhiên, các bác sĩ đã điều trị thành công và không còn thấy bất kỳ dấu hiệu đào thải nào kể từ đó. Montgomery cho biết: "Chúng tôi không thực sự biết những rào cản tiếp theo là gì vì đây là lần đầu tiên tiến xa đến vậy. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ".
TS Tatsuo Kawai từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, người thực hiện ca ghép thận lợn đầu tiên trên thế giới vào năm ngoái, cho biết: "Tình hình của Looney là một trải nghiệm rất quý giá". Ông nhận định tiến triển tích cực của Looney sẽ mang lại bài học quan trọng cho các thử nghiệm sau này.
Các nhà khoa học đang biến đổi gene của lợn để các cơ quan của chúng giống người hơn, nhằm giải quyết tình trạng thiếu nội tạng ghép nghiêm trọng. Tại Mỹ, hơn 100.000 người đang chờ ghép tạng, trong đó phần lớn cần thận. Hàng nghìn người đã tử vong trong khi chờ đợi.
Cho đến nay, các ca ghép nội tạng lợn vẫn thuộc diện "sử dụng vì mục đích nhân đạo" - chỉ được FDA cho phép trong những trường hợp đặc biệt dành cho bệnh nhân không còn giải pháp nào khác.
Một số bệnh viện đang chia sẻ dữ liệu để chuẩn bị cho các thử nghiệm chính thức đầu tiên về ghép dị chủng, dự kiến sẽ bắt đầu trong năm nay. United Therapeutics, đơn vị cung cấp thận của Looney, đang nộp hồ sơ xin FDA phê duyệt để khởi động các thử nghiệm này.