Mang 'làn gió mới' vào nghệ thuật xiếc
Từ ngày 26.4-4.5, tại Rạp Xiếc Trung ương, chương trình nghệ thuật 'Ngày hội non sông' của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã không chỉ cống hiến cho khán giả những màn trình diễn mãn nhãn mà còn khơi dậy những cung bậc cảm xúc sâu lắng về lịch sử, về giá trị của hòa bình hôm nay.

Sự kết hợp giữa xiếc và các loại hình nghệ thuật tạo hiệu quả cao
12 suất biểu diễn của chương trình nghệ thuật Ngày hội non sông tại Rạp xiếc Trung ương đều bán hết vé, ước tính khoảng 15.000 lượt khán giả đã được xem chương trình vào dịp này.
Chương trình nghệ thuật Ngày hội non sông (Tác giả kiêm đạo diễn: NSND Tống Toàn Thắng) do Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chọn đề tài cách mạng, vốn ít được khai thác trong sân khấu xiếc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã kể lại hành trình thống nhất đất nước bằng chính ngôn ngữ hình thể đặc thù của bộ môn này: không thoại, không lời dẫn, chỉ có âm nhạc, ánh sáng, phục trang, đạo cụ và đặc biệt là chuyển động cơ thể.
Chương trình được kết cấu có chủ đề và được dàn dựng công phu hòa quyện đầy thú vị giữa các loại hình nghệ thuật như: Âm nhạc, múa, kịch và chủ đạo vẫn là nghệ thuật xiếc.
Ngày hội non sông đã tái hiện những khoảnh khắc lịch sử 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua các màn trình diễn, chương trình gửi gắm thông điệp về tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và sức mạnh của sự đoàn kết.
Chương trình gồm 3 phần: Quê hương ba miền, Xẻ dọc Trường Sơn và Ngày hội non sông, dẫn dắt người xem đi qua hành trình nhiều tầng cảm xúc - từ vẻ đẹp của đất nước đến khói lửa chiến tranh, rồi vỡ òa trong ngày đoàn tụ Bắc - Nam một dải.

Những điệu múa, phong tục tập quán được tái hiện sinh động qua ngôn ngữ xiếc
Phần mở đầu là những điệu múa, hoạt cảnh tái hiện văn hóa và sinh hoạt tiêu biểu của 3 miền đất nước. Mọi hình ảnh được sắp đặt như một lời chào ngọt ngào, đậm hồn quê hương.
Tiếp nối là không khí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tái hiện lại chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Giữa khói và tiếng bom, những pha xiếc nhào lộn, đu bay với vận tốc cao khiến khán giả nghẹt thở, như chính tinh thần cảm tử của những người lính năm xưa.
Cao trào cảm xúc có lẽ dồn tụ trong tiết mục tri ân 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Trên nền nhạc Cúc ơi (Yến Thanh) - ca khúc da diết, sâu thẳm như lời ru từ lòng đất, các nghệ sĩ thực hiện kỹ thuật đu dây trên cao, trắng áo giữa nền tối, như lơ lửng giữa ranh giới sống chết. Là nhạc nền cho xiếc, nhưng bài hát Cúc ơi vẫn đủ sức khiến người xem lặng đi.

Nhiều khoảnh khắc xúc động đối với khán giả
Không chỉ có Cúc ơi, phần lắng lại đầy chất suy tưởng còn có tiết mục trên nền Huyền thoại mẹ (Trịnh Công Sơn), tôn vinh hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng gánh gạo nuôi quân, tiễn con ra trận...
Một điểm nhấn giàu chất điện ảnh là cảnh tượng lá cờ đỏ sao vàng bất ngờ bật sáng trong đêm tối ở phân cảnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Màn ánh sáng đột ngột ấy khiến cả rạp như nín lặng vài giây, trước khi vỡ òa trong tiếng nhạc Tiến về Sài Gòn.
Khép lại chương trình là màn đu nón đầy sáng tạo trên nền ca khúc Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà) và Như có Bác trong ngày đại thắng (Phạm Tuyên). Không khí ngày hội non sông với hình ảnh đoàn quân trở về, cùng những cô gái áo dài trắng nắm tay nhau đi trong cờ hoa chiến thắng. Một kết thúc mở ra tương lai, không phải bằng pháo hoa rực rỡ, mà bằng ánh mắt rạng rỡ, đầy hy vọng.

Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng, tác giả kiêm tổng đạo diễn chương trình chia sẻ, kịch bản đã được ông chuẩn bị từ lâu, nhưng việc dàn dựng chỉ hoàn thiện trong vòng hai tháng. Tất cả các tiết mục đều xây dựng theo dạng hoạt cảnh.
NSND Tống Toàn Thắng khẳng định: “Qua việc chuyển hóa những câu chuyện lịch sử thành nghệ thuật, chúng tôi mong muốn truyền tải đến khán giả, đặc biệt là giới trẻ, thông điệp về tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc, sức mạnh của tinh thần đoàn kết và ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa, lịch sử. Cách xử lý trên sân khấu khiến khán giả ngạc nhiên, giúp thay đổi cái nhìn của mọi người về sân khấu xiếc truyền thống”.
Xiếc giờ đây không chỉ là trò nhào lộn mạo hiểm, mà là phương tiện kể chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể, lắng đọng, sâu xa và đầy xúc cảm.

Những tràng vỗ tay không ngớt ở mỗi cảnh chuyển, tiếng nức nở khe khẽ ở tiết mục tri ân Đồng Lộc, rồi ánh mắt sáng lên của các em nhỏ khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong hồi kết... tất cả đã khẳng định một điều: nếu biết chọn đúng đề tài, kể bằng trái tim và sự sáng tạo, xiếc có thể đi xa hơn nhiều giới hạn vốn có.
Ngày hội non sông như một lời tri ân sâu sắc đến thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đồng thời cũng mang tới quan điểm làm nghệ thuật của các nghệ sĩ xiếc , mong muốn mở rộng các đối tượng người xem, từ các em nhỏ đến người lớn, cùng chung tay vun đắp một không gian văn hóa sáng tạo mới mẻ từ các chương trình nghệ thuật mang tính chính luận.