50 năm - Một mùa văn chương đầy hương sắc

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, Văn học Việt Nam đã có những bước tiến dài. Hòa cùng dòng chảy lịch sử đó, 50 năm qua, các cây bút Thái Nguyên đã 'cháy hết mình' trong sáng tạo, làm nên một mùa hoa văn chương nhiều hương sắc, có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên tổ chức ra mắt tác phẩm mới.

Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên tổ chức ra mắt tác phẩm mới.

Tiếp nối những giá trị văn chương từ thời Việt Bắc, trong những năm đầu của thập kỷ 70 và nhất là sau những năm thống nhất đất nước (1975), văn học Thái Nguyên mà mũi nhọn là văn xuôi đã đạt được những thành tựu đáng mừng; xuất hiện cùng một lúc nhiều nhà văn, tiêu biểu như: Lê Minh, Xuân Cang, Vi Hồng… và những cây bút trẻ như: Trịnh Thanh Sơn, Hoàng Minh Tường, Hồ Thủy Giang, Nguyễn Anh Bình, Chu Hồng Hải, Nguyễn Đức Thiện… với những tác phẩm phản ánh khá chân thực và sâu sắc công cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước.

Trong thời kỳ này, văn xuôi khá đa dạng về đề tài, từ người lính ngoài tiền tuyến đến những người mẹ, người vợ… ở hậu phương; từ đề tài nông thôn, công nghiệp đến đề tài miền núi đều vô cùng phong phú.

Sự xuất hiện nhiều tác phẩm sinh động, hấp dẫn của các nhà văn gạo cội cùng các tác giả trẻ trong những năm tháng này đã làm nên một đội ngũ khá hùng hậu. Hai giải thưởng từ Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1972) của Nhà văn Vi Hồng, Hồ Thủy Giang và bốn giải thưởng trong cùng một cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ quân đội (năm 1980) của Xuân Cang, Trịnh Thanh Sơn, Hồ Thủy Giang, Chu Hồng Hải đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc và giới phê bình.

Những năm tháng ấy, giới chuyên môn đã đánh giá Bắc Thái là một trong vài tỉnh, thành có thế mạnh trong sáng tác văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn.

Sau những năm từ 1980 đến 1985, nhiều nhà văn ở Bắc Thái trở về Trung ương công tác hoặc chuyển sang các tỉnh khác (Xuân Cang, Hoàng Minh Tường, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Anh Bình, Nguyễn Đức Thiện…) đã để lại tỉnh nhà một khoảng trống lớn về văn xuôi nói riêng và văn học nói chung. Các tác giả văn xuôi trong tỉnh chỉ còn lại đôi ba người cầm bút. Thơ và lý luận phê bình hoàn toàn chưa có tiếng nói với nền văn chương cả nước.

Về thơ, phải tới hai mươi năm sau, bắt đầu từ Võ Sa Hà với các tập thơ "Sóng nhạc hồn tôi", "Ngựa đá"… tiếp theo là Nguyễn Thúy Quỳnh với "Giá mà em từ chối", "Mưa mùa đông"… Hồ Triệu Sơn với " Mưa bụi", Nguyễn Kiến Thọ với "Thanh Minh" cùng những giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội, Liên hiệp VHNT Việt Nam… Thái Nguyên mới dần dần xuất hiện những cây bút thơ sáng giá.

Từ những năm đầu thế kỉ XXI đến nay, thơ Thái Nguyên đã trở thành một hiện tượng đối với nền thơ toàn quốc, nhiều người được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Trước sự bùng nổ của thơ, văn xuôi vẫn khá trầm lắng. Bước sang thập kỉ thứ hai của thế kỉ XXI, văn xuôi Thái Nguyên mới khởi sắc trở lại. Mở màn cho giai đoạn sáng tác này là tiểu thuyết "Bão rừng" của Phạm Đức Thái Nguyên. Cuốn sách viết dựa theo một vụ án có thật xảy ra trên địa bàn Thái Nguyên vào những năm cuối thế kỉ XX. Tác phẩm đã đoạt giải Ba Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam năm 2011.

Sau tiểu thuyết "Bão rừng", như một sự kích thích sáng tạo, các tác giả Thái Nguyên đồng loạt cho ra đời những cuốn tiểu thuyết về nhiều đề tài khác nhau: đề tài công nghiệp như "Cơm áo chợ đời", "Linh khí" của Phan Thái, "Danh gia đất mỏ", "Lộ diện" của Nguyễn Văn; đề tài nông thôn như "Gió Đồng làng Am" của Ngọc Thị Kẹo, "Cánh đồng mùa trăng" của Cồ Thị Thơm; đề tài về mối quan hệ giầu/nghèo trong thời kỳ bước vào Đổi mới như "Con đường cát bụi" của Hồ Thủy Giang…

Cũng trong thời ky này, lịch sử đã trở thành một đề tài đặc biệt được các cây bút văn xuôi Thái Nguyên quan tâm. Chỉ trong một thời gian không dài, các tác giả trong tỉnh đã cho xuất bản khoảng mười lăm, mười sáu tiểu thuyết lịch sử. Có thể kể đến "Linh Sơn tử chiến", "Thanh gươm và cây tính tẩu", "Thái Nguyên quân hiệu úy"… của Phan Thái; "Tể tướng Lưu Nhân Chú", "Thái Nguyên - 1917" của Hồ Thủy Giang; "Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh" của Phạm Đức…

Một ưu điểm lớn của tiểu thuyết lịch sử ở Thái Nguyên là các nhà văn đã thay thế lối viết "danh nhân lịch sử" xưa cũ bằng lối viết "Nhân vật lịch sử" để người đọc có thể nhìn nhận lịch sử một cách chân thực hơn.

Vừa qua, để chuẩn bị cho hội nghị tổng kết 50 năm thành tựu văn học, nghệ thuật Thái Nguyên sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã làm công tác khảo sát, đánh giá 50 tác phẩm Văn học Nghệ thuật xuất sắc để vinh danh trong hội nghị. Bao gồm 6 tác phẩm văn xuôi: Tập truyện ký "Đường về với mẹ chữ" của Vi Hồng; tiểu thuyết "Những người mở đường" của Hồ Thủy Giang; "Bão rừng" của Phạm Đức; Tập truyện ngắn "Những con đường, những dòng sông" của Lê Thế Thành; "Tiếng chim kỉ giàng" của Bùi Thị Như Lan; tiểu thuyết "Ba ông đầu rau" của Hà Đức Toàn. 4 tác phẩm thơ: "Câu hát vắt qua vai" của Ma Trường Nguyên; "Cánh chim về núi" của Võ Sa Hà; "Quên và nhớ" của Thế Chính; "Gửi người cuối sóng" của Nguyễn Kiến Thọ đã được lựa chọn là những tác phẩm tiêu biểu. Đó là những tác phẩm có thể đại diện cho nền văn chương tỉnh nhà trong 50 năm qua.

Mặc dù những thành tựu nói trên đã trở thành những dấu son đối với nền văn học trong tỉnh, nhưng bên cạnh những thành tựu ấy, vẫn dễ dàng nhận thấy những điểm yếu chưa thể khắc phục. Hầu hết tác phẩm được xuất bản trong 50 năm qua, kể cả những tác phẩm được vinh danh, tuy đều đoạt giải ở Trung ương và giải cao ở địa phương, nhưng nhìn chung còn mỏng mảnh về dung lượng và chưa có tác phẩm nào có tầm khái quát lớn, mang tầm thời đại. Đặc biệt là chưa có sự bứt phá trong bút pháp, cách tân trong thi pháp…

Tuy nhiên, nói theo lối nói dân gian của đồng bào dân tộc là "có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa", các tác phẩm văn học 50 năm qua thể hiện quan điểm, tư tưởng của Đảng đã góp phần định hướng, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết đến người dân. Những tác phẩm văn học có tính giáo dục, nhân văn, góp phần định hướng tư tưởng chính trị, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, lên án cái xấu, góp phần phòng chống tội phạm, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng con người Thái Nguyên phát triển toàn diện.

Hải Yến

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202505/50-nam-mot-mua-van-chuong-day-huong-sac-7a92619/
Zalo