Mái ấm của những người khuyết tật Đơn Dương
Với nhiều hoạt động hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống, Hội Người khuyết tật Đơn Dương từ lâu đã trở thành một mái nhà chung cho những người khuyết tật trên địa bàn huyện.
• TÌM THẤY NIỀM VUI SỐNG
Sinh năm 1973, người thôn Nghĩa Lộc, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, bà Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết bà là một trong những người đầu tiên xin gia nhập vào Hội Người khuyết tật (NKT) Đơn Dương khi được vận động trong nhiều năm trước đây.
“Lúc đó là năm tôi 17 tuổi, tôi được một bác trong huyện vận động nên rất mừng khi biết có một hội của những NKT đồng cảnh ngộ như thế. Từ đó đến nay, tôi luôn tham gia sinh hoạt Hội” - bà Phương nói.
Bà Phương chia sẻ, ngày còn nhỏ bà cũng lành lặn như những đứa trẻ khác trong thôn. Năm 8 tuổi, bà bị ngã xe, cú ngã khiến bà chấn thương cột sống, 2 chân và 1 tay bị liệt. Di chứng đó đến giờ vẫn theo bà, hằng ngày bà phải đi lại bằng xe lăn.
Bệnh tật đã khiến bà Phương thay đổi hẳn, khép mình lại, mất tự tin. Những năm tháng sau đó, bà sống trong mặc cảm, xấu hổ vì khiếm khuyết của bản thân; không dám gặp hay nói chuyện với bất cứ ai, chỉ đến đêm mới dám ra ngoài nhưng vẫn phải lấy khăn bịt kín mặt.
Khi vào Hội NKT của huyện, cuộc sống bà đã dần thay đổi. Trong Hội bà gặp được rất nhiều người có hoàn cảnh giống mình thậm chí còn bất hạnh hơn cả mình. Điều này khiến bà cảm thấy bản thân còn rất may mắn hơn người khác. Bà như tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia và tình yêu thương ấm áp của mọi người.
Và bà Phương, thông qua Hội, đã theo học rất nhiều nghề để mưu sinh, từ học kéo áo len và làm nghề len trong rất nhiều năm, nhưng sau đó do sản phẩm không có đầu ra nên bà lại học làm tranh chữ thập, rồi nhận trẻ về nhà nuôi và làm thêm nhiều việc khác. Hiện bà đang sống cùng cha mẹ mình như là chỗ nương tựa, phụ làm việc nhà hằng ngày giúp đỡ cha mẹ nay đã lớn tuổi trong khi các anh em trong nhà lần lượt có gia đình ra riêng.
“Thật ra mình cũng giống như bao người, chỉ là không may mắn thôi. Ai cũng như ai, người lành lặn làm việc của người lành lặn thì NKT cũng phải cố gắng làm mọi việc để tự nuôi sống bản thân mình” - bà Phương tâm niệm.
Một người khác cũng có những nỗ lực đáng ghi nhận mà chúng tôi có dịp gặp trong Hội NKT Đơn Dương là ông Trần Đại Dương.
Ông Dương sinh năm 1980, người quê Thái Bình, vào Lâm Đồng sinh sống từ năm 2012 tại thôn Quảng Hòa, xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương. Ông kể trước đây ông từng là một nhà thầu xây dựng. Năm 2011, ông bị tai nạn lao động đáng tiếc, hậu quả là bị mất một chân vì vụ tai nạn này.
“Tôi khi thấy bản thân như vậy rất buồn. Từng là một nhà thầu, đi lại rất nhiều nơi với các công trình để làm việc, giờ phải ngồi một chỗ như thế này. Thậm chí tôi cũng từng có ý nghĩ kết thúc cuộc đời nhiều lần…” - ông Dương tâm sự.
Để thay đổi môi trường sống, vợ chồng ông đã đưa cả nhà vào quê mới Đơn Dương và tại đây thông qua sự giới thiệu, ông Dương đã gia nhập Hội NKT và rồi tìm thấy niềm vui sống trở lại.
“Trong những ngày tháng suy sụp đó tôi nhờ vợ con động viên an ủi rất nhiều. Rồi khi vào Hội, được biết nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình nhưng vẫn nỗ lực, tôi mới thấy mình còn may mắn vì còn mạng sống, còn đôi tay lao động được, còn gia đình để thương yêu, rồi có rất nhiều người đồng cảnh như mình để chia sẻ bầu bạn" - ông Dương nói.
Và nay ông Dương đã dần trở lại như một con người ngày trước từng có, năng động, vui vẻ, làm việc chăm chỉ hằng ngày. Ông vẫn tiếp tục nghề thầu xây dựng của mình ngày trước, rồi làm cả nghề sắt, nghề hàn và đặc biệt, rất sẵn sàng dạy nghề cho những NKT trong Hội của mình nếu ai muốn học nghề.
• KHI HỘI LÀ MÁI ẤM
Theo bà Đỗ Thị Vân Lan - Chủ tịch Hội NKT Đơn Dương, hiện Hội có 315 hội viên. Rất nhiều hoạt động mà Hội NKT huyện lâu nay theo bà Vân, đã tổ chức cho các hội viên của mình. “Bản thân tôi cũng là NKT nên hiểu NKT cần gì, mong muốn gì khi vào Hội. Cho nên Hội luôn chú trọng đến việc xây dựng môi trường sinh hoạt hiệu quả, xây dựng niềm tin cho mọi người, làm cho các thành viên xem đây như một gia đình, một nơi có thể tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ và kết nối với nhau” - bà Vân nói.
Trước nhất, Hội tạo điều kiện cho những hội viên của mình được học nghề. Với những hội viên có mong muốn học nghề để có việc làm, nuôi sống bản thân, Hội sẽ giới thiệu đến những người có kinh nghiệm hướng dẫn, chỉ dạy, đào tạo các nghề như đan len, sửa xe máy, xe đạp, may vá, chăm sóc cây kiểng, nấu rượu cần, nghề đất sét nung làm bình, ấm,... Hầu hết đều đào tạo miễn phí. Cho đến nay rất nhiều hội viên trong Hội sau khi học nghề đã có việc làm, có người sống tốt với nghề đó.
Trong sinh hoạt, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động nhân các dịp lễ, tết hay các dịp đặc biệt; tổ chức thăm hỏi đau yếu; cập nhật sinh nhật của những người hội viên từ 70 trở lên để mừng thọ. Vào ngày NKT Việt Nam (18/4) hằng năm, Hội tổ chức chương trình gây quỹ học bổng để trao cho các em khuyết tật học giỏi. Con em của các thành viên trong Hội cũng được nhận học bổng từ Hội nếu có thành tích học tập tốt. Vào ngày NKT Quốc tế (3/12), Hội tổ chức giao lưu văn nghệ gây quỹ dùng để tặng quà Tết cho những hội viên khó khăn.
Hội cũng cập nhật tình hình bệnh tật, mức độ khuyết tật của những hội viên; xác minh hoàn cảnh gia đình hội viên mới để báo cáo lên ngành chức năng có hỗ trợ giúp đỡ phù hợp theo chính sách nhà nước; vận động các gia đình có người thân trong diện khuyết tật nên gia nhập Hội, đồng thời xây dựng một nhóm tình nguyện viên chuyên giúp đỡ những hội viên khác không nơi nương tựa lúc ốm đau, bệnh tật.
“Với phương châm không một ai bị bỏ lại phía sau, đến nay, Hội chúng tôi có thể nói đã nỗ lực xây dựng được một tập thể gắn kết, yêu thương, chia sẻ, đồng cảm với nhau giữa các hội viên; xây dựng Hội như một gia đình thứ hai của những hội viên của mình nơi mà mọi người cảm thấy thoải mái, tự tin và sẵn sàng bộc bạch tâm tư của mình, tìm thấy niềm vui sống và tự thân vươn lên, đó là điều đáng quý nhất” - bà Lan chia sẻ.