Mắc hội chứng Ehlers-Danlos cần lưu ý gì khi tập luyện?

Hội chứng Ehlers-Danlos là một rối loạn di truyền khiến da, khớp và mạch máu trở nên yếu và dễ tổn thương. Tập luyện có thể mang lại nhiều lợi ích cho người mắc hội chứng này, nhưng nếu không đúng cách có thể gây hại.

1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc hội chứng Ehlers-Danlos

Hội chứng Ehlers-Danlos là một nhóm các rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết - thành phần giúp nâng đỡ da, khớp, mạch máu và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Người mắc hội chứng này thường có da rất mỏng manh và đặc biệt là khớp lỏng lẻo, có thể di chuyển vượt quá phạm vi chuyển động bình thường, dễ xô lệch (trật khớp). Do cấu trúc mô liên kết bị yếu, những người này dễ gặp chấn thương khi vận động, thậm chí trong sinh hoạt thường ngày.

Dù có nhiều hạn chế về vận động, người mắc hội chứng Ehlers-Danlos vẫn có thể và nên tập luyện thể chất. Tuy nhiên, việc tập luyện cần được hướng dẫn và giám sát đúng cách để tránh chấn thương không mong muốn. Tập luyện hợp lý không chỉ giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp, hỗ trợ khớp tốt hơn, mà còn giúp tăng cường tuần hoàn, hô hấp và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ở người mắc hội chứng Elhers-Danlos, khớp lỏng lẻo, có thể di chuyển vượt quá phạm vi chuyển động bình thường, dễ xô lệch.

Ở người mắc hội chứng Elhers-Danlos, khớp lỏng lẻo, có thể di chuyển vượt quá phạm vi chuyển động bình thường, dễ xô lệch.

Tập luyện đúng cách mang lại nhiều lợi ích cho người mắc hội chứng Ehlers-Danlos, như giúp giảm đau mạn tính, cải thiện thăng bằng và sự ổn định khớp, đồng thời hạn chế nguy cơ té ngã hoặc trật khớp. Hoạt động thể chất điều độ còn giúp giảm mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ và hỗ trợ tâm lý, nhất là khi người bệnh cảm thấy mất tự tin vì những triệu chứng kéo dài.

Tuy nhiên, không phải bài tập nào cũng phù hợp với người mắc hội chứng Ehlers-Danlos. Việc lựa chọn đúng loại hình tập luyện và điều chỉnh cường độ tập là yếu tố then chốt giúp người bệnh đạt được lợi ích mà không phản tác dụng. Bác sĩ trị liệu cũng có thể hướng dẫn người bệnh dùng đai hoặc nẹp hỗ trợ giúp bảo vệ, ngăn ngừa sự xô lệch của khớp. Mỗi người bệnh cần hiểu rõ cơ thể và lắng nghe các tín hiệu từ khớp, cơ và mô mềm trong suốt quá trình vận động.

2. Một số bài tập phù hợp với người mắc hội chứng Ehlers-Danlos

- Bài tập dưới nước (như bơi lội, thủy trị liệu): Nước giúp giảm áp lực lên các khớp, đồng thời hỗ trợ chuyển động nhẹ nhàng và an toàn hơn. Đây là lựa chọn lý tưởng để tăng cường sức mạnh cơ mà không gây tổn thương khớp.

- Bài tập thăng bằng và kiểm soát chuyển động: Các bài tập như yoga nhẹ nhàng, pilates có thể cải thiện sự ổn định khớp và tư thế, từ đó giảm nguy cơ chấn thương; nên tránh các tư thế đòi hỏi duỗi khớp quá mức.

- Bài tập tăng cường cơ bắp nhẹ nhàng: Tập với tạ nhẹ, dây đàn hồi hoặc các bài tập với trọng lượng cơ thể, có thể giúp cơ bắp khỏe hơn, hỗ trợ tốt cho khớp. Tuy nhiên, cần tập chậm rãi, kiểm soát tốt từng động tác.

- Bài tập cải thiện tư thế: Người mắc hội chứng Ehlers-Danlos thường có tư thế sai lệch do cấu trúc khớp lỏng lẻo. Các bài tập tăng cường nhóm cơ lưng, bụng, mông có thể giúp điều chỉnh và duy trì tư thế đúng.

Tập luyện đúng cách mang lại nhiều lợi ích cho người mắc hội chứng Ehlers-Danlos.

Tập luyện đúng cách mang lại nhiều lợi ích cho người mắc hội chứng Ehlers-Danlos.

3. Lưu ý khi tập luyện đối với người mắc hội chứng Ehlers-Danlos

Để đảm bảo tập luyện đúng cách, an toàn người mắc hội chứng Ehlers-Danlos cần lưu ý:

- Luôn khởi động kỹ và kéo giãn nhẹ nhàng sau buổi tập để giảm nguy cơ chấn thương mô mềm.

- Tránh các hoạt động có nguy cơ cao gây trật khớp hoặc tổn thương khớp như chạy nhảy mạnh, nâng vật nặng hoặc các môn thể thao đối kháng.

- Luôn kiểm soát chuyển động chậm, chính xác và tránh rung lắc khớp, không thực hiện các động tác "bẻ khớp" hay duỗi quá giới hạn sinh lý.

- Lắng nghe cơ thể: Nếu có dấu hiệu đau tăng, mệt mỏi bất thường, trật khớp hoặc sưng đau sau tập, cần dừng lại và trao đổi với chuyên gia y tế.

- Tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu hoặc huấn luyện viên có kinh nghiệm với người mắc hội chứng Ehlers-Danlos là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

- Kiên trì và điều độ: Với người mắc hội chứng Ehlers-Danlos, cải thiện thể chất là một quá trình chậm rãi, cần duy trì lâu dài chứ không thể đốt cháy giai đoạn.

Mời bạn đọc xem thêm:

BS. Ngô Đức Nhuân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mac-hoi-chung-ehlers-danlos-can-luu-y-gi-khi-tap-luyen-169250404100321741.htm
Zalo