Lý do vì sao thường dâng cúng 3 hoặc 5 bát bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực?
Bánh trôi nước, bánh chay là những món ăn quen thuộc vào ngày Tết Hàn thực mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, kết tinh của nét đẹp văn hóa và bản sắc của người Việt.
Tết Hàn thực được du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc trong quá trình giao thoa văn hóa. Nhưng Tết Hàn thực của người Việt mang bản sắc và ý nghĩa khác với Tết Hàn thực Trung Quốc. Cụ thể người Việt không kiêng nhóm lửa, vẫn ăn món nấu chín nhưng có đồ nguội tượng trưng là bánh trôi, bánh chay.
Tục lệ ăn bánh trôi, bánh chay được nhà nghiên cứu Trần Quang Dực cho là bắt đầu từ thời Lê Trung hưng. Học giả Lê Quý Đôn thời này cũng viết rằng "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy”.
Bánh trôi nước, bánh chay làm từ bột gạo được chế biến kết tinh văn hóa của nền văn minh lúa nước, cũng giống như bánh chưng, bánh giầy. Hình ảnh, bánh trôi, bánh chay tròn, trắng xếp đầy cạnh nhau gợi nhớ sự tích “mẹ Âu Cơ và bọc trăm trứng”.
Còn về phương diện ẩm thực, đây là 2 món bánh ngon, vị thanh mát rất dễ ăn. Hợp với tiết giao mùa nóng lạnh đan xen.
Còn vì sao khi lễ tổ tiên ngày Tết hàn thực, chúng ta thường dâng 3 hoặc 5 đĩa bánh trôi, bánh chay bát có 3 hoặc 5 viên? Theo quan niệm cổ của người Việt, số 5 là con số tượng trưng cho ngũ hành, tinh hoa đất trời hội tụ; số 3, có thuyết cho rằng vì cùng âm với chữ "đa" - nghĩa là "nhiều", cũng là con số được coi là may mắn. Nhìn chung đều thể hiện mong ước sinh sôi, phát đạt.