Lắng nghe và chia sẻ là 'chìa khóa' duy trì hạnh phúc gia đình
Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa - Quyền Viện trưởng Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, để giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình, người vợ và người chồng giữ vai trò như nhau. Bên cạnh đó cần tăng cường lắng nghe, chia sẻ giữa các thành viên để hun đúc hạnh phúc gia đình.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Có thể thấy, giá trị gia đình, dù trong truyền thống hay hiện đại, luôn mang ý nghĩa quan trọng trong việc định hình nhân cách, nuôi dưỡng tình yêu thương và tạo dựng nền tảng vững chắc cho cuộc sống. Đây cũng là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chống lại các tệ nạn xã hội, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh xã hội đổi thay, sự kết hợp giữa giá trị truyền thống và hiện đại sẽ là chìa khóa để xây dựng một mái ấm hạnh phúc và bền vững. Vậy cần làm gì để gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình trước sự vận động không ngừng của xã hội? Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Thị Hoa (Q. Viện trưởng Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) để hiểu hơn về vấn đề này.
Thưa PGS.TS Đặng Thị Hoa, theo bà hệ giá trị gia đình trong thời đại mới có gì khác biệt so với hệ giá trị gia đình truyền thống?
- Giá trị gia đình trong thời đại mới chính là sự tiếp nối, phát huy những giá trị truyền thống làm đa dạng hơn bản sắc đa văn hóa của gia đình Việt Nam. Những khác biệt của giá trị truyền thống gia đình trong thời đại mới là những biển đổi trong hôn nhân, các mối quan hệ của gia đình, giá trị nội tâm và tâm linh, tín ngưỡng... Bên cạnh đó là sự tiếp nhận những giá trị mới. Trong các giá trị mới, giá trị vay mượn, có những yếu tố sáng tạo để tạo ra các giá trị mới như việc mở rộng không gian giao tiếp của gia đình dựa vào các công nghệ, thiết bị hiện đại. Việc mở rộng các ngôn ngữ giao tiếp cũng làm mới hơn các mối quan hệ trong gia đình. Bên cạnh duy trì các nghi lễ mang tính lễ giáo truyền thống, các thể thức nghi lễ mới cũng xuất hiện làm phong phú hơn đời sống của gia đình, lan tỏa hơn các giá trị sống trong thời kỳ hiện đại.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, gia đình Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ nào thưa PGS.TS?
- Sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa đã tác động đến cấu trúc và chức năng của gia đình, dẫn đến những thay đổi trong lối sống, cách ứng xử và mối quan hệ giữa các thành viên. Nhiều gia đình chỉ lo phát triển kinh tế, thiếu sự quan tâm, chăm sóc cho con cái và chăm sóc giữa các thành viên. Các giá trị truyền thống đang dần thay đổi, ảnh hưởng đến quan niệm về hôn nhân và gia đình. Sự thay đổi này có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa các thế hệ và trong quan hệ vợ chồng; Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn phổ biến; Hay tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng,...
Thưa bà, công nghệ và mạng xã hội có ảnh hưởng ra sao đến giá trị truyền thống của gia đình?
- Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội đang có những ảnh hưởng lớn đến giá trị truyền thống của gia đình. Mặt tích cực, mạng xã hội giúp các thành viên gia đình duy trì liên lạc, đặc biệt khi ở xa nhau, tạo điều kiện chia sẻ thông tin và cảm xúc dễ dàng hơn. Đồng thời cũng góp phần tăng cường truyền thông, định hướng, tạo nên hiệu ứng xã hội, tác động tích cực đến nhận thức, thái độ và hành vi của cả cộng đồng.
Ngược lại, sự phổ biến của mạng xã hội vô tình tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Nếu như trước đây các thành viên thường dành thời gian tâm sự, chia sẻ với nhau thì hiện nay phần lớn thời gian dành cho mạng xã hội...
PGS.TS hãy nêu những giải pháp để gìn giữ, phát triển hệ thống giá trị gia đình?
- Bên cạnh sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội, các chính sách hỗ trợ, chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội, thì vấn đề vận động trong mỗi gia đình, từng cộng đồng thôn xóm là yếu tố quan trọng. Mỗi hoàn cảnh, mỗi gia đình sẽ có những yếu tố đặc biệt riêng, song yếu tố chung quan trọng quyết định đến sự phát triển hệ thống giá trị gia đình là cảm nhận của mỗi thành viên. Gia đình khi xảy ra vấn đề, kể cả bạo lực gia đình, việc ngồi lại chia sẻ cùng nhau có thể giúp giải tỏa được mâu thuẫn. Người vợ và người chồng có vai trò như nhau để giữ được những giá trị truyền thống của gia đình.
Ngoài các phương pháp giáo dục con cái truyền thống thì cần áp dụng thêm những phương pháp giáo dục hiện đại, phù hợp với từng bối cảnh. Sự giáo dục trẻ em trên ghế nhà trường từ sớm cũng đóng vai trò không nhỏ. Khi được định hình nhân cách tốt thì những đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành ông bố, bà mẹ tốt. Ví dụ trong vấn đề dạy dỗ con cái, không nhất thiết phải dạy con trẻ đi đâu cũng phải khoanh tay xin phép bố mẹ, chào mọi người. Hình thức lễ nghĩa truyền thống này gây ra những phản cảm đối với con trẻ, lúc nhỏ trẻ sẽ nghe lời nhưng khi lớn lên con có thể không thích. Lúc này bố mẹ cần thay đổi quan điểm, giải thích những điều con nên và không nên làm. Quá trình dạy dỗ cần thời gian rất dài để hình thành nên nhân cách của một đứa trẻ, cha mẹ cần bám sát và thấu hiểu được tâm lý của con cái.
- Trong xã hội hiện nay, sự chia sẻ giữa người với người đang dần ít đi, đối với cả những bạn trẻ đã và chưa lập gia đình. Các bạn trẻ cần tăng cường lắng nghe, chia sẻ với nhau vì đây là yếu tố rất quan trọng, giúp giữ được hôn nhân, hạnh phúc gia đình.