Lý do Ukraine khó chống đỡ UAV phản lực của Nga

Việc triển khai các dòng máy bay không người lái (UAV) sử dụng động cơ phản lực đã tạo ra một thay đổi quan trọng trong cuộc chiến Nga - Ukraine.

Trong đó, Shahed-238, phiên bản nâng cấp từ dòng UAV Shahed-136 đang đóng vai trò ngày càng lớn trong chiến lược tấn công tầm xa của Nga.

Với tốc độ cao, khả năng tàng hình tốt hơn và hệ dẫn đường cải tiến, dòng UAV này được cho là đã gây ra áp lực đáng kể đối với hệ thống phòng không của Ukraine.

UAV Nga tập kích Ukraine hồi năm 2022 - Ảnh: Reuters

UAV Nga tập kích Ukraine hồi năm 2022 - Ảnh: Reuters

Chuyển đổi về công nghệ và chiến thuật

Theo National Interest, Shahed-136 là mẫu UAV "tự sát" chạy bằng cánh quạt, do Iran sản xuất, được Nga sử dụng rộng rãi kể từ tháng 9.2022. Ưu điểm chính của dòng UAV này là giá thành thấp, dễ triển khai, cho phép thực hiện các cuộc tấn công với số lượng lớn. Tuy nhiên, tốc độ chậm và đường bay dễ đoán khiến Shahed-136 dễ bị tổn thương trước các hệ thống phòng không tầm ngắn của Ukraine như MANPADS và súng phòng không.

Cuối năm 2023, Iran công bố Shahed-238, một biến thể sử dụng động cơ phản lực. Nga nhanh chóng tiếp nhận mẫu này và phát triển phiên bản nội địa có tên Geran-3, được trang bị động cơ phản lực Tolou-10/13 sản xuất trong nước. Đây là bước tiến đáng kể, khi tốc độ và hiệu quả tác chiến của Shahed-238 vượt xa bản trước đó.

Shahed-238 vẫn giữ thiết kế cánh tam giác nhưng được bổ sung cửa hút gió và lớp sơn đen có thể nhằm giảm khả năng bị phát hiện trong các hoạt động ban đêm. Tính năng này cho thấy hướng phát triển tập trung vào tăng tính khó đoán và khả năng xâm nhập không phận đối phương mà không bị phát hiện sớm.

Shahed-238/Geran-3 được phân thành 3 biến thể, mỗi biến thể sử dụng hệ thống dẫn đường khác nhau, phục vụ cho các mục tiêu khác nhau. Biến thể dẫn đường quán tính (INS) kết hợp GPS/GLONASS, dùng cho các cuộc tấn công vào mục tiêu được lập trình sẵn. Biến thể sử dụng đầu dò hồng ngoại/quang điện tử nhắm vào các mục tiêu có dấu hiệu nhiệt, như phương tiện quân sự đang hoạt động. Còn một biến thể tích hợp radar chủ động, tấn công các hệ thống phòng không, radar và trạm kiểm soát.

Đặc biệt, một số linh kiện của dòng UAV này được cho là có nguồn từ các bên thứ 3. Những thành phần này đã thay thế các linh kiện từng có nguồn gốc từ phương Tây, giúp Nga và Iran phần nào né tránh tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế.

Kể từ năm 2024, Nga đã tập trung dây chuyền sản xuất UAV tại khu kinh tế đặc biệt Alabuga, với công suất khoảng 440 UAV mỗi tháng, mục tiêu đến năm 2025 sản xuất 6.000 chiếc UAV thuộc dòng Shahed-136/Geran-2. Trong khi đó, dòng Shahed-238 phản lực tuy có chi phí cao hơn, vẫn được duy trì sản xuất nhờ hiệu quả chiến thuật.

Việc này cho thấy định hướng chiến lược mới của Nga nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và tăng tính chủ động trong phát triển vũ khí không người lái. Song song đó, Nga còn phát triển UAV mồi nhử Gerbera với sản lượng khoảng 50 chiếc/ngày nhằm làm quá tải hệ thống radar và tên lửa của Ukraine.

Thách thức mới với hệ thống phòng không Ukraine

Tốc độ cao của Shahed-238 khiến nó trở nên khó bị đánh chặn hơn so với Shahed-136. Nếu như bản cũ có thể bị ngăn chặn bằng súng máy hạng nặng, pháo hoặc thiết bị gây nhiễu tín hiệu, thì UAV phản lực buộc phải dùng đến hệ thống phòng không tầm trung đến tầm xa, trong đó có cả các tên lửa như NASAMS, IRIS-T hoặc Patriot.

Theo thống kê, Ukraine đã từng đạt tỷ lệ đánh chặn Shahed-136 lên đến 80 - 83% nhờ hệ thống phòng thủ phân tầng. Tuy nhiên, tốc độ nhanh và quỹ đạo phức tạp của Shahed-238 khiến hệ thống phòng thủ trở nên kém hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, việc sử dụng các tên lửa đánh chặn đắt tiền để đối phó với UAV giá rẻ gây áp lực lớn về kinh tế và hậu cần. Một tên lửa Patriot có giá khoảng 4 triệu USD, trong khi mỗi chiếc UAV phản lực như Shahed-238 được ước tính chỉ khoảng 150.000 USD.

Điều này làm phát sinh bài toán cân đối chi phí trong tác chiến phòng không của Ukraine, đặc biệt khi Nga có thể duy trì tần suất phóng UAV cao nhờ chi phí sản xuất tương đối thấp và dây chuyền lắp ráp ngày càng hoàn thiện.

Sự xuất hiện của UAV tốc độ cao như Shahed-238 không chỉ là thách thức với Ukraine mà còn là phép thử cho các hệ thống phòng không của NATO. Mô hình UAV tấn công chi phí thấp, tích hợp dẫn đường chính xác, có thể kết hợp với UAV mồi nhử sẽ làm giảm hiệu quả của phòng thủ tập trung vào mục tiêu có giá trị cao.

Từ góc độ chiến lược, việc UAV phản lực trở nên phổ biến có thể làm thay đổi cơ bản khái niệm về "ưu thế trên không", đặc biệt trong các cuộc xung đột cường độ thấp hoặc đối xứng. Việc một quốc gia có thể triển khai hàng loạt UAV giá rẻ nhưng hiệu quả tạo ra khả năng gây thiệt hại lớn mà không cần sử dụng đến máy bay có người lái hoặc tên lửa đắt tiền.

Một số quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc, đã quan tâm hoặc bắt đầu phát triển những mẫu UAV tương tự. Điều này cho thấy công nghệ UAV phản lực giá rẻ đang mở ra giai đoạn mới trong tác chiến phi đối xứng và khả năng phổ biến rộng hơn trong các điểm nóng khác trên thế giới.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ly-do-ukraine-kho-chong-do-uav-phan-luc-cua-nga-232416.html
Zalo