Lý do Tổng thống Trump đang đàm phán hạt nhân với Iran hiệu quả hơn ông Biden

Các cuộc đàm phán giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính phủ Iran về khả năng tái khởi động một thỏa thuận hạt nhân đã bắt đầu với tín hiệu tích cực vào cuối tuần qua. Thông tin trên đã được đại diện từ cả hai phía xác nhận mặc dù vẫn còn khá nhiều điểm bất đồng và chưa rõ ràng về các điều kiện cụ thể của mỗi bên.

Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ, ông Steve Witkoff và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi - hai người dẫn đầu phái đoàn tham gia đàm phán tại Oman vào ngày 12/4. Ảnh: Getty.

Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ, ông Steve Witkoff và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi - hai người dẫn đầu phái đoàn tham gia đàm phán tại Oman vào ngày 12/4. Ảnh: Getty.

Theo CNBC News, đáng chú ý là cả hai bên đều thể hiện sự lạc quan hơn về khả năng đạt được một thỏa thuận và cải thiện kênh đối thoại giữa những “kẻ thù” lâu năm. Phái đoàn của cả Mỹ và Iran đều nhất trí sẽ tổ chức thêm một vòng đàm phán nữa tại Rome (Italy) trong tuần này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran mô tả cuộc đàm phán hôm cuối tuần trước đã diễn ra trong “bầu không khí xây dựng và dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau”.

Điều này cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa cách tiếp cận của chính quyền của ông Biden trong nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và vị thế hiện tại của chính quyền Tổng thống Trump – một bối cảnh có lợi hơn nhiều cho Washington khi Iran được cho là đang ở thế yếu hơn.

“Tôi nghĩ người Iran hiện đang tuyệt vọng hơn một chút so với năm 2022 và họ phải đối mặt với nền kinh tế rất yếu”, ông Gregory Brew, chuyên gia cấp cao về Iran và năng lượng tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận định.

“Vị thế của Iran trong khu vực đã suy giảm đáng kể. Họ lo ngại không biết có thể chịu đựng thêm bao nhiêu áp lực nữa… Vì vậy, họ thực sự có động lực muốn đạt được một thỏa thuận sớm, và ông Trump đang trao cho họ hoặc có khả năng trao cho họ một cơ hội để đạt được điều đó”, ông nói thêm.

Ông Brew cũng lưu ý rằng ông Biden từng bị ràng buộc bởi áp lực dư luận, lo ngại sẽ bị chỉ trích là “mềm mỏng” với Iran. Trong khi đó, ông Trump lại không chịu những hạn chế tương tự khi ông vốn đã được xem là người cứng rắn với Iran và từng nhanh chóng tái áp đặt các lệnh trừng phạt "áp lực tối đa" lên nước này ngay sau khi nhậm chức.

Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia vào năm 2018, có tên chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Thỏa thuận hạt nhân này được ký kết năm 2015 dưới thời Tổng thống Barack Obama với sự tham gia của Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Anh, nhằm đưa ra những hạn chế và giám sát nghiêm ngặt hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, kể từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, nền kinh tế Iran được đánh giá là đã rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.

Thời gian qua, Iran đã phải đối mặt với tình hình bất ổn trong nước, đồng nội tệ mất giá đáng kể và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Vào cuối năm ngoái, Iran lại tiếp tục hứng thêm đòn giáng mạnh khi chính quyền Assad – đồng minh thân cận nhất của Tehran tại Trung Đông – đã sụp đổ tại Syria. Cùng lúc, đối thủ của Iran là Israel đã tiến hành ám sát phần lớn ban lãnh đạo cấp cao của Hezbollah - lực lượng thân tín của Iran tại Liban.

Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, trước đây luôn phản đối đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, các quan chức cấp cao Iran đã khởi xướng một nỗ lực nhằm thuyết phục ông thay đổi lập trường, coi đây là một bước đi sống còn đối với sự tồn tại của chính quyền hiện nay.

Chương trình hạt nhân của Iran thực chất là gì?

Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ không chấp nhận một quốc gia Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Những năm gần đây, mối lo ngại về vấn đề hạt nhân càng tăng lên khi Mỹ rút khỏi JCPOA và Iran đã gia tăng mạnh mẽ hoạt động làm giàu và tích trữ uranium, lên đến mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này khiến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tổ chức giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, liên tục đưa ra cảnh báo.

“Iran vẫn là quốc gia duy nhất không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng lại làm giàu uranium ở mức này, làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về khả năng phát triển vũ khí”, một thông cáo báo chí của Liên Hợp Quốc ngày 3/3 nêu rõ.

Dù Tehran khẳng định chương trình hạt nhân chỉ phục vụ mục đích dân sự trong lĩnh vực năng lượng, nhưng theo IAEA, mức độ làm giàu uranium của Iran đã chạm ngưỡng 60% – cao hơn rất đáng kể so với giới hạn được đặt ra trong thỏa thuận năm 2015 và chỉ cách mức độ để chế tạo vũ khí hạt nhân (90%) một bước ngắn về kỹ thuật.

Tổng thống Trump nhiều lần cảnh báo sẽ có hành động quân sự nếu Iran không thay đổi theo yêu cầu của Washington. “Tôi muốn có một thỏa thuận với Iran về vấn đề phi hạt nhân. Tôi thích điều đó hơn là phải ném bom dữ dội vào nước này”, Tổng thống Mỹ phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Post hồi đầu tháng 2.

Theo ông Ryan Bohl, chuyên gia cao cấp về khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại RANE Network, áp lực từ phía Mỹ rõ ràng đã tác động đáng kể đến thiện chí của Tehran trong việc trở lại bàn đàm phán.

“Tôi cho rằng Iran đang rất mong muốn xây dựng một khuôn khổ đàm phán khả thi, cho phép kéo dài quá trình thương lượng và trì hoãn nguy cơ xảy ra hành động quân sự mà Tổng thống Trump đã nhiều lần ám chỉ có thể diễn ra chỉ trong vài tháng tới”, ông Bohl nhận định.

Ông nói thêm: “Hơn nữa, nền kinh tế Iran có thể hưởng lợi từ bất kỳ tín hiệu nới lỏng nào để cải thiện tình hình thực tế, qua đó củng cố thêm sự ủng hộ của công chúng đối với nước Cộng hòa Hồi giáo”.

Tuy nhiên, các điều khoản cụ thể của một thỏa thuận tiềm năng vẫn chưa được bàn đến, và những vòng đàm phán tiếp theo sẽ hé lộ rõ hơn mức độ khác biệt trong lập trường của mỗi bên.

Vấn đề then chốt và cũng là điểm vướng lớn nhất hiện nay là việc Iran không sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình — một “lằn ranh đỏ” mà lãnh đạo Tehran khẳng định sẽ không vượt qua. Dẫu vậy, chính quyền Tổng thống Trump dường như có thể linh hoạt trong việc chấp nhận một dạng chương trình hạt nhân nhất định, miễn là không dẫn đến khả năng Iran chế tạo bom nguyên tử.

Các vòng đàm phán kế tiếp sẽ phải làm rõ những điều kiện cụ thể từ phía ông Trump - những yêu cầu mà đến nay vẫn chưa được công bố công khai.

“Cuối cùng, tôi nghĩ chìa khóa của các cuộc đàm phán này luôn xoay quanh những yêu cầu của Mỹ đối với Iran” ông Nader Itayim, biên tập viên khu vực Vịnh Trung Đông tại Argus Media, nhận định hôm 14/4.

“Liệu Mỹ có muốn phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran hay chỉ đơn thuần là đảm bảo xác minh để chắc chắn rằng chương trình này không được vũ khí hóa?”

“Tôi nghĩ ông Donald Trump đã thể hiện rât rõ ràng trong hai, ba tuần qua, cụ thể là không vũ khí hóa (vấn đề hạt nhân). Vũ khí hóa là ranh giới đỏ. Người Iran có thể thực hiện điều đó - họ luôn tuyên bố và nói rằng chúng tôi không theo đuổi vũ khí hạt nhân. Vì vậy, đây là một điểm khởi đầu tốt”, ông Itayim nói thêm.

Dù vậy, sự nghi ngờ giữa hai bên vẫn còn tồn tại một cách sâu sắc và những người theo đường lối cứng rắn với Iran - đặc biệt là đồng minh Israel của Mỹ - đã tỏ ra không hài lòng trước các cuộc đàm phán đang diễn ra và phản đối bất kỳ sự linh hoạt nào từ phía chính quyền của ông Trump.

Hôm 9/4, chỉ vài ngày trước vòng đàm phán giữa Mỹ và Iran tại Oman, Tổng thống Trump tuyên bố rằng nếu Iran không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, Israel sẽ “đóng vai trò dẫn đầu” trong bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào nhằm vào nước này.

Bình Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-tong-thong-trump-dang-dam-phan-hat-nhan-voi-iran-hieu-qua-hon-ong-biden-20250414231741914.htm
Zalo