Lý do không nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%

Mục tiêu của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là giúp người lao động quay lại làm việc sớm nhất chứ không phải hưởng trợ cấp thất nghiệp thời gian dài.

Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH chưa tính đến phương án điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó, một số đơn vị đề nghị cần tăng mức hưởng, thời gian hưởng đối với người mất việc làm.

Giới hạn mức hưởng, thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Luật Việc làm hiện hành quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với khu vực Nhà nước, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp.

Quá trình xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), cơ quan soạn thảo vẫn giữ nguyên quy định mức hưởng đối với khu vực doanh nghiệp, còn khu vực Nhà nước giao Chính phủ quy định chi tiết.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn giữ nguyên. Cụ thể, người mất việc được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

 Người lao động tìm đến một Trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội để được tư vấn. Ảnh: CTV

Người lao động tìm đến một Trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội để được tư vấn. Ảnh: CTV

Như vậy, người lao động có đi làm và đóng bảo hiểm thất nghiệp nhiều hơn 12 năm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa mà họ có thể nhận được cũng chỉ 12 tháng. Nếu chưa từng nghỉ việc hưởng trợ cấp cũng không được bảo lưu thời gian dôi dư.

Thêm vào đó, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định: Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật, bao gồm thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Cơ quan BHXH đóng BHYT cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, quy định về mức hưởng và thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp không được điều chỉnh trong lần sửa luật này.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.

Thực tế đa số các doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp. Vì vậy mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75% là phù hợp, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động đảm bảo mức sống tối thiểu khi mất việc làm.

Giúp người lao động sớm quay lại làm việc

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng cần phân biệt Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với Quỹ BHXH, đừng mang tư duy của Quỹ BHXH áp đặt cho bảo hiểm thất nghiệp.

Bởi lẽ, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là quỹ ngắn hạn, mang tính chia sẻ rủi ro cao, nó như một giá đỡ cho người lao động giúp họ quay lại thị trường một cách sớm nhất. Nếu hoạt động của quỹ không đưa được người lao động quay lại làm việc mà cứ chăm chăm kéo dài thời gian hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì coi như thất bại.

“Ở nhiều quốc gia trên thế giới, người thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng trong quá trình đó họ được một đơn vị tư vấn việc làm triệu tập đến trung tâm giới thiệu việc làm để cung cấp thông tin về thị trường lao động nhằm giúp người lao động quay lại làm việc một cách nhanh nhất.

Người lao động bất kỳ lúc nào cũng phải chấp hành quy định triệu tập. Còn nước ta làm như vậy có người bảo gây phiền hà cho người đang thất nghiệp”- ông Bình nói.

Với quan điểm đó, trong lần sửa Luật Việc làm, cơ quan soạn thảo chú trọng vào điều chỉnh chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tạo ra việc làm bền vững cho người lao động.

Cụ thể ở đây là Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ người lao động chi trả các chi phí, ký quỹ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên thông qua các hoạt tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề ngắn hạn…

Thêm vào đó, bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ mở rộng đối tượng hưởng với người cao tuổi, phát triển kỹ năng nghề và hỗ trợ cho người lao động tiếp cận việc làm.

Đáng chú ý, người sử dụng lao động khi tuyển dụng người khuyết tật sẽ được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động, nhưng thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng.

Như vậy, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang đóng nhiều vai trò trong việc hỗ trợ người lao động quay lại thị trường lao động. Theo đó, mức trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành 60% mức bình quân tiền lương là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người khi bị mất việc làm, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế hiện nay.

Theo ông Bình, nếu người lao động muốn tăng mức hưởng và kéo dài thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp chỉ còn cách đóng thêm tiền. Tuy nhiên, qua xem xét, cơ quan soạn thảo nhận thấy hiện doanh nghiệp cũng như người lao động đang khó khăn, việc tăng đóng vào quỹ không khả thi.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem lại quy định chỉ cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng. Bởi lẽ, quy định này sẽ khiến người làm đủ 12 năm rồi nghỉ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nghỉ đủ 12 tháng sẽ tạo ra nguy cơ rút BHXH 1 lần. Từ đó ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội, doanh nghiệp mất đi những người làm việc lâu năm, hoặc người lao động sẽ phối hợp với người sử dụng lao động trục lợi chính sách trợ cấp thất nghiệp.

Vì vậy, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất sửa theo hướng nếu người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, mà chuyển khoản đóng này vào các chế độ khác để tăng quyền lợi khi nghỉ hưu…

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-khong-nang-muc-huong-tro-cap-that-nghiep-len-75-post804488.html
Zalo