Lý do giá gạo xuất khẩu đầu năm lao dốc

Dù giá gạo Việt Nam giảm nhưng doanh nghiệp vẫn không có đơn hàng xuất khẩu do áp lực từ việc Ấn Độ xả gạo tồn kho.

Tháng đầu của năm 2025, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam đã phải đối diện với nhiều khó khăn. Giá gạo Việt Nam đầu năm 2025 liên tục giảm, kéo theo giá lúa trong nước giảm theo, áp lực thị trường xuất khẩu ngày càng gia tăng khi Ấn Độ bán mạnh gạo tồn kho.

Ấn Độ xả kho, gạo Việt Nam gặp khó

Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice, cho biết hiện nay giá gạo giảm do 3 nguyên nhân là các hợp đồng mới không có, đang vào mùa thu hoạch và Ấn Độ đang xả kho với số lượng lớn.

Hiện tại, đa số các giao dịch xuất khẩu đang tạm dừng. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm xuất khẩu giảm xuống khoảng 450 USD/tấn, tuy nhiên không bán được. Lý do là doanh nghiệp xuất khẩu không có đơn hàng mới, chào bán giá đó nhưng không có ai mua.

“Hiện nay giá gạo trắng của Ấn Độ rẻ hơn Việt Nam 50USD/tấn, giá chỉ ở mức 400 USD/tấn. Đó là giá chào, giá bán sau khi thương lượng có thể còn thấp hơn. Lượng gạo Ấn Độ tồn kho từ năm 2023, 2024 sẽ được bán ra mạnh mẽ, thu hút các khách hàng nhập khẩu gạo đến từ châu Phi, Trung Đông và những nước châu Á như Philippine, Indonesia…”- ông Có nói.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đầu năm 2025 giảm, kéo theo giá lúa trong nước giảm. Hiện giá lúa tươi tại ruộng đang bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân trong tháng 1-2025 loại gạo IR50404 chỉ ở mức 6.100 đồng/kg tùy chất lượng. Giá lúa tươi OM, lúa đài thơm ở mức 6.800 – 7.000 đồng/kg. Những thương lái đặt cọc trước sẽ mua lúa với giá 8.000 – 9.000 đồng/kg thì nay đều phải bỏ cọc vì thua lỗ.

 Giá gạo Việt Nam xuất khẩu giảm vì Ấn Độ xả gạo tồn kho giá rẻ. Ảnh: QH

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu giảm vì Ấn Độ xả gạo tồn kho giá rẻ. Ảnh: QH

Ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho biết Ấn Độ xả bán gạo tồn kho sẽ khiến nguồn cung tăng nên giá giảm là điều bình thường của thị trường. Mức giá lúa tươi hiện nay vẫn đảm bảo người nông dân có lãi. Hơn nữa, giá lúa nguyên liệu giảm, gạo nguyên liệu hạ thì doanh nghiệp cũng dễ tính toán được giá xuất khẩu.

“Bởi lẽ, năm 2024 dù giá gạo xuất khẩu cao nhưng giá lúa trong nước còn tăng cao hơn, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng chỉ có lỗ, may mắn thì hòa vốn. Vì thế, khi giá lúa trong nước ổn định trở lại, dù giá gạo xuất khẩu đang giảm nhưng doanh nghiệp chế biến cũng dễ bề tính toán kế hoạch thu mua xuất khẩu trong năm nay” - ông Tâm chia sẻ.

Năm 2025, thị trường lúa gạo sẽ ổn định trở lại

Theo dự đoán của các nhà xuất khẩu, giá gạo có thể tiếp tục giảm trong tháng 3 do lượng tồn kho lớn. Khách hàng đang ép giá vì nguồn cung dồi dào, đặc biệt từ Ấn Độ. Giá gạo sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng 5-6, khi các nước đã thu hoạch xong và nguồn cung giảm dần.

Thị trường chính của gạo Việt Nam trong năm 2025 vẫn là Philippines, Indonesia, Malaysia – các nước ưa chuộng gạo trắng giá rẻ, chất lượng vừa phải. Tuy nhiên, cạnh tranh rất lớn với gạo Thái Lan và Ấn Độ.

“Hiện gạo Thái Lan đang cao hơn gạo Việt Nam khoảng 20 USD/tấn. Chất lượng của họ tốt hơn, khách hàng cũng ổn định nên luôn được thị trường đón nhận. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần cải thiện quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, đặc biệt là sang châu Âu, châu Mỹ – những nơi yêu cầu chất lượng cao”- ông Có chia sẻ.

 Dự báo giá lúa gạo Việt Nam sẽ giảm trong những tháng đầu năm 2025. Ảnh: QH

Dự báo giá lúa gạo Việt Nam sẽ giảm trong những tháng đầu năm 2025. Ảnh: QH

Dự báo năm 2025, ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty gạo Cỏ May, đánh giá thị trường xuất khẩu gạo sẽ ổn định trở lại dù giá gạo sẽ không tăng đột biến nữa, áp lực cạnh tranh sẽ càng lớn hơn với gạo Việt Nam khi Ấn Độ đã xuất khẩu lại bình thường. Thế nhưng, mặt tích cực là thị trường xuất khẩu gạo sẽ phát triển bền vững, ổn định hơn.

Dù hiện tại hợp đồng xuất khẩu đang khó, nhưng với chất lượng tốt, gạo mới sẽ giúp gạo Việt Nam có những khách hàng ưu tiên lựa chọn. Trong khi gạo tồn kho Ấn Độ giá rẻ nhưng gạo cũ, nấu cơm hay làm nguyên liệu chế biến thực phẩm không ngon bằng. Với mức giá lúa trong nước giảm xuống, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo cũng sẽ tính toán để mua vào.

Ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty gạo Cỏ May

Theo ông Tâm, các doanh nghiệp cũng nên cơ cấu đa dạng loại gạo xuất khẩu vì nhiều loại gạo thơm, gạo chất lượng cao xuất khẩu vẫn giữ giá rất tốt. Doanh nghiệp nên đặt hàng nông dân phân bổ diện tích sản xuất những loại gạo thơm, gạo đặc sản khác.

Ông Tâm dẫn chứng công ty ông đầu năm nay vẫn có đơn hàng xuất khẩu với giá tốt đối với mặt hàng gạo thơm. Gạo thơm, trồng lúa tôm sinh thái xuất khẩu với giá đạt 1.260 USD/tấn, các thị trường khác dao động giữ giá ổn định từ 1.000 – 1.100 USD/tấn. Gạo trắng chất lượng cao, đóng gói thương hiệu riêng của doanh nghiệp xuất khẩu cũng có mức giá lên tới 600USD/tấn.

 Các loại gạo chất lượng cao như gạo thơm, gạo đặc sản vẫn xuất khẩu với giá tốt.

Các loại gạo chất lượng cao như gạo thơm, gạo đặc sản vẫn xuất khẩu với giá tốt.

Do đó theo ông Tâm, để phát triển bền vững, việc đa dạng hóa các loại gạo xuất khẩu như gạo thơm, gạo chất lượng cao và xây dựng thương hiệu là hướng đi chiến lược. Các thương hiệu gạo được bảo hộ quốc tế sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo lợi nhuận ổn định hơn.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần chú trọng đến việc tiết giảm chi phí sản xuất và diện tích trồng trọt để đảm bảo cân bằng cung – cầu. Một số vùng canh tác cần xả lũ, để đất nghỉ ngơi và tái tạo phù sa, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Năm 2024, gạo Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu hơn 9 triệu tấn

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2024 xuất khẩu gạo Việt Nam lần đầu tiên đạt hơn 9 triệu tấn, thu về 5,8 tỉ USD, tăng 10,6% về lượng nhưng tăng tới 23% về giá trị so với năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 cũng tăng 16,7% so với năm 2023.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần phải đa dạng thị trường trong thời gian tới. Ảnh: QH

Tuy nhiên, với việc phục hồi sản lượng sản xuất, dự kiến năm 2025 Ấn Độ có thể xuất khẩu từ 21 - 22 triệu tấn gạo các loại, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024. Việc này sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam vì gạo Ấn Độ có giá rẻ hơn. Ngoài ra, nhiều nước có tồn kho lớn sẽ giảm nhập.

Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần lưu ý để kịp thời chuyển hướng và đa dạng thị trường, khách hàng trong thời gian tới.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-gia-gao-xuat-khau-dau-nam-lao-doc-post830038.html
Zalo