Hải quan chủ động giải pháp ngăn chặn gian lận qua thương mại điện tử

Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua các giao dịch thương mại điện tử, Tổng cục Hải quan đang tập trung vào nhiều giải pháp.

Công chức Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Châu Anh

Công chức Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Châu Anh

Chưa có quy định cụ thể

Mỗi tháng, người Việt Nam bỏ ra khoảng 1 tỷ USD để mua sắm hàng hóa từ nước ngoài qua các sàn thương mại điện tử lớn. Thương mại điện tử phát triển thuận tiện cho người dân nhưng cũng đồng thời gia tăng tình trạng gian lận thương mại, đặc biệt là hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Dù mới được thành lập mấy năm nay nhưng mỗi ngày Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh Hà Nội (Cục Hải quan Hà Nội) phải tiếp nhận hàng nghìn kiện hàng hóa nhỏ, nhẹ, gọn và giá trị ít. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Nhiều lô hàng bưu kiện vô chủ, địa chỉ người nhận ghi vắn tắt, không rõ ràng từ các chuyến trọng điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vận chuyển hàng hóa trái phép về Việt Nam đã được cơ quan hải quan phát hiện. Thậm chí tỷ lệ này ngày càng nhiều.

Tăng cường chống buôn lậu qua thương mại điện tử

Năm 2025, ngành Hải quan sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với loại hình nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa mua bán qua các ứng dụng trực tuyến, hàng hóa gửi qua chuyển phát nhanh thông qua việc mua bán trên các sàn thương mại điện tử từ nước ngoài chuyển về Việt Nam. Đấu tranh với các hành vi như: làm giả giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu trái phép hàng hóa thuộc mặt hàng xuất, nhập khẩu có điều kiện… Ông Vũ Quang Toàn - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan)

Theo bà Lê Thị Hiền Lương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh Hà Nội (Cục Hải quan Hà Nội), các gói kiện gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh thông qua mua bán trên các sàn thương mại điện tử ngày càng gia tăng với tốc độ rất nhanh. Việc mua bán, nhập khẩu hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử còn tiềm ẩn những rủi ro mà liên quan đến hàng giả, hàng nhái, sở hữu trí tuệ hoặc những mặt hàng không đủ điều kiện miễn thuế.

Thương mại điện tử phát triển ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có một văn bản quy định cụ thể nào để quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, giao dịch qua các sàn. Tùy từng trường hợp, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được gửi về Việt Nam được thực hiện thủ tục hải quan theo các loại hình khác nhau của cơ quan hải quan. Cụ thể: hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh thì được thực hiện theo quy định về hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh; hàng hóa gửi qua dịch vụ đường biển, đường bộ, đường HÀNG không thông thường thì thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa thông thường.

Xây dựng Hệ thống quản lý tập trung

Hiện nay, cơ quan hải quan đang đề xuất xây dựng một Nghị định để quản lý nội dung này. Dự thảo Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử sẽ theo hướng tập trung các đối tượng liên quan đến hoạt động thương mại điện tử từ sàn giao dịch đến các công ty vận chuyển hay dịch vụ chuyển phát nhanh.

Ông Đỗ Huy Thọ - Trưởng phòng, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho hay, trong phương án đang được đề xuất, cơ quan hải quan sẽ xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin để quản lý và thực hiện các thủ tục hải quan đối với dạng giao dịch thương mại điện tử. Hệ thống này kết nối, chia sẻ thông tin với các cái sàn giao dịch, các đơn vị vận chuyển, các cơ quan quản lý chuyên ngành, các đại lý làm thủ tục hải quan và cả các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát nhanh. Thông qua Hệ thống này, thủ tục hải quan sẽ thực hiện minh bạch và rõ ràng hơn.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử cũng hướng đến việc tạo hành lang pháp lý, chính sách để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển. Từ đó đảm bảo sự vận hành thông suốt giữa người mua, sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà sản xuất và đảm bảo được việc quản lý của các cơ quan nhà nước.

Bà Đỗ Thị Thu Thủy - Giám đốc Pháp lý và Hải quan, Công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển phát nhanh DHL - VNPT cho biết, thời gian qua, cơ quan hải quan đã hỗ trợ mạnh mẽ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan. Chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể về vấn đề này được ban hành để làm sao giúp là cơ quan hải quan quản lý một cách hiệu quả cũng như đảm bảo tạo thuận lợi thương mại.

Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định còn phụ thuộc tiến độ đầu tư Hệ thống hải quan số. Đồng thời, ngành Hải quan cần có thời gian để rà soát lại các chủ trương, chính sách để đảm bảo làm sao các quy định của hoạt động thương mại điện tử vừa tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện mua bán hanh chóng, các sàn giao dịch thương mại điện tử có các điều kiện được phát triển ở Việt Nam nhưng đồng thời phải bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo hộ nền sản xuất trong nước.

ÔNG ĐÀO DUY TÁM - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC GIÁM SÁT QUẢN LÝ VỀ HẢI QUAN (TỔNG CỤC HẢI QUAN): Cơ quan hải quan luôn tạo thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử.

Trong giao dịch thương mại điện tử, hoạt động vận chuyển hàng hóa được thực hiện thông qua các công ty chuyển phát nhanh. Cơ quan hải quan luôn tạo thuận lợi cho các hoạt động giao dịch này dựa trên nguyên tắc tuân thủ các thông lệ quốc tế cũng như các công ước về quản lý đối với hàng hóa vận chuyển, bưu chính chuyển phát nhanh, tuân thủ các tiêu chuẩn miễn thuế, các quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng tiếp tục rà soát các chủ trương, chính sách để đảm bảo các quy định của hoạt động thương mại điện tử vừa tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện mua, bán nhanh chóng, cũng như là bảo hộ nền sản xuất trong nước. Cùng với việc xây dựng dự thảo nghị định riêng về quản lý đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thông qua giao dịch thương mại điện tử, ngành Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro đối với các đối tượng có tham gia vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử.

ÔNG BÙI TRUNG KIÊN, PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM VECOM: Cần hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ thông suốt

Thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, bối cảnh đó đặt ra yêu cầu làm sao Việt Nam có một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ thông suốt để vừa đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như các nhà cung cấp, các bên tham gia đồng thời phải đảm bảo quản lý nhà nước, đảm bảo về về an ninh, quốc phòng, phù hợp với các hiệp định, hiệp ước mà chúng ta đã ký kết.

Về dự thảo nghị định quản lý hải quan đối với sản xuất, nhập khẩu thì rất cần thông tin để đảm bảo quản lý tập trung bao gồm cả thông tin người bán, người mua, những hàng hóa, thành phẩm có liên quan, giúp cho tất cả những người tham gia trong chuỗi cung ứng cho đến cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ theo dõi một cách toàn trình cũng như là đồng bộ hóa về các chính sách, thủ tục. Như vậy sẽ giúp cho công tác từ khai báo hải quan điện tử đến kê khai thuế, theo dõi thanh toán cũng như là phòng, chống trục lợi, gian lận thương mại...

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hai-quan-chu-dong-giai-phap-ngan-chan-gian-lan-qua-thuong-mai-dien-tu-168690.html
Zalo