Lý do các nước châu Âu 'xa lánh' vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất

Trong khi Thụy Sĩ có truyền thống trung lập và là một đối tác thương mại quan trọng, các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, đang tẩy chay vũ khí của Thụy Sĩ do những hạn chế trong xuất khẩu vũ khí.

Thụy Sĩ đã không cho phép xuất khẩu đạn pháo xe tăng sang Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Thụy Sĩ đã không cho phép xuất khẩu đạn pháo xe tăng sang Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo mạng tin swissinfo.ch/eng mới đây, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, châu Âu đã trở thành một điểm nóng về việc mua sắm vũ khí. Tuy nhiên, một sự thay đổi đáng kể đã xảy ra trong quan hệ giữa các quốc gia châu Âu và Thụy Sĩ, khi ngày càng nhiều nước tránh hoặc dừng mua vũ khí từ quốc gia có truyền thống trung lập này. Đức, một trong những nước mua vũ khí lớn nhất từ Thụy Sĩ, đang dẫn đầu trong xu hướng đó, gây ra cuộc tranh cãi trong cả hai nước.

Thụy Sĩ và Đức có mối quan hệ chính trị và kinh tế sâu sắc. Hai nước láng giềng này chia sẻ nhiều giá trị và cùng mối quan tâm đến an ninh khu vực. Đức là quốc gia mua vũ khí, đạn dược và hàng hóa quân sự lớn nhất từ Thụy Sĩ, nhưng hiện tại, Đức đã quyết định loại trừ các công ty Thụy Sĩ khỏi một số hợp đồng mua sắm quân sự.

Quyết định này đã gây ra sự phản ứng trong ngành công nghiệp quốc phòng Thụy Sĩ, khi các chính trị gia từ nhiều đảng phái lên tiếng chỉ trích. Họ cho rằng động thái này không tôn trọng tính trung lập và tiến trình dân chủ của Thụy Sĩ. Thông điệp từ Đức rất rõ ràng: Thụy Sĩ không còn được xem là đối tác đáng tin cậy khi nước này từ chối cho phép Đức chuyển vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất cho Ukraine.

Một trong những yếu tố chủ chốt dẫn đến mâu thuẫn giữa Đức và Thụy Sĩ là quyết định của Thụy Sĩ không cho phép xuất khẩu 12.400 quả đạn pháo xe tăng Gepard sang Ukraine. Điều này diễn ra trong bối cảnh Đức đã mua số đạn này từ Thụy Sĩ cách đây ba thập kỷ. Thụy Sĩ dựa trên Đạo luật Vật tư Chiến tranh để từ chối yêu cầu của Đức, khẳng định rằng luật pháp bắt buộc phải tuân thủ quy tắc trung lập.

Tuy nhiên, động thái này đã tạo ra một rạn nứt tạm thời trong quan hệ giữa hai nước, khi Đức, với tư cách là thành viên NATO, có nghĩa vụ cung cấp viện trợ quân sự cho các đối tác đồng minh. Đức đã cảnh báo Thụy Sĩ rằng nếu họ chặn việc xuất khẩu vũ khí, họ sẽ tìm giải pháp thay thế.

Phản ứng của các nước châu Âu khác

Hà Lan là quốc gia đầu tiên bắt đầu tránh mua vũ khí từ Thụy Sĩ, sau khi nước này từ chối xuất khẩu 96 xe tăng Leopard-1 cho Ukraine. Tây Ban Nha và Đan Mạch cũng đang xem xét việc dừng mua vũ khí từ Thụy Sĩ, trong bối cảnh họ nhớ lại những lần từ chối trước đây của Thụy Sĩ trong việc cho phép chuyển giao vũ khí.

Đức không chỉ là một đối tác thương mại quan trọng của Thụy Sĩ, mà còn là đồng minh chính trị trong Liên minh châu Âu. Mặc dù những thông báo hiện tại chưa gây ra tổn thất nặng nề cho ngành công nghiệp quốc phòng của Thụy Sĩ, nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng rằng châu Âu mong muốn Thụy Sĩ thay đổi chính sách vũ khí.

Các chuyên gia an ninh châu Âu đã nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp quốc phòng Thụy Sĩ cần khả năng xuất khẩu sản phẩm của mình để duy trì tài chính và tích hợp vào chuỗi sản xuất quốc tế. Nếu không, sức mạnh quốc phòng của Thụy Sĩ sẽ bị tổn hại.

Dù Thụy Sĩ không cung cấp vũ khí cho các quốc gia tham gia xung đột, nhiều người trong nước và quốc tế đang đặt câu hỏi về lý do tại sao vũ khí đã được bán không thể được chuyển giao cho Ukraine. Quốc hội Thụy Sĩ đang xem xét sửa đổi Đạo luật Vật tư Chiến tranh để cho phép chính phủ có sự linh hoạt hơn trong việc phê duyệt các hợp đồng vũ khí trong trường hợp đặc biệt.

Mặc dù việc thay đổi này có thể diễn ra trong tương lai, nhưng hiện tại, không có vũ khí nào do Thụy Sĩ sản xuất có thể đến được Ukraine trước năm 2026. Điều này khiến nhiều người băn khoăn về khả năng Thụy Sĩ duy trì vai trò của mình trong việc hỗ trợ an ninh châu Âu.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước châu Âu "tẩy chay" vũ khí Thụy Sĩ, quốc gia này đang đứng trước một thử thách lớn trong việc bảo vệ tính trung lập và duy trì mối quan hệ chiến lược với các nước láng giềng. Thụy Sĩ đang rơi vào thế khó khi cần phải xem xét lại chính sách vũ khí của mình để đáp ứng nhu cầu an ninh của châu Âu, đồng thời không đánh mất danh tiếng trung lập vốn có.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo swissinfo.ch/eng)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/ly-do-cac-nuoc-chau-au-xa-lanh-vu-khi-do-thuy-si-san-xuat-20241002222144011.htm
Zalo