'Lương y như từ mẫu' và ngẫm suy về nghề...

Trong xã hội, bất cứ nghề nghiệp thiện lương nào cũng đáng được coi trọng. Tuy nhiên, nghề y được xem là nghề đặc biệt và cao quý. Từ ngàn xưa đến hôm nay, công việc chữa bệnh, cứu người luôn được đề cao. Dẫu vậy, bên cạnh sự trân trọng dành cho nghề y, vẫn còn đâu đó những chuyện không khỏi chạnh lòng...

Những y, bác sĩ có tài năng, y đức luôn được quý trọng.

Những y, bác sĩ có tài năng, y đức luôn được quý trọng.

1. Cách đây 70 năm, vào ngày 27/2/1955, Bác Hồ đã gửi một bức thư tới hội nghị cán bộ ngành y tế được tổ chức tại Hà Nội. Thư của Bác, căn dặn nhiều điều, đặc biệt về vấn đề y đức và trách nhiệm của cán bộ, y, bác sĩ đối với người bệnh.

Thư Bác viết: “Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”.

Từ bức thư ý nghĩa và sâu sắc của Bác, ngày 27/2 đã được chọn làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. 70 năm qua, ngày 27/2 đã trở thành ngày tôn vinh những nỗ lực, cống hiến của những người trong nghề.

Nếu nghề giáo là nghề “trồng người" thì nghề y là nghề cứu người, giúp người bệnh bảo vệ sức khỏe, hồi sinh sự sống. Dù trong thời chiến hay thời bình, y đức của thầy thuốc luôn sáng đẹp và đáng trân trọng.

Từ ngàn xưa đến hôm nay, lịch sử y học Việt Nam đã ghi nhận những danh y mà chỉ nhắc đến tên họ thôi, đó là sự ngưỡng mộ và biết ơn. Như thời nhà Trần có danh y Tuệ Tĩnh; thời Lê có danh y Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác); thế kỷ XX có Giáo sư (GS) Hồ Đắc Di; GS Đặng Văn Ngữ; GS Tôn Thất Tùng; bác sĩ Phạm Ngọc Thạch... Và trong thời hiện đại, cùng với sự phát triển vượt bậc của y tế Việt Nam là tên tuổi những y, bác sĩ tài hoa, trí tuệ được mến mộ, trân trọng.

2. Không phải ngẫu nhiên mà nghề y được xem là nghề đặc biệt và cao quý. Để một bác sĩ thành nghề, là cả quá trình đào tạo lâu dài và nỗ lực. Ngay từ đầu vào, các trường đại học y khoa đã có sự tuyển chọn khắt khe. Thời gian học đại học ngành y cũng kéo dài hơn so với các ngành đào tạo khác. Nhưng 6 năm học đại học mới chỉ là bước đầu trên con đường học tập nghiêm khắc và nhiều thử thách để có thể làm nghề. Bởi tiếp đó, những kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú được xem là mục tiêu mà có lẽ bất cứ một người yêu nghề nào cũng mong muốn được “chinh phục”... Vậy nên, việc học có thể kéo dài cả chục năm. Nếu không thực sự giỏi, không thực sự kiên trì thì thật khó để có thể theo đuổi sự học gian nan. Ngay cả khi đã trở thành bác sĩ thì vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kiến thức để đáp ứng những tiến bộ không ngừng của ngành. Và quan trọng hơn, trên bước đường hành nghề, phải luôn “khắc cốt ghi tâm”: tài và đức phải luôn song hành.

Nhắc đến y đức, tôi nhớ câu chuyện cũ hơn 5 năm về trước. Vào thời điểm đó, tôi đặt lịch khám bệnh (khám tự nguyện) tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Người khám cho tôi là một GS đầu ngành về sản phụ khoa. Đã 9 giờ tối mà vị GS kia vẫn chưa tới. Bên ngoài hành lang, có khoảng hơn 20 bệnh nhân khác đang trong tâm trạng... chờ đợi. Sốt ruột là vậy nhưng không có bệnh nhân nào bỏ về. Mãi gần 10 giờ đêm, GS mới xuất hiện. Vừa bước đến cửa phòng, dù dáng vẻ mệt mỏi song ông vẫn nhanh miệng: “Chúc các chị em ngày 20 tháng 10 vui vẻ, hạnh phúc. Tôi xin lỗi mọi người vì sự chậm trễ của mình... Nào, bây giờ thì mời các chị em vào phòng khám theo số thứ tự. Tôi sẽ khám đến khi hết bệnh nhân”.

Các y, bác sĩ chăm sóc, chữa bệnh cho người dân.

Các y, bác sĩ chăm sóc, chữa bệnh cho người dân.

Câu nói của GS, khiến chúng tôi quên đi cái sự chờ đợi trước đó. Và qua chia sẻ của nữ điều dưỡng phụ khám cho bác sĩ, chúng tôi biết lý do GS đến muộn vì có ca phẫu thuật khẩn cấp, một sản phụ gặp nguy hiểm. Thật may vì sau nhiều giờ đồng hồ, ca mổ thành công, cứu được cả hai mẹ con sản phụ...

Một câu chuyện không đầu không cuối, nhưng nó khiến tôi thêm ấn tượng về vị bác sĩ đáng kính. Vừa trải qua ca phẫu thuật “cân não”, sao có thể tránh khỏi những mệt mỏi. Buổi tối hôm đó, ông hoàn toàn có thể đề nghị những người bệnh dời lịch khám sang một ngày khác. Nhưng không, ông lựa chọn sự cố gắng một cách vui vẻ. Có lẽ ông hiểu, những người bệnh chờ để được ông khám, nếu không khó khăn, họ đã không phải lặn lội tìm đến ông!

Vị GS ấy, có thể đã quên chúng tôi - những người bệnh đã được ông khám muộn vào buổi tối hơn 5 năm trước. Bởi trong chặng đường làm nghề của mình, không biết đã có bao nhiêu lần ông lỗi hẹn với người bệnh vì những tình huống bất khả kháng. Nhưng tôi và có lẽ cả những người bệnh từng được ông khám, đến giờ vẫn chưa quên được sự tận tình của một người làm nghề có tâm.

3. Tuy nhiên, bên cạnh những y, bác sĩ đáng kính, được xã hội tôn vinh thì đâu đó vẫn có những “con sâu” làm hoen ố nghề cao quý. Đó là những người làm nghề thiếu cả tài và cả đức nên đã gây ra những sự cố đáng tiếc. Nhưng đáng trách hơn, dù khoác áo blouse trắng họ vẫn sẵn sàng “bán rẻ” lương tâm chỉ vì lợi ích vật chất. Họ sẵn sàng kiếm tiền, kiếm lợi trên nỗi đau người bệnh và gia đình bệnh nhân. Khi những sự vụ đáng xấu hổ bị phơi bày, dư luận xã hội phẫn nộ, lúc đấy lương y đã không còn như “từ mẫu”.

Dẫu vậy, một vài bông hoa dù không đẹp cũng đâu thể làm mất đi giá trị và hương sắc của một vườn hoa. Nghề y cũng vậy. Những y bác sĩ có đủ tài và đức, đã, đang và sẽ viết tiếp những câu chuyện đẹp của nghề chữa bệnh, cứu người...

Bài và ảnh: Trang Bùi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/luong-y-nhu-tu-mau-nbsp-va-ngam-suy-ve-nghe-35700.htm
Zalo